Xen kẻ giữa những ao hồ, đồng ruộng, những nếp nhà tần tảo, cần cù, của hai xã Phước Quang và Phước Hòa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) là những ngôi cổ mộ, im lìm, như chất chứa bao điều bí mật chưa được khám phá.
Mộ cổ nằm nép dưới tán những lùm cây, hay tọa lạc trên những gò nổi giữa đồng. Nơi nhiều mộ cổ nhất, vẫn là ở thôn An Hòa (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) với hàng chục ngôi cổ mộ. Mộ cổ ở đây mang hình voi (có người gọi là hình yên ngựa), rồi mộ cổ hình rùa khổng lồ.
Mộ Nguyễn Diêu tại thôn Kì Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nguyễn Diêu là nhà soạn tuồng kiệt xuất của Bình Định. Ông còn là thầy dạy Đào Tấn. Tư liệu về ông Nguyễn Diêu và ảnh mộ cổ của ông Nguyễn Diêu là của tác giả Huỳnh Chung Hưng.
Những ngôi mộ cổ xây bằng hợp chất mật mía, cát, vôi rất kỹ lưỡng, trang nghiêm và bề thế. Qua gió mưa, lại nhuốm thêm vẻ thâm u, kỳ bí. Hoa văn khắc trên mộ cổ không nhiều, nhưng đường nét khỏe khoắn, đủ tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, thành kính.
Theo chỉ dẫn của cụ Võ Lãng, cư dân cao tuổi ở thôn An Hòa, chúng tôi ngược lên gò trên. Nơi đây, một ngôi mộ cổ hình rùa chơ vơ giữa gò.
Dáng thời gian đã đọng trên ngôi mộ cổ màu xám xịt, càng tăng thêm vẻ cô tịch. Ðiều đặc biệt của ngôi mộ cổ này là bên cạnh ngôi mộ hình rùa khổng lồ, còn có một ngôi mộ hình rùa nhỏ.
Người dân địa phương bảo, trước đây, có hai nấm mộ hình rùa nhỏ nằm hai bên. Nay, chỉ còn một nấm hình con rùa nhỏ, bên còn lại đã bị đào bới, lật tung lên, trơ một hốc đất rộng, cỏ len mọc đầy. Xế dưới chân gò, là một ngôi mộ cổ khác hình yên ngựa, nằm sát ngay chân một lò gạch, được phủ đầy những tấm ni lông tấp lò gạch nằm vương vãi. Xen vào đấy là những ngôi mộ mới xây sau này.
Rời An Hòa, đến các thôn khác: Lương Quang, Ðịnh Thiện, Lộc Ngãi... cũng có những ngôi cổ mộ như vậy. Nếu ở An Hòa, những ngôi mộ cổ nằm trên những gò cao, có lẽ để tránh những trận lụt vẫn thường xuyên đe dọa với người dân nơi đây; thì ở các thôn khác, mộ len lỏi giữa đồng ruộng.
Vẫn là cái cảm giác hoang phế và lạnh lẽo. Bên cạnh mả Hời như người dân nơi đây vẫn gọi vậy, có những ngôi mộ cổ của người Việt, người Minh Hương.
Mộ cổ của người Việt tuy cũng xây bằng hợp chất cát, mật, vôi nhưng giản dị hơn với huyệt hình chữ nhật.
Riêng mộ cổ của người Minh Hương rất cầu kỳ và vững chãi. Ðặc biệt, một ngôi mộ Minh Hương trên gò ông Cọp, xây dựng khá lớn, trông như một chiếc ngai khổng lồ, có bình phong che chắn.
Theo khảo sát ban đầu của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân, thì đây là có thể mộ của một thứ phi nhà Minh, sang lánh nạn ở vùng Nước Mặn vào khoảng thế kỷ XVII.
Sống giữa những ngôi cổ mộ, những câu chuyện đồn đãi cứ được người dân truyền tụng mãi không dứt.
Rằng những người đi chợ mỗi sáng, thi thoảng vẫn thấy những đàn gà vàng óng ánh từ những ngôi mộ này đi ra, dạo vài vòng rồi lại quay vào trong mộ..., hay chuyện một người thanh niên nọ, ngẫu nhiên thấy lộ ra một chiếc chum, trong toàn đồ sành, bán như cho cũng dắt túi vài ba triệu bạc....
Những câu chuyện hư cấu ấy đã kích thích lòng tham của con người, thành nguyên cớ trực tiếp cho sự tàn phá mộ cổ, dẫn đến tình trạng hoang phế như hiện tại.
Quả thật, rất hiếm hoi để tìm thấy những ngôi mộ cổ hãy còn nguyên vẹn. Vành đai thấp hình cung bao quanh nấm bị phá đã đành, những nấm hình rùa, voi không được để yên, tại vị.
Có ngôi mộ cổ, nằm chênh vênh bên bờ mương, tưởng chỉ cần một con nước mạnh tràn qua, cả ngôi mộ sẽ ụp xuống. Có ngôi mộ, sau khi bị khoét dưới đất, nấm hình rùa bị đẩy bật ra, nằm lăn lóc. Những hầm hố, dấu tích của những vụ đào trộm, thò cây dài cỡ gần một mét, vẫn chưa chạm đất.
"Ấy là dạo rộ lên phong trào tìm kiếm cổ vật, mộ cổ trở thành đích nhắm đầu tiên của bọn đào săn cổ vật. Gần như không ngôi mộ nào còn nguyên vẹn, không ít những ngôi mộ bị tàn phá hoàn toàn" - cụ Võ Lãng nhớ lại.
Bên cạnh đó, khi không vướng víu gì đến chuyện mưu sinh thì mộ cổ tồn tại, khi cần đường đi cho một con mương, cần không gian cơi nới để sản xuất người ta sẵn sàng phá bỏ, xâm lấn mộ cổ.
Theo TS Ðinh Bá Hòa (Bảo tàng Tổng hợp Bình Ðịnh), tại một số địa phương khác: Hoài Nhơn, Tây Sơn, Quy Nhơn người ta cũng đã gặp dấu tích của những ngôi mộ cổ này.
Ðiều lý thú là mật độ tập trung chủ yếu của các mộ loại này là ở vùng ven biển. Ngay tại thôn Hội Lộc thuộc xã Nhơn Hội (thành phố Quy Nhơn), các nhà khoa học cũng đã phát hiện thấy dấu vết ngôi mộ cổ. Rất tiếc, mộ này đã bị đào chỉ còn một số gạch Chàm và mảnh bình vôi.
Các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu cũng có một số bờ gạch xây sâu trong lòng đất có vò gốm, trong vò có tro và mảnh sành. Như vậy, so với những dấu tích ít ỏi còn lại này thì những cổ mộ tại mạn đông huyện Tuy Phước nguyên vẹn hơn cả.
Cũng không ở đâu, mộ tồn tại dày như ở đây. Chúng, tồn tại qua gió nắng miền ven biển, qua những tàn phá của con người. Sự tồn tại ấy, im lìm và bí ẩn, như một sự thách thức của quá khứ bí mật, trước cái vô tình, thờ ơ của con người.
"Có một thời kỳ, những mộ cổ này không được quan tâm. Bây giờ, nhìn lại, mới thấy tiếc" - anh Trần Tố Oai, Văn phòng UBND xã Phước Quang nói vậy. Tuy nhiên, đến bây giờ, hãy còn chưa phải là quá muộn khi dành cho cổ mộ những sự lưu tâm cần thiết.
Bên cạnh ý nghĩa là dấu tích của một vùng đất trong một thời kỳ lịch sử, những ngôi mộ này nếu được nghiên cứu, biết đâu sẽ mở thêm chút ánh sáng từ quá khứ về một vùng Nước Mặn vốn giàu trầm tích văn hóa.
Ông Nguyễn Xuân Nhân, nhà nghiên cứu- sưu tầm văn hóa dân gian:
Theo đánh giá ban đầu, đây là những mộ Chăm muộn, xây dựng vào thế kỷ XVI - XVII, Tuy đã phần nào chịu ảnh hưởng của người Việt trong cách mai táng, nhưng vẫn giữ những hình tượng mang dấu ấn Chăm.
TS Ðinh Bá Hòa, Bảo tàng Tổng hợp Bình Ðịnh:
Mộ xây bằng hợp chất mật, cát, vôi vốn phổ biến ở người Việt dưới thời Lê- Trịnh. Cũng sử dụng hợp chất ấy nhưng hình tượng trên những ngôi mộ này lại là Chăm đây có thể là mộ cư dân Chăm muộn, sống cộng cư với người Việt.
Lịch sử đã ghi chép nhiều, đề cập nhiều đến thời kỳ này, nhưng dấu tích còn lại rất ít ỏi. Những cổ mộ như thế này nằm trong số ít đó; bởi thể, việc bảo tồn là rất cần thiết. Nhưng vấn đề là bảo tồn như thế nào... Nhìn rộng ra, vùng Nước Mặn nếu được khai quật thì sẽ phát hiện thêm nhiều cái hay nữa. Hiện chưa có đề án khảo cổ nào về thương cảng Nước Mặn, trong khi thương cảng Hội An đã được nghiên cứu rất kỹ.