Giá xăng dầu hôm nay 3/11, giá dầu đã giảm nhiệt sau khi tăng 2 phiên liên tiếp. Dầu WTI trượt khỏi mốc 90 USD/thùng, dầu Brent mất mốc 96 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 3/11/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 87,72 USD/thùng, giảm 0,14 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 95,17 USD/thùng, giảm 0,99 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Fed đã thông báo về việc tăng mạnh lãi suất lần thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản lên mức từ 3,75 đến 4%.
Fed cho biết quyết định tăng lãi suất là phù hợp và cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, Fed cũng cho biết sẽ theo dõi các tác động kinh tế của việc tăng lãi suất trước khi có sự điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Giới đầu tư lo ngại quyết định của Fed sẽ kéo theo làn sóng tăng lãi suất mới từ các ngân hàng trung ương và nó sẽ tạo áp lực không nhỏ lên các các hoạt động kinh tế, có thể đẩy kinh tế toàn cầu sớm rơi vào tình trạng suy thoái.
Đồng USD mạnh hơn cũng là tác nhân khiến giá dầu ngày 3/11 giảm.
Trước đó, trong phiên 2/11, giá dâu thô được hỗ trợ mạnh bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh và Trung Quốc xem xét nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Dữ liệu từ Xăng dầu Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 28/10 đã giảm tới 6,5 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với mức dự báo tăng 400.000 thùng được đưa ra trước đó.
Dự trữ xăng cũng giảm mạnh 2,6 triệu thùng, cao hơn nhiều mức dự báo giảm 1,4 triệu thùng.
Giá dầu thế giới tăng trong phiên 2/11, ngay cả khi các tài sản rủi ro khác giảm sau lần tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm thứ 4 trong năm 2022 của Fed.
Theo các chuyên gia, thị trường rất tập trung vào các nguyên tắc cơ bản trong cung/cầu và lượng dự trữ trong bản số liệu mới nhất, bên cạnh thời điểm các lệnh trừng phạt áp lên dầu Nga có hiệu lực.
Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga sẽ bắt đầu từ ngày 5/12. Sau đó, EU sẽ tiếp tục với việc ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu từ Nga vào tháng 2. Động thái đó được cho là sẽ hạn chế khả năng vận chuyển dầu thô và các sản phẩm của Nga trên toàn thế giới, qua đó có thể thắt chặt thị trường năng lượng.
Điều đáng lo ngại là sản lượng tháng 10 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lần đầu tiên giảm kể từ tháng 6, trong khi khối này chỉ sản xuất dưới mức mục tiêu là 1,36 triệu thùng/ngày.
Với việc lượng dầu dự trữ của Mỹ vẫn ở mức thấp đối với hầu hết các sản phẩm, giới phân tích lo lắng rằng việc kế hoạch mở bán từ các kho dự trữ chiến lược của nước này sắp kết thúc sẽ loại bỏ một nguồn cung cho thị trường và càng khiến tình hình thêm khó khăn.
Thực tế, thị trường dầu mắc kẹt giữa một bên là rủi ro kinh tế khi Trung Quốc ngày càng gia tăng các biện pháp phong tỏa, hạn chế dịch, và mới đây nhất đã đóng cửa một số khu vực ở Trịnh Châu, khu vực sản xuất của nhà máy Foxconn. Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu ở miền trung Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp "quản lý im lặng", bao gồm cấm tất cả người dân ra ngoài và chỉ cho phép các phương tiện đã được phê duyệt giam gia giao thông. Quy định này sẽ có hiệu lực ít nhất đến ngày 09/11. Hiện tại, rủi ro về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sụt giảm tại Trung Quốc, cả trong hoạt động giao thông và kinh tế là yếu tố lớn nhất kìm hãm giá dầu.
Càng gần đến ngày 5/12, thời hạn lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô từ Nga của châu Âu càng khiến thị trường “vất vả” với những ẩn số từ phía nguồn cung. Diễn Đàn Năng lượng Quốc tế IEF cho biết sản lượng dầu Nga có thể giảm 1-3 triệu thùng/ngày dưới tác động kép của lệnh cấm vận cũng như trần giá. Tuy vậy, theo tính toán của Oilprice, thị trường có thể chỉ thiếu hụt 0,78-1,95 triệu thùng dầu/ngày các sản phẩm dầu Nga, do kỳ vọng Nga sẽ chuyển hướng được phần lớn các đơn hàng sang châu Á. Các bất ổn trên thị trường hàng thực là lý do các quốc gia tiêu thụ dầu lớn đang ráo riết thu mua sản phẩm của Mỹ, khiến cho tồn kho nước này sụt giảm mạnh.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/11.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/11, giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, dầu diesel tăng 290 đồng/lít.
Cụ thể, xăng E5 RON92 sau khi tăng 380 đồng, giá bán ra 21.870 đồng/lít; xăng RON95 tăng 410 đồng, giá bán ra 22.750 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel sau khi tăng 290 đồng, giá bán ra 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra 23.780 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành này, cơ quan điều hành ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này tính từ giữa tháng 10 đến nay.
Như vậy, so với giá các mặt hàng nói trên vào đầu tháng 1/2022, mỗi lít xăng RON 95-III đang rẻ hơn khoảng 2.100 đồng/lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.
Tại kỳ điều hành trước (21/10), giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 3/11 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.873 đồng/lít (tăng 377 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 883 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.756 đồng/lít (tăng 412 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 25.070 đồng/lít (tăng 287 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 23.783 đồng/lít (tăng 120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.082 đồng/kg (tăng 183 đồng/lít so với giá bán hiện hành).
Được biết, chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc nhà nước. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã xuất hiện một số doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ đã giao cho. Theo đó, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối thì chỉ có 22 doanh nghiệp đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch phân giao kể cả kế hoạch vào đầu năm và bổ sung.
Còn lại 14 doanh nghiệp, hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân đã chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ, các địa phương cần phải xem xét, xử lý các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo cung xăng dầu, Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản gửi 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phân giao sản lượng nhập khẩu phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm.
Bộ sẽ phân giao tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, bao gồm hơn 2,2 triệu m3 xăng, hơn 3,1 triệu m3 dầu diesel, hơn 8.200 m3 dầu hỏa và hơn 110.000 tấn dầu mazut.