Khan hiếm xăng dầu: "Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đau đầu lắm"

Nhóm PV Thứ tư, ngày 02/11/2022 19:29 PM (GMT+7)
"Hứa" với cử tri cả nước, nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng trên thực tế lại có tình trạng khan hiếm. Tại sao lại như vậy? Đại biểu cho rằng chỉ Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới có thể giải đáp được vấn đề này.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, tình trạng hết xăng dầu tại Hà Nội đã "nở rộ" gần đây, đại lý treo biển hết xăng còn dầu, thậm chí dù không treo biển nhưng khi khách vào đổ xăng, nhân viên hướng dẫn rời đi vì hết xăng.

Ngay cả khi giá xăng đã điều chỉnh tăng vào ngày hôm qua 1/11, nhiều cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội vẫn đóng cửa vì "hết hàng" khiến người dân mệt mỏi khi đi mua xăng. Tình trạng này cũng xảy ra ở TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam.

"Chắc chắn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đau đầu lắm" - Ảnh 1.

Tình trạng hết xăng đang gây lo lắng cho người dân mỗi khi cần đổ xăng. (Ảnh: An Linh)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu Hà Nội) chỉ ra rằng, nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. Thực tế, với mức chiết khấu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ, nên doanh nghiệp buộc phải nghỉ bán.

Đặt vấn đề tại sao các nước không có tình trạng này, mà Việt Nam lại có khi chúng ta đã sản xuất được xăng dầu (hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần), đại biểu Cường cho rằng, vấn đề ở đây là sự phối hợp quản lý giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công Thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí… "chưa tốt".

Nêu ý kiến của mình, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng thừa nhận, tình trạng xăng dầu lên giá, rồi xuống giá, trong khi đó các đại lý xăng dầu nhỏ lẻ đóng cửa, ngưng hoạt động diễn ra trong thời gian qua là nỗi bức xúc của người dân đối với mặt hàng này. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều đại biểu đặt vấn đề về khan hiếm xăng dầu, xăng dầu tăng giá nhiều hơn giảm giá tại phiên họp về kinh tế xã hội trong những ngày vừa qua.

"Trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với vấn đề này như thế nào?", đại biểu Hòa đặt vấn đề.

"Chắc chắn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đau đầu lắm" - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Thành An)

Theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, mặc dù Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung xăng dầu không thiếu, xăng dầu phục vụ đầy đủ cho bà con. Tuy nhiên, theo ông tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn diễn ra, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở Hà Nội và các tỉnh thành khác, biểu hiện là việc các cửa hàng, đại lý đóng cửa, ngừng bán trong thời gian qua.

Lý do tại sao các đại lý ngưng bán xăng. Vì đại lý sợ xăng giảm giá, phải gánh lỗ hay vì đại lý không thể nhập được xăng dầu? Theo đại biểu Hòa, Bộ Công Thương được giao quản lý về lĩnh vực này phải kiểm tra xem xét tìm hiểu rõ nguyên nhân, từ đó mới có biện pháp khắc phục, tháo gỡ và đề xuất với Chính phủ để có giải pháp tối ưu nhất bình ổn lại thị trường xăng dầu.

"Nếu đúng như đại lý nói không có xăng dầu thì đại lý cấp trên phải nhanh chóng đưa xăng dầu về cho đại lý nhỏ lẻ bán. Nếu đại lý cấp 1, 2 có đủ nguồn cung xăng dầu nhưng địa lý nhỏ lẻ không nhập về bán vì sợ giá xăng dầu giảm khiến đại lý này lỗ thì phải có hỗ trợ, tác động từ nhà nước. Bởi mua bán sản xuất kinh doanh phải có lợi nhuận, bán nhưng lỗ thì ai bán, biết bán chắc chắn lỗ thì không ai chấp nhận", đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đặc biệt lưu ý, việc Bộ trưởng Bộ Công Thương đã "hứa" với cử tri cả nước là không thiếu cung xăng dầu, nhưng thực tế lại có hiện tượng khan hiếm xăng dầu. Tại sao lại như vậy, theo đại biểu câu hỏi này chỉ Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mới có thể giải đáp.

"Chắc chắn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đau đầu lắm, nhưng đã cam kết với cử tri cả nước thì Bộ trưởng cũng cần phải có câu trả lời xác đáng", ông Hòa nói và kỳ vọng, thị trường xăng dầu sẽ sớm bình ổn trở lại.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì cho rằng, hiện nhiều Bộ, ngành cùng quản lý mặt hàng xăng dầu nhưng trách nhiệm chính là Bộ Công Thương, vấn đề là Bộ có kịp thời nhạy bén, đầy đủ thông tin, căn cứ để đề xuất cơ chế, điều tiết thị trường này hay không.

"Cái gì vướng thì cần đề xuất lên Chính phủ xem xét, chỉ đạo. Còn trách nhiệm quản lý chính mặt hàng này là Bộ Công Thương, không thể đùn đẩy trách nhiệm cho bộ nọ, bộ kia được", ông Lâm nêu quan điểm và thêm rằng vấn đề của thị trường xăng dầu không chỉ dừng lại ở chiết khấu, mà còn là điều tiết nguồn cung và cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm giải quyết vấn đề này.

Ông Lâm nói thêm, Bộ Công Thương cần nhạy bén, thu thập đầy đủ thông tin, căn cứ để đề xuất cơ chế, gỡ bất cập của thị trường và đề xuất cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem