Khoảng 7 giờ sáng, ánh nắng le lói qua những đám mây trắng lửng thửng trôi trên nền trời. Mặt nước mênh mông trên cánh đồng Bình Thành (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) lấp lánh như dát bạc.
Mấy đàn vịt ra chuồng, thong dong bơi lội trên những ô ruộng đang chấp chới đọt rau muống đồng mùa lũ. Khung cảnh thi vị kiểu chân quê ấy, đã rất lâu những lão nông như Năm Nô mới lại nhìn thấy.
Năm Nô chia sẻ: “Lâu lắm rồi mới có mùa nước nổi tràn đồng. Nhớ hồi trước, chuyện ra đồng giăng lưới, bắt cá, mò cua chỉ còn ở những cánh đồng miệt trong. Ai ngờ năm nay xả lũ đồng gần nên trong lòng cũng thấy vui vui, nhất là khi mình được hì hụp kiếm ít cá đồng về kho tiêu, kho sả. Dù tui không thật sự sống cùng cái nghề bà cậu, nhưng cũng đã đi gần hết đời người với mùa nước nổi. Mấy chú kia giăng lưới, sáng cuốn lên cá dính nhìn đã mắt”.
Theo cái chỉ tay của Năm Nô, tôi nhận ra nhóm người đang lui cui gỡ cá. Họ tấp vỏ lãi vô mé gò đất, tay thoăn thoắt gỡ cá, miệng huyên thuyên trò chuyện.
Những con cá linh to cỡ ngón tay cái nằm xếp lớp trên lưới, chờ được tay người gỡ xuống. Gặp được mẻ cá trúng, Tư Hiện xởi lởi: “Giăng lưới từ chiều qua, khuya đi gỡ tới sáng.
Nay dính bộn, chắc cỡ 20kg. Đem cân cho bạn hàng kiếm được hơn 200.000 đồng. Gỡ cá xong, tui đi giăng lưới tiếp để khuya mai đi cuốn. Nếu chịu khó lặn lội thì thu nhập cũng đỡ lắm”.
Những con cá đồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân đầu nguồn An Giang mùa nước nổi
Trong câu chuyện của ông, tôi nhận ra niềm vui nho nhỏ. Những năm trước, cánh đồng Bình Thành không xả lũ nên ông Hiện vào tận Láng Linh (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cắm sào, giăng lưới để đắp đổi qua ngày, hay men theo xép Năng Gù kiếm sống.
Năm nay, nước trắng cả đồng, tạo nên khung cảnh thơ mộng dọc theo tuyến đường tránh Quốc lộ 91, khiến khách đi đường thích thú và cũng tạo sinh kế cho những ai theo nghề bà cậu. Sang đầu tháng 10 (âm lịch), nước còn tới bụng, chỗ ruộng sâu vẫn cao ngang ngực nên ngư dân thoải mái giăng câu, giăng lưới để hưởng lộc của trời.
“Mấy năm nước nhỏ, cá tôm ít lắm. Hết mùa nước thì mình cũng hết tiền, không tích cóp được bao nhiêu. Năm nay, cá nhiều, nên tui ráng mần để có thêm ít đồng ăn Tết. Thường thì tới nước rút, cá đổ ra sông, mình còn kiếm thêm mớ nữa. Nghề câu lưới mấy năm nay thất lắm, chỉ có đợt này kha khá nên ai cũng ráng tranh thủ chờ con nước tháng 10 (âm lịch). Hy vọng tổ đãi, để dân câu lưới tụi tui có 1 năm mãn nguyện, vui vầy ăn Tết” - ông Hiện thiệt lòng.
Trở lại thăm người bạn cũ bên dòng kênh Trà Sư, anh lật đật xuống bến lôi lên mớ cá rộng trong vèo. Nghe tôi hỏi thăm chuyện con cá năm nay, Trần Văn Út (ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) cười híp mí: “Năm nay êm! Giăng lưới, quăng chài gì cũng đỡ. Nói chung, mọi năm được một phần thì bây giờ gấp bội. Cá đủ loại. Mấy hôm trước, dính con cá cóc bự, tui đem ra bán được gần 100.000 đồng. Nay anh ghé, có sẵn mớ cá linh, vài con cá lóc, mình nướng than cho nóng”.
Bếp lửa đỏ rực, cá chín lèo xèo, mùi thơm phức. Anh Út kể tiếp chuyện giăng câu mà tay vẫn không quên lật tới, lật lui mấy con cá nằm trên vỉ nướng.
Đến thời điểm này, anh đã tích lũy thu nhập khá hơn năm trước. Giờ còn con nước cuối mùa, anh ráng bươn chải thêm để còn chuẩn bị năm mới tươm tất. Trong trí nhớ của anh, chắc cũng gần 10 năm mới có mùa nước nổi lên cao và nhiều cá như bây giờ.
“Tui sống với kênh Trà Sư đã mấy chục năm nên con cá, con cua chẳng bao giờ thiếu. Có điều năm nay nước lớn, cá nhiều, ai cũng mừng lắm. Vợ tui đi chợ Tha La cũng nói cá năm nay trúng, toàn loại tươi ngon nên dễ bán.
Giá cá cũng không cao mấy nhưng nhờ số lượng nhiều nên ngư dân cũng vui. Có người còn nuôi vèo dọc theo kênh, tới giở cá chắc còn vô đậm nữa. Mong bà cậu thương cho trót, để dân câu lưới gỡ gạc lại mấy mùa nước trước, cứ lo đắp đổi qua ngày” - anh Út trải lòng.
Nhanh tay gắp con cá nướng nóng hổi mời bạn đường xa, anh Út đưa mắt nhìn xuống dòng nước Trà Sư đang sóng sánh nắng chiều. Dưới lớp phù sa, những sản vật mùa nước nổi vẫn đang sinh sôi, nảy nở để những ngư dân như anh còn viết tiếp câu chuyện đời mình với tay lưới, cây dầm, chiếc xuồng và bến nước miền Tây.