Vẹm xanh là con gì mà bu kín xác tàu đắm, dân nơi này của Quảng Trị chỉ việc gỡ về làm món ngon?
Vẹm xanh là con gì mà bu kín xác tàu đắm, dân nơi này của Quảng Trị chỉ việc gỡ về làm món ngon?
Thứ tư, ngày 09/11/2022 05:25 AM (GMT+7)
Khi thuỷ triều xuống cũng là lúc nhiều ngư dân ở các làng biển vùng cửa lạch Cửa Việt, Cửa Tùng (tỉnh Quảng Trị) bám theo thân tàu đắm hoặc lội dọc bờ kè chắn sóng biển để bắt vẹm xanh.
Vẹm xanh là loài nhuyễn thể có thịt săn chắc, vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng là nguyên liệu tuyệt vời để chế biến thành nhiều món ăn ngon của người dân miền biển.
Từ sáng sớm, anh Hoàng Trung Hiếu ở thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), đã gọi điện thoại rủ tôi chờ thủy triều xuống thì tranh thủ đi bắt vẹm xanh.
Khoảng 8 giờ sáng, khi thủy triều xuống cũng là lúc chiếc tàu đắm ở cửa lạch Cửa Việt cách đây 2 năm (năm 2020) bây giờ đã gỉ sét với nham nhở từng đám vẹm xanh, hàu… bám vào thân, vỏ tàu, bắt đầu lộ ra dưới lớp sóng biển bạc đầu liên tục vỗ vào bờ.
Anh Hiếu sửa soạn lại dụng cụ bắt vẹm xanh gồm dao nhọn, túi đựng vẹm xanh và không quên mặc thêm bao tay để tránh bị vẹm xanh cứa vào tay, chuẩn bị bơi ra chiếc tàu đắm để bắt đầu công việc bắt vẹm xanh.
Anh Hiếu cho biết, vẹm xanh là loài động vật nhuyễn thể hai mảnh, thường sống bám vào xác tàu đắm, kè, cống dọc bờ biển hoặc những trụ gạch đá, chân cọc dưới đáy sông Hiếu (đoạn gần cửa lạch Cửa Việt). Vẹm xanh có hình bầu dục, khi lớn thì kích cỡ to bằng hai ngón tay và có màu xanh.
Vẹm xanh có quanh năm nhưng từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 11 hằng năm là thời điểm chúng bám vào thân tàu đắm để sinh sôi, nảy nở.
Ngư dân bắt vẹm xanh ở thân tàu đắm - Ảnh: S.H
Tập tính của loài vẹm xanh là mỗi con sẽ kết dính vào nhau thành từng chùm và bám vào xác tàu đắm, kè, cống… Muốn bắt vẹm xanh chỉ việc chờ thủy triều rút xuống, bám theo thân tàu đắm rồi dùng dao nhọn tách từng chùm vẹm xanh ra khỏi lớp vỏ thân tàu cho vào túi.
Sau 2 giờ đồng hồ, anh Hiếu bơi vào bờ với túi đầy vẹm xanh. Anh cho biết, nhiều ngư dân ở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) và xã Triệu An (huyện Triệu Phong) thường tranh thủ lúc rảnh rỗi đi bắt vẹm xanh về chế biến thành món ăn trong bữa cơm của gia đình.
Những năm gần đây, một số ngư dân ở các làng biển bắt đầu làm nghề lặn bắt vẹm xanh. Cánh thợ lặn thường dong thuyền tìm đến đoạn sông Hiếu có nhiều trụ gạch đá, chân cọc dưới đáy sông sâu từ 5 - 8 m để bắt vẹm xanh.
Trung bình mỗi chuyến, cánh thợ lặn bắt được khoảng 30 - 50 kg vẹm xanh với thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Mỗi thuyền làm nghề lặn vẹm xanh thường có 2 - 3 thợ lặn.
Để hành nghề, những người thợ lặn dùng máy cung cấp dưỡng khí, cuộn dây dẫn khí oxy cùng kính lặn. Người thợ lặn phải mặc áo lặn chuyên dụng để giữ ấm cho cơ thể khi phải ngâm mình nhiều giờ dưới nước.
Cuộn dây dẫn khí oxy nối từ thuyền xuống người thợ lặn phải dài hàng chục mét đủ để người thợ lặn “đi săn” dưới đáy sông sâu mà không sợ thiếu dưỡng khí. Mỗi thuyền làm nghề lặn vẹm xanh phải cử một người chuyên vận hành máy cung cấp dưỡng khí và người này phải có nhiều kinh nghiệm trong nghề để quan sát mặt nước, bọt khí của thợ lặn bên dưới đáy sông để dựa vào đó mà điều chỉnh công suất máy cung cấp dưỡng khí cho phù hợp.
Thời gian làm việc của cánh thợ lặn vẹm xanh cũng tùy thuộc vào thời điểm nước sông Hiếu trong hay đục… Bởi nước sông Hiếu trong thì cánh thợ lặn vẹm xanh khi ở dưới đáy sông mới nhìn thấy từng chùm vẹm xanh bám vào trụ gạch đá, chân cọc dưới đáy sông để dùng dao tách vẹm xanh cho vào túi.
Với túi vẹm xanh bắt được, anh Hiếu vào bếp trổ tài chế biến các món ăn. Anh không quên giới thiệu cho tôi bí quyết chế biến một số món ăn từ vẹm xanh như món vẹm xanh hấp sả. Vẹm xanh sau khi bắt về, phải dùng bàn chải chà lớp vỏ bên ngoài để loại bỏ lớp bụi bẩn, sau đó ngâm trong nước sạch khoảng 1 - 2 giờ để vẹm nhả hết bùn đất, cặn bẩn.
Khi luộc vẹm xanh thì việc đầu tiên cần làm là bắc nồi lên bếp rồi cho ít dầu ăn, tỏi, sả, ớt băm nhuyễn để phi thơm. Sau đó cho nước vào nồi rồi bỏ thêm vài cây sả đập dập, ít hạt nêm, đường, nước mắm, bột ngọt…
Khi nước sôi thì cho vẹm xanh vào đảo đều để nấu chín trong khoảng thời gian 3 - 4 phút. Thịt vẹm xanh hấp sả có vị ngọt thanh hòa quyện cùng mùi thơm của sả được ăn kèm với rau răm, chấm muối tiêu chanh. Đơn giản hơn thì làm món vẹm xanh nướng trên than hồng. Vẹm xanh để làm món nướng phải có độ dài ít nhất bằng ngón trỏ hoặc ngón giữa.
Vẹm xanh sau khi rửa sạch lớp vỏ ngoài thì cho vào nồi cùng một chút nước, đun trên bếp vài phút để vẹm hé lớp vỏ phía trên, sau đó khéo léo tách phần vỏ, giữ lại một bên vỏ chứa thịt. Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành băm, hành khô để nguội rồi cho hành thái nhỏ vào trộn đều. Xếp vẹm xanh lên vỉ sắt, rưới dầu ăn đã trộn hành, gia vị lên trên và nướng lửa than hồng.
Độ nóng của than hồng vừa phải, hơi nóng sẽ làm vẹm xanh chín cả bên trong lẫn ngoài. Những con vẹm xanh nướng trên than hồng bắt đầu từ màu trắng ngà chuyển thành màu vàng nhạt rất bắt mắt.
Chỉ cần dùng que tăm khều nhẹ thân vẹm ra, cứ thế mà nhẩn nha thưởng thức, cảm nhận hương vị biển cả đang lan tỏa.
Rồi món vẹm xanh xào sả ớt. Vẹm xanh sau khi rửa sạch thì cho vào nồi luộc sơ vài phút, tách lấy phần thịt để riêng. Bắc chảo lên bếp rồi cho dầu ăn, ít sả cắt nhỏ vào phi thơm; cho phần thịt vẹm xanh, ớt cắt nhỏ, đường, muối rồi xào khoảng 3 - 5 phút là có thể thưởng thức.
Món vẹm xanh xào sả ớt có vị ngọt thanh của thịt vẹm, mùi thơm của sả, vị cay của ớt được ăn kèm với bánh đa nướng giòn tan…
Vào mùa này, thực khách có dịp về các làng biển ở vùng cửa lạch Cửa Việt, Cửa Tùng sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ loài vẹm xanh đậm đà hương vị biển khơi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.