Kiến Thụy (Hải Phòng): Cưỡng chế vội vàng, 75.000 tấn ngao của nông dân có nguy cơ mất trắng

Minh Ngọc - Nguyễn Chương Thứ năm, ngày 03/11/2022 19:40 PM (GMT+7)
Khoảng 75.000 tấn ngao chưa kịp thu hoạch trên biển của bà con nông dân huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) có nguy cơ bị mất trắng, thiệt hại ước hàng trăm tỷ đồng xuất phát từ việc cưỡng chế khu vực nuôi ngao chưa thấu tình, đạt lý của UBND huyện Kiến Thụy từ ngày 14/10 vừa qua.
Bình luận 0

Vội vàng cưỡng chế?

Theo đó, từ ngày 14/10/2022, UBND huyện Kiến Thụy đã tiến hành thực hiện cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định số 4364 ngày 4/10/2022 của Chủ tịch UBND huyện đối với 38 hộ nuôi ngao tại cửa sông Văn Úc. Theo đó, 47 chòi canh ngao của các hộ dân đã bị chính quyền huyện Kiến Thụy cưỡng chế. Quyết định cưỡng chế trên được ký căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4149 ngày 19/9/2022 của UBND huyện Kiến Thụy. Song điều đáng nói, đó là quyết định xử phạt trên chưa được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Sau hơn 2 tuần bị cưỡng chế, chúng tôi đã trở về huyện Kiến Thụy, những hình ảnh mà chúng tôi ghi lại được chỉ còn lại là sự tan hoang, có những chòi canh ngao chỉ còn trơ trọi lại phần cột chống. Chia sẻ với Dân Việt, ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội Nuôi ngao huyện Kiến Thụy xót xa nói: "Người dân chúng tôi bao năm lam lũ, vất vả, vươn khơi bám biển, từ khi biết đến nghề nuôi ngao hơn 20 năm nay, đời sống của bà con nơi đầu sóng ngọn gió đã khấm khá hơn. Để duy trì, phát triển nghề nuôi ngao, mỗi hộ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng thuyền, mua giống, dựng chòi. Không xét đến những quyền lợi chính đáng đó của người dân, huyện Kiến Thụy đã vội vàng cưỡng chế, tới đây chúng tôi không biết sẽ phải làm gì để sinh sống".

Hải Phòng: Huyện Kiến Thụy cưỡng chế chòi canh ngao để đặt phao “mở đường” cho hút cát, người dân ngao ngán (bài 1)  - Ảnh 1.

Ngày 14/10, UBND huyện Kiến Thụy thực hiện cưỡng chế các chòi canh ngao của người dân tại cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Theo các hộ dân, việc cưỡng chế của UBND huyện Kiến Thụy là quá vội vàng. Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Tuân cho hay, mỗi chòi canh ngao của người dân được đầu tư trên 50 triệu đồng. Việc 47 chòi bị cưỡng chế, riêng số tài sản này đã bị thiệt hại trên 2,3 tỷ đồng, đặc biệt người dân đã không còn nơi nào để trông giữ, thu hoạch ngao. Theo ước tính, hiện vẫn còn 75.000 tấn ngao của 38 hộ dân vẫn đang nằm dưới biển, không còn chòi canh giữ và khó đi ra thu hoạch, lượng ngao này có nguy cơ mất trắng.

Theo lập luận của ông Tuân, cho đến nay, huyện Kiến Thụy vẫn chưa làm rõ được những vấn đề mà người dân đã nêu, kiến nghị từ nhiều tháng qua trước khi tiến hành cưỡng chế như: Quá trình hình thành, phát triển nghề nuôi ngao ở Kiến Thụy là do người dân mất nhiều công sức để cải tạo nhưng lại phủ nhận hoàn toàn cho là nuôi trái phép; Vì sao lại quy hoạch vùng nuôi ngao theo kiểu "thụt lùi" giảm từ hơn 3.000ha nuôi ngao hiện hữu xuống còn 750 ha và vì sao lại ưu tiên cấp phép, "mở đường" cho các doanh nghiệp vào khai thác cát tại cửa sông Văn Úc...

Chứng kiến việc chính quyền huyện Kiến Thụy cưỡng chế các chòi canh ngao của gia đình mình, chị Nguyễn Thị Yến, ở thôn Nam Hải, xã Đoàn Xá không cầm được nước mắt. Chị Yến bộc bạch với chúng tôi: "Hưởng ứng chủ trương về việc khai thác tiềm năng thủy sản ven biển, từ những năm 2000, gia đình tôi đã bỏ nghề đánh bắt thủy sản để vào bờ làm nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có con ngao. Hiện gia đình có 70ha nuôi ngao ở bãi triều, bao nhiêu vốn liếng đều đầu tư vào nuôi thả ngao. Bây giờ chính quyền tiến hành cưỡng chế và yêu cầu di dời, hàng chục tấn ngao dưới biển của tôi rồi đây không biết trông giữ, thu hoạch kiểu gì".

Hải Phòng: Huyện Kiến Thụy cưỡng chế chòi canh ngao để đặt phao “mở đường” cho hút cát, người dân ngao ngán (bài 1)  - Ảnh 2.

Việc tháo dỡ hết các chòi trông giữ ngao của huyện Kiến Thụy khiến "số phận" của khoảng 75.000 tấn ngao vẫn nằm dưới biển rồi đây không biết ra sao. Ảnh: Nguyễn Chương

Cũng là hộ có chòi canh ngao bị cưỡng chế, bà Bùi Thị Tin (68 tuổi), xã Đại Hợp chia sẻ, từ đời ông, cha đã sống bằng nghề vươn khơi, bám biển. Năm 2013, để đầu tư nuôi ngao gia đình phải vay ngân hàng 3,6 tỷ đồng và vay bên ngoài 5 tỷ đồng để mua giống và đầu tư các hạng mục khác nuôi ngao, đến giờ vẫn chưa trả hết nợ. Thế nhưng huyện Kiến Thụy lại vội vàng cưỡng chế chòi của nhà tôi và giờ họ cũng không có phương án gì hỗ trợ người dân. "Sắp đến Tết rồi, cả gia đình tôi trông chờ vào vụ ngao này, thế mà họ nỡ lòng cưỡng chế, không xem xét gì đến quyền lợi của người dân"- bà Tin chia sẻ.

Bức xúc trước việc huyện Kiến Thụy tiến hành cưỡng chế chòi canh ngao của người dân, ông Bùi Văn Tuyền – một trong 38 hộ bị cưỡng chế nói: "Khi làm quy hoạch vùng nuôi ngao, chính quyền địa phương không tổ chức hội nghị, không lấy ý kiến những người đang nuôi ngao. Tiếp đó, liên tiếp ra các thông báo yêu cầu người dân di dời chòi, ngao; quyết định xử phạt hành chính rồi mới đây nhất là cưỡng chế khiến người dân rất bức xúc và buồn bã.

Người dân cần câu trả lời thỏa đáng

Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Trí Tuân cho rằng, việc UBND huyện Kiến Thụy chưa trả lời được những câu hỏi mà người dân đang bức xúc mà đã vội vàng ra Quyết định cưỡng chế và tiến hành cưỡng chế 47 chòi canh ngao của 38 hộ gia đình đã đẩy người dân vào thế không còn công ăn, việc làm, sinh kế.

Đưa phóng viên Dân Việt ra địa điểm nuôi ngao có các chòi canh ngao bị huyện Kiến Thụy cưỡng chế ngày 14/10, ông Tuân cho hay: "Sau khi cưỡng chế, chính quyền huyện Kiến Thụy đã tiến hành cắm phao tiêu chồng lên trên diện tích đang thả nuôi ngao của người dân để phục vụ cho khai thác cát. Việc chính quyền huyện Kiến Thụy thực hiện cưỡng chế đã thể hiện quyết tâm xóa sổ vùng nuôi ngao đã có từ nhiều năm nay của bà con, họ ưu tiên cho mục đích khai thác cát hơn là phát triển nông nghiệp, duy trì môi trường bền vững".

Hải Phòng: Huyện Kiến Thụy cưỡng chế chòi canh ngao để đặt phao “mở đường” cho hút cát, người dân ngao ngán (bài 1)  - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Yến (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy) cho biết, sau khi tiến hành cưỡng chế, UBND huyện Kiến Thụy đã dựng chòi bảo vệ phao tiêu chồng lên khu vực nuôi ngao của người dân. Ảnh: Nguyễn Chương

Cung cấp cho phóng viên Dân Việt về những hình ảnh, video mà người dân quay lại được về việc UBND huyện Kiến Thụy tiến hành cưỡng chế các chòi canh ngao của 38 hộ dân ngày 14/10, bà Nguyễn Thị Yến cho rằng, nói là tháo dỡ nhưng thực chất, họ toàn dùng tàu công suất lớn đâm trực diện vào các chòi canh ngao của người dân. đây là "hành động hủy hoại tài sản, chứ không phải là tháo dỡ hay di dời".

