Giá xăng nhập bất ngờ chạm mốc trên 100 USD, nhiều khả năng sẽ đẩy giá xăng trong nước tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày mai (11/11).
Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Công Thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã bị đẩy lên mức 106 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 tháng qua.
Mức giá này tương đương với thời điểm giữa tháng 2, khi đó giá xăng trong nước (A95) leo lên hơn 25.000 đồng/lít.
Trong suốt thời gian qua, giá xăng nhập liên tục duy trì mức giá trên 100 USD. Bộ Tài chính cũng vừa cho biết sẽ tăng chi phí xăng từ 290-560 đồng/lít bắt đầu vào ngày 11/11.
Ngoài ra, tỷ giá và lãi suất trong thời gian qua chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tất cả yếu tố này sẽ tác động vào giá xăng.
Vào ngày mai (11/11), giá xăng trong nước bước vào kỳ điều chỉnh mới và sẽ có khả năng thiết lập mức tăng giá lần thứ 4 liên tiếp.
Trong phiên 10/11 tại châu Á, giá dầu Brent giảm 0,4%, xuống 92,24 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 0,6%, xuống 85,35 USD/thùng, khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 và các nhà giao dịch chờ số liệu lạm phát của Mỹ để nhận định về khả năng lãi suất tăng.
Trung tâm của hoạt động sản xuất là Quảng Châu, một thành phố có 19 triệu dân, công bố số ca nhiễm mới vào ngày 9/11 ở mức trên 2.000 ngày thứ 3, khi đây là thành phố mà diễn biến dịch nghiêm trọng nhất cho đến nay. Hàng triệu người dân được yêu cầu xét nghiệm vào ngày 9/11 và một quận của thành phố đã bị phong tỏa, khi số ca nhiễm trên toàn quốc cao nhất kể từ ngày 30/4.
Trong ngày 10/11, Mỹ sẽ công bố số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10. Theo dự báo, chỉ số này sẽ tăng với tốc độ chậm hơn cả so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất, động thái sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Giá dầu cũng chịu sức ép khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 9/11 công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 3,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/11.
Trong khi đó, các nhà phân tích tham gia khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Mỹ) nhận định nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ giảm 0,7 triệu thùng.
Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ môi giới Haitong Futures ở Thượng Hải cho rằng số liệu CPI của Mỹ sẽ khiến các nhà giao dịch thận trọng, với tâm lý quan sát và chờ đợi.
Theo Tổng cục Hải quan trong tháng 10, nhập khẩu xăng dầu đạt 602 nghìn m3, tương đương 556 triệu USD, giảm 4% về lượng và giảm 10% về giá trị so với tháng 9.
Tính chung 10 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 7,1 triệu m3, tương đương 7,3 tỷ USD, tăng 23% về lượng và tăng gần 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Sau khi lập đỉnh vào tháng 6, giá xăng dầu nhập khẩu đã giảm 4 tháng liên tiếp. Riêng trong tháng 10, giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 924 USD/m3, giảm 6% so với tháng trước nhưng tăng 30% so với tháng 10/2021.
Lũy kế 10 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu khoảng 1.025 USD/m3, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021.
Dữ liệu hải quan cũng cho thấy Hàn Quốc là nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm 39% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam 10 tháng đầu năm.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Tổng nguồn cung xăng dầu là 5,5 triệu m3/tấn, tương đương bình quân 1,83 triệu m3/tấn/tháng.
Ngoài nguồn cung nhập khẩu, hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn cũng đã có kế hoạch sản xuất xăng dầu trong quý IV. Cụ thể, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết vận hành với công suất tối thiểu 100% và dự kiến cung cấp 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu cho thị trường nội địa, chiếm khoảng 40% tổng lượng xăng dầu của cả nước. Tương tự, nhà máy lọc dầu Dung Quất của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng vừa nâng công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đây là lần tăng công suất thứ 5 trong năm 2022.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/11.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/11, giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, dầu diesel tăng 290 đồng/lít.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 sau khi tăng 380 đồng, giá bán ra 21.870 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 410 đồng, giá bán ra 22.750 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel sau khi tăng 290 đồng, giá bán ra 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra 23.780 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành này, cơ quan điều hành ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này tính từ giữa tháng 10 đến nay.
Như vậy, so với giá các mặt hàng nói trên vào đầu tháng 1/2022, mỗi lít xăng RON 95-III đang rẻ hơn khoảng 2.100 đồng/lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.
Tại kỳ điều hành trước (21/10), giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.