Hải Dương: Ngôi mộ cổ thời nhà Trần phát lộ ở cánh đồng Chạ bên trong có những di vật gì?

Thứ hai, ngày 03/05/2021 06:45 AM (GMT+7)
Đầu năm 2020, trong khi đào mương dẫn nước, nhân dân thôn Gạch, xã Yết Kiêu (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã phát hiện 1 ngôi mộ cổ tại cánh đồng Chạ.
Bình luận 0

Ngay sau đó, ông Phan Văn Hựu (sinh năm 1953) là người trong xã đã báo cho chính quyền địa phương. Sau khi nhận được thông tin, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Gia Lộc và UBND xã Yết Kiêu tiến hành khảo sát ngôi mộ và đào thám sát.

Hải Dương: Ngôi mộ cổ thời nhà Trần phát lộ ở cánh đồng Chạ bên trong có những di vật gì? - Ảnh 1.

Vị trí phát hiện ngôi mộ cổ.

 Mộ cổ nằm vuông góc với hệ thống mương thủy lợi theo hướng đông - tây, ở độ sâu 100 cm so với mặt ruộng. Mộ được làm bằng chất liệu gạch, kiểu cuốn vòm hình chữ nhật, kích thước chiều dài 264 cm, rộng 100-107cm.

Hải Dương: Ngôi mộ cổ thời nhà Trần phát lộ ở cánh đồng Chạ bên trong có những di vật gì? - Ảnh 2.

Hiện trạng mộ gạch cổ sau khai quật.

Tuy nhiên, chất liệu gạch xây mộ không phải bằng một loại gạch đồng nhất mà là 3 loại gạch khác nhau được xây ở ba phần của ngôi mộ cổ. Nền mộ được xây bằng gạch màu đỏ non đều nhau. 

Thân mộ được đóng liền khối kiểu hình chữ nhật, kích thước không đều nhau, gạch hầu hết được nung ở nhiệt độ thấp, có một số viên được nung ở nhiệt độ cao chuyển sang dạng sành. Mặt trên của mộ là gạch cuốn vòm được đúc liền, vuông khối theo hình bán nguyệt, hai đầu có ngõng để lắp vào thành mộ thêm vững chắc.

Hải Dương: Ngôi mộ cổ thời nhà Trần phát lộ ở cánh đồng Chạ bên trong có những di vật gì? - Ảnh 3.

Gạch cuốn vòm mộ cổ.

 Hiện trạng ngôi mộ cổ không còn nguyên vẹn, thành mộ bị xô lệch, gạch ở nền mộ không còn đầy đủ; đặc biệt không thấy dấu vết vò gốm đựng tro xương. Di vật tìm được gồm 8 đồng tiền xu cổ đã hoen gỉ kết dính, mặt có chữ Hán, qua xác định là loại tiền từ thời Đường, thời Tống (Trung Quốc), tương đương với thời Lý - Trần (1010-1400) của Việt Nam. 

Ngoài ra, còn phát hiện 1 mảnh gốm men trắng vẽ lam, có niên đại thời Lê trung hưng (1533-1789).

Hải Dương: Ngôi mộ cổ thời nhà Trần phát lộ ở cánh đồng Chạ bên trong có những di vật gì? - Ảnh 4.

“Hy Ninh nguyên bảo” thời Bắc Tống (1068-1127).

Căn cứ vào đặc điểm, tạo hình, cấu trúc và những di vật tìm được, đoàn khảo sát bước đầu xác định ngôi mộ có niên đại thời Trần (1226-1400). 

Đây là loại mộ cuốn gạch ghép mộng rất độc đáo lần đầu tiên phát hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, qua đào thám sát thực địa vẫn chưa xác định được chất kết dính xây mộ, đoàn vẫn tiếp tục nghiên cứu làm rõ.

Hải Dương: Ngôi mộ cổ thời nhà Trần phát lộ ở cánh đồng Chạ bên trong có những di vật gì? - Ảnh 5.

Mảnh gốm men thời Lê trung hưng.

Việc phát hiện ngôi mộ cổ độc đáo, đặc biệt di vật tìm thấy bên trong mộ là những đồng tiền cổ Trung Quốc cho thấy nước Đại Việt thời Lý - Trần đã có giao lưu hoặc cho sử dụng tiền nước ngoài trong việc trao đổi, mua bán hàng hoá. 

Cũng có thể đây là ngôi mộ của người Trung Quốc đã di cư sang Việt Nam. Kiến trúc ngôi mộ cho thấy sự phát triển kinh tế, văn hóa thời Trần rất đậm nét trên đất Hải Dương.

AN MẬU - HOÀNG HƯƠNG - VĂN ĐÀI (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem