Nhờ nuôi bò vỗ béo mà nhiều năm nay, năm nào gia đình ông Đặng Văn Chính (tiểu khu 5, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) cũng thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng.
Trước kia ông Chính làm nghề lái xe tải, rồi chuyển sang trồng cam Vinh và bưởi Diễn trên diện tích 4ha. Quá trình trồng cam, bưởi, ông thấy có nhiều cỏ dại mọc trên các triền đồi của bà con trong xã, rất tiện lợi cho việc nuôi bò.
"Cỏ xanh nhiều thế này mà không dùng thì phí lộc trời quá. Nếu chịu khó bỏ vốn nuôi bò vỗ béo và bán vào dịp cuối năm, có thể mang lại thu nhập cao. Nghĩ vậy, sau đó tôi mua 20 con bò gầy về nuôi. Được một thời gian, thấy có hiệu quả, tôi tiếp tục tăng đàn bò vỗ béo lên hơn 60 con. Cứ mỗi dịp Tết đến, thương lái đều đến trang trại tôi mua, bò bán được giá lắm" - ông Chính kể.
Gắn với thế mạnh từng huyện, thành phố
Ngày 25/7/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TU về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện nghị quyết này, cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi. Hình thức chăn nuôi trang trại, gắn với các biện pháp an toàn sinh học quy mô vừa và nhỏ cũng được từng bước nhân rộng... Trên cơ sở điều kiện cụ thể của các địa phương, tỉnh Hòa Bình từng bước phát triển chăn nuôi gắn với thế mạnh của từng huyện, thành phố.
Cụ thể, chăn nuôi đại gia súc tại Kim Bôi, Tân Lạc. Chăn nuôi lợn giống địa phương tập trung tại huyện Đà Bắc, một số trang trại tại TP.Hòa Bình và một số xã vùng cao của huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn. Gà công nghiệp chăn nuôi tập trung trong các trang trại tại các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi, Kỳ Sơn…
Với hướng đi này, Hòa Bình đã phát huy hiệu quả các tiềm năng sẵn có của địa phương, đồng thời giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện trang trại nuôi bò của ông Chính đã được mở rộng lên hơn 4.000m2, đích thân ông lặn lội về chợ Ú (huyện Đô Lương, Nghệ An) mua những con bò gầy về vỗ béo.
Để chủ động cho việc cung cấp lượng thức ăn cho đàn bò, ông Chính trồng thêm cỏ voi trên 1ha, mua thêm rơm rạ, cây mía, bã bia của người dân tích vào kho. Trung bình mỗi ngày 1 con bò tiêu tốn khoảng 10kg cỏ voi, 20kg mía, 8kg bã bia. Chăm sóc bài bản thì khoảng 4 tháng là có thể bán bò ra thị trường. Sau khi trừ chi phí, ông Chính thu lãi khoảng 6 - 8 triệu đồng/con bò.
Bên cạnh những trang trại nuôi bò vỗ béo như kiểu của ông Chính, thời gian qua tại Hòa Bình xuất hiện mô hình nuôi trâu bò thịt công nghệ cao, theo hướng kinh tế tuần hoàn của Công ty CP giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình.
Theo đó, trang trại của công ty này rộng tới hơn 20ha ở xã Yên Mông (TP.Hòa Bình), chăn nuôi hơn 5.000 con trâu, bò chất lượng cao.
Trang trại được quy hoạch khoa học thành các khu: Khu nuôi bò vỗ béo, khu nuôi bò giống, khu vỗ béo trâu, khu phối trộn thức ăn, khu chế biến phân bón... Tất cả các quy trình sản xuất được khép kín, mọi thứ được tận thu, sử dụng.
Theo đó, công ty tự sản xuất đệm lót sinh học từ những thứ bỏ đi như vỏ cây, mùn cưa, lá khô… nghiền nát, trộn với các chủng vi sinh hữu ích, sau đó rải xuống nền chuồng nuôi bò. Phân và nước tiểu rơi xuống sẽ được giữ lại toàn bộ; được các chủng vi sinh phân giải các hợp chất hữu cơ, tạo thành sản phẩm phân bón cho cây trồng. Trung bình mỗi tháng, trang trại T&T 159 cung cấp cho thị trường khoảng 800 con trâu, bò thịt.
Riêng phân bón hữu cơ, mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 100 tấn, giá trị 300 - 500 triệu đồng - đủ chi phí để vận hành trang trại trong ngày. Nhờ vận hành theo mô hình kinh tế tuần toàn, đàn bò phát triển mạnh khỏe, ít bị ốm bệnh.
Đẩy mạnh chăn nuôi quy mô tập trung
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở NNPTNT Hòa Bình, trên mặt bằng chung toàn tỉnh thì chăn nuôi vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh chưa cao, việc áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi chưa đồng bộ, nhận thức của người chăn nuôi trong công tác cải tạo giống và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi còn hạn chế. Tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi, gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư…
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND, ngày 17/5/2021 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 81/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (Thông qua đề án phát triển chăn nuôi bền vững giai đoạn 2021 - 2025).
Ông Trần Tiến Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hòa Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 81, ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển theo đúng quy hoạch, nhất là phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 100 trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp.
Trong đó có 3 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159, 3 trang trại nuôi bò vỗ béo BBB tại huyện Lạc Thủy; 71 trang trại chăn nuôi gia cầm; 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt, quy mô từ 300 - 3.000 con; 14 trang trại nuôi dê quy mô 60 - 200 con…
Hòa Bình cũng đã triển khai một số mô hình sử dụng các loại giống bò đực lai Sind và lai Zebu để cho phối giống trực tiếp; bước đầu sử dụng tinh cọng rạ các giống bò Brahman, BBB, Red Sindhi, HF để thụ tinh nhân tạo, cải tạo giống, gắn với sử dụng quy trình vỗ béo có sử dụng thức ăn ủ chua, thức ăn tinh bổ sung. Các giống bò năng suất cao tiếp tục được đưa vào địa bàn nuôi thử nghiệm, đánh giá đạt được kết quả tốt, hướng tới nhân rộng đưa vào sản xuất đại trà (bò BBB tại huyện Lạc Thủy).