Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đồng USD suy yếu cộng với dự báo về việc các nhà máy lọc dầu Mỹ sẽ “tăng sốc” công suất đã hỗ trợ giá dầu hôm nay đi lên, bỏ qua những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 8/11/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 90,85 USD/thùng, tăng 0,12 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 98,08 USD/thùng, tăng 0,16 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu hôm nay quay đầu tăng chủ yếu nhờ kỳ vọng nhu cầu dầu từ Mỹ, Trung Quốc phục hồi và đồng USD yếu hơn.
Theo các nguồn tin được phát đi trên thị trường, trong quý IV/2022, các nhà máy lọc dầu của Mỹ sẽ tăng công suất lên mức cao hơn 90% để đáp ứng các nhu cầu nhiên liệu trong nước.
Còn tại Trung Quốc, nhà máy lọc dầu Zhejiang Petroleum and Chemical Co (ZPC), nhà máy lọc dầu tư nhân lớn nhất của nước này, cũng đang tăng sản lượng dầu diezel.
Công ty công nghiệp dầu khí tích hợp Kuwait (KIPIC) cũng cho biết nhà máy lọc dầu Al Zour giai đoạn 1 cũng đã bắt đầu vận hành thương mại.
Giá dầu ngày 8/11 còn được thúc đẩy bởi kỳ vọng Fed sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất nhẹ hơn so với dự báo, qua đó giảm áp lực lên nỗ lực phục hồi kinh tế.
Triển vọng nhu cầu dầu cũng được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế tích cực từ châu Âu. Cụ thể, sản lượng công nghiệp của khu vực Eurozone tháng 9/2022 đã tăng 0,6%, cao hơn mức tăng trưởng 0,2% dự kiến và cao hơn nhiều so với mức giảm 1,2% của tháng trước đó.
Trước đó, trong phiên 7/11, giá dầu thô đã quay đầu giảm mạnh khi thị trường ghi nhận nguồn cung dầu thô vẫn sẽ được đảm bảo và Trung Quốc khẳng định vẫn theo đuổi chính sách "Zero Covid".
Hiện thị trường đang hướng sự chú ý vào dữ liệu lạm phát của Mỹ để có cơ sở dự báo định hướng chính sách tiền tệ của Fed thời gian tới.
Chiều 7/11, giá dầu tại thị trường châu Á giảm hơn 1 USD/thùng sau khi các quan chức Trung Quốc nhắc lại cam kết theo đuổi chính sách kiểm soát chặt dịch Covid-19.
Động thái trên đã “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng nhu cầu nhu cầu dầu của nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Các nhà phân tích nhận định giá dầu giảm mạnh do các quan chức Trung Quốc tuyên bố sẽ tuân thủ chính sách "Zero Covid" giữa bối cảnh số ca mắc gia tăng tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, đà tăng của đồng USD cũng ảnh hưởng đến giá dầu.
Bốn nhà hoạch định chính sách của Fed ngày 4/11 cho biết cơ quan này vẫn sẽ cân nhắc một đợt tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo bất chấp số liệu tích cực về thị trường việc làm.
Tuần trước, cả giá dầu Brent lẫn WTI đều tăng lên trước những đồn đoán về khả năng Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 5/11, các quan chức y tế Trung Quốc cho biết họ sẽ kiên trì với chính sách "Zero Covid" hiện nay. Trong tháng 10, xuất khẩu của Trung Quốc ghi nhận lần đầu tiên giảm kể từ tháng 5/2020, do các biện pháp kiểm soát dịch trong nước và nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Thống kê cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 10 tháng kể từ đầu năm đến nay giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước xuống 9,93 triệu thùng/ngày.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/11.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/11, giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, dầu diesel tăng 290 đồng/lít.
Cụ thể, xăng E5 RON92 sau khi tăng 380 đồng, giá bán ra 21.870 đồng/lít; xăng RON95 tăng 410 đồng, giá bán ra 22.750 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel sau khi tăng 290 đồng, giá bán ra 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra 23.780 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành này, cơ quan điều hành ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này tính từ giữa tháng 10 đến nay.
Như vậy, so với giá các mặt hàng nói trên vào đầu tháng 1/2022, mỗi lít xăng RON 95-III đang rẻ hơn khoảng 2.100 đồng/lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.
Tại kỳ điều hành trước (21/10), giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 8/11 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.873 đồng/lít (tăng 377 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 883 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.756 đồng/lít (tăng 412 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 25.070 đồng/lít (tăng 287 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 23.783 đồng/lít (tăng 120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.082 đồng/kg (tăng 183 đồng/lít so với giá bán hiện hành).
Được biết, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận định giá xăng dầu bán lẻ trong nước có thể tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tới do giá xăng dầu thế giới gần đây tăng mạnh.
Dữ liệu đến ngày 6/11, trên trang Oilprice, giá dầu Brent chuẩn đứng ở mức 98,57 USD/thùng, tăng nhẹ 3,9 USD; dầu WTI giao dịch mức 92,6 USD, tăng 4,4 USD.
Dữ liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cũng cho thấy giá xăng dầu trên thị trường Singapore tiếp tục tăng. Cụ thể, xăng RON 92 giao dịch ngày 2/11 ghi nhận ở mức hơn 93,41 USD, xăng RON 95 là 98,03 USD/thùng, dầu diesel là 128,8 USD/thùng. Mức giá xăng này tương đương ngày 25/1, khi đó giá xăng RON 95 chạm mức 24.360 đồng/lít.
Theo doanh nghiệp xăng dầu, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng thì khả năng giá bán lẻ trong nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng trong ngày 11/11. Mức giá điều hành thế nào còn tùy thuộc vào việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và diễn biến giá những ngày trước kỳ điều chỉnh.
Hôm 5/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ này đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính trong việc cập nhật chi phí kinh doanh phát sinh cho doanh nghiệp xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới. "Nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 này những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật. Đây cũng là một cách tháo gỡ tương đối tốt", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
Cũng trong sáng 5/11, trong phiên chất vấn tại nghị trường, liên quan đến kỳ điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nếu lấy ý kiến rộng rãi người dân và các đối tượng tác động mà thấy rằng điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày là ý kiến đa số thì Bộ sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.
Hiện Bộ Công Thương đang thực hiện theo các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Nghị định 95 đang quy định 10 ngày/lần điều chỉnh giá xăng dầu và căn cứ giá điều chỉnh là tính giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Đó là trong điều kiện bình thường, là thời điểm ban hành Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83.
Về việc điều hành theo ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói: “Đây cũng là hướng chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉ đạo làm sao sát hơn với tình hình. Nếu 10 ngày một kỳ điều hành giá không phù hợp, có thể rút xuống 5 ngày hoặc thậm chí lấy ý kiến rộng rãi người dân và các đối tượng tác động mà thấy rằng điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày là ý kiến đa số thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.