Cũng theo các hộ dân, tại Quyết định số 4364 ngày 4/10/2022 của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy về việc thực hiện cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả có nêu: Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong thời gian 15 ngày kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được Quyết định. Tuy nhiên, chưa hết 15 ngày kể từ khi nhận được Quyết định thì ngày 14/10 (sau 10 ngày từ khi ra Quyết định) UBND huyện Kiến Thụy đã vội vàng tiến hành cưỡng chế. Các hộ dân cho rằng, UBND huyện Kiến Thụy đã thực hiện cưỡng chế không đúng so với quy định tại Điều 5, Nghị đinh 166 ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bà Yến cũng cho biết, trước đó, ngày 8/6/2022, tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Nguyễn Văn Tuấn với các hộ nuôi ngao thì người đứng đầu UBND huyện Kiến Thụy đã khẳng định: "Người dân không phải là nuôi ngao trái phép mà hiện nay người dân đang nuôi ngao trên biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định".

Hải Phòng: Huyện Kiến Thụy cưỡng chế chòi canh ngao để đặt phao “mở đường” cho hút cát, người dân ngao ngán (bài 1)  - Ảnh 4.

Tàu hút cát đã vào khai thác cát sát khu vực nuôi ngao của người dân khiến người dân nơi đây rất bức xúc. Ảnh chụp trưa 3/11/2021 tại vị trí ven biển Kiến Thụy, hướng từ cửa sông Văn Úc đổ ra. Ảnh: Nguyễn Chương.

Ông Tuân, bà Yến, bà Tin, ông Tuyền và các hộ dân cho hay, khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Nguyễn Văn Tuấn là như vậy nhưng chính vị Chủ tịch UBND huyện lại "không trả lời được những thắc mắc của người dân" mà lại ra Quyết định xử phạt hành chính và Quyết định cưỡng chế đối với 38 hộ dân đang nuôi ngao tại cửa sông Văn Úc khiến người dân vô cùng thất vọng, ngao ngán. Chính vì vậy, ông Tuân và các hộ nuôi ngao đề nghị UBND huyện Kiến Thụy phải làm rõ 3 vấn đề:

Thứ nhất, làm rõ quá trình hình thành, phát triển nghề nuôi ngao ở Kiến Thụy.

Thứ hai, làm rõ Quyết định quy hoạch số 635 năm 2018 của UBND huyện Kiến Thụy, vì sao lại quy hoạch vùng nuôi ngao theo kiểu "thụt lùi" giảm từ hơn 3.000ha nuôi ngao hiện hữu xuống còn 750 ha và đưa vùng nuôi ngao vào chỗ không thuận lợi, không khác nào triệt đường sống của bà con ngư dân.

Thứ ba, liên quan đến việc cấp phép 9 mỏ cát cho các doanh nghiệp khai thác cát tại cửa sông Văn Úc, đề nghị UBND huyện Kiến Thụy phải làm rõ cơ sở cấp phép và vì sao lại cấp phép chồng lấn vào vị trí nuôi ngao của bà con ngư dân?.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Ông Vũ Trí Tuân, Hội trưởng Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy cho biết: "Ngay từ những năm 1990, khu vực bãi Triều hình thành lên nhiều cồn cát có vị trí thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy khu vực này có tiềm năng phát triển giống ngao, năm 2003, Bộ Thủy sản cũ đưa con ngao trắng ra ngoài này để nuôi; một số người dân địa phương đã ra khu vực bãi Triều cải tạo các bãi bồi, tiến hành nuôi ngao thương phẩm.

Đến năm 2008, nhờ Bộ NNPTNT chuyển giao công nghệ nuôi ngao trắng, cùng với việc áp dụng tốt kỹ thuật nuôi ngao, nhiều hộ dân đã có "của ăn của để". Cũng từ đây, bãi triều dần trở thành khu vực nuôi ngao tiềm năng, tính đến nay đã có hơn 200 hộ nuôi ngao, trên 3.000 ha diện tích mặt nước với khoảng 1.000 lao động trực tiếp có mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, ngày 24/04/2018 UBND huyện Kiến Thụy bỗng dưng ban hành Quyết định số 635-QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao vùng ven biển huyện Kiến Thụy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đi ngược lại lợi ích của người dân. Theo đó, giảm từ 3.000 ha nuôi ngao xuống còn 750 ha. Điều đáng nói, diện tích còn lại để ưu tiên cho... khai thác cát.

"Từ năm 2018 đến nay người dân đã nhiều lần làm việc với UBND huyện Kiến Thụy để tìm câu trả lời về việc vì sao giảm diện tích nuôi ngao để phục vụ cho khai thác cát thì UBND huyện Kiến Thụy vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng với người dân. Hiện tình trạng hút cát vẫn diễn ra rầm rộ tại cửa sông Văn Úc, điều này đã làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi ngao của bà con", ông Vũ Trí Tuân cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem