Lấy rác gì nuôi lợn, nuôi gà, vịt mà anh nông dân Quảng Trị khiến cả làng tò mò?

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 03/11/2022 18:59 PM (GMT+7)
Tâm đắc với câu nói của người Nhật Bản: “Rác là tài nguyên, là tài sản quốc gia”, anh nông dân ở tỉnh Quảng Trị đã về quê, lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, tạo ra thực phẩm sạch, lãi 200 triệu đồng/năm. Câu chuyện nghe lạ tai nhưng có thật, và đang là xu hướng của thời đại nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Bình luận 0

Chăn nuôi bằng...rác

Người chúng tôi nhắc đến là anh Nguyễn Đăng Vương (SN 1983, trú thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình, anh Vương vừa cho biết, đây là mô hình tuần hoàn khép kín, tận dụng rác phế phẩm để chăn nuôi.

Quảng Trị: Lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, anh nông dân lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Đăng Vương sử dụng thức ăn vi sinh do mình tự làm ra để cho vịt, gà, lợn ăn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Vắn tắt về cơ duyên đến với sản xuất thực phẩm sạch, anh Vương kể, sinh ra ở vùng quê nghèo (trước đây là thôn Tây Sơn, sau đó sáp nhập với 2 thôn khác thành thôn Bình An) nên anh bươn chải rất sớm, với nhiều nghề. Đến năm 2012, anh thành lập công ty xây dựng.

Giữa năm 2015, trong một chuyến tham quan ở Nhật Bản kéo dài 12 ngày, anh vô cùng tâm đắc với câu nói của người dân xứ sở mặt trời mọc: "Rác là tài nguyên, là tài sản quốc gia".

Không chỉ nghe, anh Vương còn tận mắt thấy người Nhật Bản phân loại rác, tái chế, tận dụng tài nguyên rác rất khoa học, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường, lại tiết kiệm và mang lại lợi ích kinh tế.

Quảng Trị: Lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, anh nông dân lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Rác phế phẩm nông nghiệp được anh Vương đưa về trang trại để ngâm ủ vi sinh. Trong ảnh là anh Hồ Văn Núi, đang học cách chăn nuôi vi sinh ở trạng trại anh Vương. Không chỉ được dạy kỹ thuật, anh Núi còn được anh Vương nuôi ăn, ở và trả lương. Ảnh: Ngọc Vũ.

Trở về quê với bầu nhiệt huyết phải "biến rác thành tiền" như người Nhật Bản. Thế là từ cuối năm 2015, anh Vương quyết định trở lại Nhật Bản học làm phân bón vi sinh từ rác thải phế phẩm. (Mời bạn đọc xem trọn video ở cuối bài báo).

"Mất 3 chuyến đi, tổng cộng 9 tháng, hết 200 triệu đồng chi phí tôi mới học được cách làm phân bón vi sinh và các sản phẩm chăn nuôi từ rác" – anh Vương nói.

Năm 2018, anh Vương quyết định mở nhà máy sản xuất phân bón vi sinh từ rác. Sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng nhưng vì người dân chưa quen dùng nên khó tiêu thụ. Vậy là sau 2 năm, nhà máy phải đóng cửa.

Dù thất bại nhưng quyết tâm làm giàu từ rác trong tâm trí vẫn còn cháy bỏng. Vì vậy, năm 2020, anh Vương mở trang trại chăn nuôi thực phẩm sạch.

Quảng Trị: Lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, anh nông dân lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Hợp chất vi sinh sẽ được đổ vào máy trộn với bả bia để tạo ra thức ăn cho vật nuôi. Ảnh: Ngọc Vũ.

Với nguồn vốn có sẵn cùng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh Hội Nông dân, anh Vương đầu tư chuồng trại, chăn nuôi lợn, gà, vịt. Từ vài chục con heo, vài trăm con gà, vịt, đến nay anh Vương đã mở rộng trang trại, mỗi năm nuôi 30 lợn nái sinh sản, hơn 300 heo thịt, hàng ngàn con vịt, gà và còn 5ha lúa hữu cơ.

Cái khác lạ ở trang trại anh Vương đó là nguồn thức ăn do anh tự làm ra, từ rác thải, phế phẩm. Anh Vương đến các chợ, khu vực sản xuất trên địa bàn thu gom phế phẩm như đầu, ruột của cá, ếch, đầu tôm, bã đậu, thân cây ngô, lạc, hoa quả, rau củ bị hỏng… Những phế phẩm là rác này được anh Vương mang về trang trại chế biến, ngâm ủ vi sinh, tạo ra thức ăn có hàm lượng đạm cao. Sau đó đem trộn với bã bia, tạo ra loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho lợn, gà, vịt, bò.

Quảng Trị: Lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, anh nông dân lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Thức ăn vi sinh cho vật nuôi tạo nên sản phẩm sạch. Ảnh: Ngọc Vũ.

Phân lợn, anh Vương dùng làm Biogas cung cấp chất đốt và dùng để nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho gà, vịt.

Anh Vương nuôi vịt trên sàn, bên dưới xây dựng hệ thống khay đựng phân để nuôi giun quế, cung cấp thức ăn ngược lại cho gà, vịt. Phân của giun quế, ruồi lính đen anh Vương mang đi bón để trồng lúa hữu cơ và cây ăn quả.

Mỗi sáng, anh Vương thịt lợn, gà, vịt mang vào 2 cửa hàng ở số 22 Hàm Nghi và 09 Lê Lợi, TP Đông Hà (Quảng Trị) để bán cho khách hàng. Bên cạnh đó còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của bản thân, thu hút nhiều người quan tâm.

Quảng Trị: Lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, anh nông dân lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Được ăn thức ăn vi sinh nên thịt lợn từ trang trại anh Vương rất thơm ngon, chất lượng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Chính vì cách chăn nuôi khoa học, tuần hoàn, sử dụng thức ăn sạch đã tạo ra thực phẩm sạch, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

"Trong 2 năm đầu mở trang trại, vì tình hình dịch bệnh, yếu tố thị trường và phải hoàn lại chi phí đầu tư ban đầu nên mức lãi thấp. Nhưng năm nay tôi đã có lãi khoảng 200 triệu đồng. Với đà tăng trưởng này, tôi tin thời gian tới trang trại sẽ có mức lãi ổn định, khá cao" – anh Vương chia sẻ.

Tạo cộng đồng nông nghiệp sạch

Theo anh Vương, chăn nuôi sử dụng thức ăn vi sinh tiết kiệm khoảng 40% chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, vật nuôi ít đau ốm nên không cần dùng kháng sinh trị bệnh. Tuy tốc độ tăng trưởng của vật nuôi không thể bằng chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. Dù vẫn, anh Vương vẫn quyết tâm làm với mong muốn tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho cộng đồng.

Quảng Trị: Lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, anh nông dân lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 6.

Anh Vương nuôi vịt trên sàn, bên dưới làm khay đựng phân để nuôi giun quế, giòi, quay lại cho vịt ăn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Thấy mô hình chăn nuôi của anh Vương mang lại lợi ích, nhiều người có chung chí hướng đã tìm đến học hỏi. Đến năm 2021, họ đã cùng nhau thành lập hợp tác xã nông nghiệp sạch Tây Sơn, do anh Vương làm giám đốc. Đến nay, hợp tác xã đã có 11 thành viên trên toàn tỉnh.

Hai sản phẩm thịt gà và lợn của hợp tác xã đã được công nhận Vietgap, khẳng định thương hiệu, uy tín để khách hàng yên tâm sử dụng.

Không chỉ xây dựng trang trại cho bản thân, anh Vương còn nhiệt tình hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho những người cùng đam mê. Mỗi năm, có hàng chục đến hơn 100 người trên mọi miền đất nước tìm gặp anh Vương để học hỏi kinh nghiệm.

Quảng Trị: Lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, anh nông dân lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 7.

Anh Vương cho gà ăn thức ăn vi sinh do mình tự làm ra, đem lại chất lượng thịt thơm ngon. Ảnh: Ngọc Vũ.

Không chỉ tận tình chỉ bảo, anh Vương còn nuôi ăn, ở cho những "học viên" có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, nhiều người thành công.

Anh Hồ Văn Núi (SN 1988, trú thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) là một trong những người được anh Vương hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vi sinh.

Anh Núi cho biết, không chỉ được chỉ bảo tận tình, còn được anh Vương trả lương hàng tháng. Khi nào đủ tiền, anh Núi sẽ về bản làng của mình mở trang trại.

Quảng Trị: Lấy rác nuôi lợn, gà, vịt, anh nông dân lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 8.

Anh Vương chia sẻ, ngoài yếu tố lợi nhuận, anh mong muốn tạo nên cộng đồng sản xuất nông nghiệp sạch để tạo ra thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Vũ.

"Tôi không phải là thầy, không có giáo án mà chỉ hướng dẫn bằng thực tế, ngay tại trang trại theo hướng cầm tay chỉ việc từng công đoạn, từ chế biến thức ăn đến tiêm phòng vaccine… Niềm vui lớn nhất của tôi là giúp người học thành công, tạo nên cộng đồng sản xuất nông nghiệp sạch" – anh Vương tâm sự.

Ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đánh giá, trang trại nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của anh Vương nói riêng và hợp tác xã nông nghiệp sạch Tây Sơn nói chung là điểm sáng, mới, phù hợp xu hướng của thế giới và Việt Nam.

"Sản xuất nông nghiệp hay bất cứ cái gì, ngoài lợi nhuận còn phải hướng đến cộng đồng, thì mới được cộng đồng chấp nhận, từ đó mang lại giá trị bền vững" – ông Bến nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Đăng Vương, thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). chia sẻ về trang trại chăn nuôi nông nghiệp sạch của mình. Clip: Ngọc Vũ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem