Nóng: Thủ tướng yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 02/11/2022 22:41 PM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sớm khắc phục tình trạng thiếu hụt và bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Bình luận 0

Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. 

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu - Ảnh 1.

Vừa qua tại thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: NP

Theo Thủ tướng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên.

Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì cùng với các Bộ, cơ quan liên quan tích cực, chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước góp phần vào việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân, không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.

Tuy nhiên, vừa qua tại thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.

Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.

Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Thủ tướng cũng yêu cần khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu; các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung…; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan; bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Các bộ bao gồm: Công Thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng yêu cầu khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh, chủ động xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính bảo đảm cung cấp kịp thời, khách quan, trung thực các thông tin liên quan đến xăng dầu, phản ánh tổng thể tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu - Ảnh 2.

Để đảm bảo cung xăng dầu, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phân giao sản lượng nhập khẩu phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm. Ảnh: NP

Bộ Tài chính cho biết, cho đến thời điểm hiện tại Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Bộ Tài chính cho biết, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa gửi báo cáo chi phí gồm: Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát,Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P, Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát, Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh, Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.

Để kịp thời tổng hợp, rà soát và đánh giá, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương báo cáo các nội dung theo yêu cầu tại công văn số 10856/BTC-QLG về Bộ Tài chính chậm nhất trong ngày 5/11.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và chứng từ kèm theo.

Để đảm bảo cung xăng dầu, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phân giao sản lượng nhập khẩu phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm.

Bộ sẽ phân giao tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, bao gồm hơn 2,2 triệu m3 xăng, hơn 3,1 triệu m3 dầu diesel, hơn 8.200 m3 dầu hỏa và hơn 110.000 tấn dầu mazut.

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất hơn 2,1 triệu m3 xăng dầu, trong đó có 35.000 tấn dầu mazut, còn lại là xăng 1,04 triệu m3 xăng, dầu diesel 1,07 triệu m3, dầu hỏa 8.287 m3.

Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà được phân giao 340.000 m3 xăng, dầu; trong đó có 3.000 tấn dầu mazut, còn lại là xăng và dầu diesel. Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil 185.000 m3 xăng, dầu; Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp được phân giao 149.000 m3 xăng và dầu diesel. Tổng công ty thương mại xuất khẩu Thanh Lễ được phân giao 185.000 m3 xăng và dầu diesel...

Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm tổ chức nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước đảm bảo nguồn cung trong quý IV không thấp hơn sản lượng xăng dầu của các doanh nghiệp được phân giao. Các doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về kinh doanh xăng dầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem