Giá xăng dầu hôm nay 6/11: Tăng giá, "khát" xăng dầu đến bao giờ?

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 06/11/2022 08:53 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 6/11: Giá dầu bất ngờ tăng sốc hơn 5% tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, kéo giá dầu Brent sát mốc 99 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent tăng 2,9% và dầu WTI tăng tới 4,7%.
Bình luận 0

Giá dầu thế giới tuần qua tăng mạnh trong bối cảnh không chắc chắn về tốc độ tăng lãi suất trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, việc Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu của Nga và khả năng Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế phòng dịch đã tiếp sức cho đà tăng của thị trường xăng dầu.

Giá xăng dầu hôm nay 6/11: Giá dầu thế giới tuần qua tăng mạnh do lo ngại thiếu cung 

Phiên đầu tuần (31/10), giá dầu thế giới giảm do đồn đoán sản lượng của Mỹ có thể tăng và việc nới rộng quy định nghiêm ngặt về Covid-19 của Trung Quốc đè nặng lên nhu cầu "vàng đen". Tuy nhiên, giá dầu đã bắt đầu khởi sắc trong ngày 1/11 dựa vào tâm lý lạc quan rằng Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thể mở cửa trở lại. 

Đà tăng giá dầu vẫn được giữ vững trong phiên 2/11 ngay cả khi các tài sản rủi ro khác giảm sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ 4 trong năm 2022. Yếu tố tích cực là kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 3,1 triệu thùng trong tuần trước.

Đồng USD mạnh lên nhờ Fed tăng lãi suất đã gây áp lực lên thị trường dầu mỏ trong phiên 3/11, bên cạnh lo ngại rằng một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm năng có tác động đến nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, đà giảm của dầu đã bị hạn chế do lo ngại về nguồn cung thắt chặt khi EU cấm vận dầu mỏ Nga trong khi nhu cầu tại Trung Quốc tăng lên.

Tâm lý tích cực này kéo dài sang phiên cuối tuần 4/11, với giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần nhờ những kỳ vọng rằng Trung Quốc có thể nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19.

Các nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư OANDA (Mỹ), cho biết nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đã bị hạn chế, nhưng nếu nền kinh tế mở cửa trở lại, giá dầu có thể tăng cao hơn bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Có quá nhiều rủi ro địa chính trị có thể giữ cho quỹ đạo giá dầu cao hơn, và nếu đồng USD tiếp tục suy yếu, sức mạnh của dầu có thể được duy trì.

Cụ thể, khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2022 tăng 4,44 USD (5%) lên 92,61 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 3,99 USD và đóng cửa ở mức 98,57 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 4,7% trong khi giá dầu Brent tăng 2,9%.

Giá xăng dầu hôm nay 6/11: Tăng giá, "khát" xăng dầu đến bao giờ? - Ảnh 1.

Giá dầu bất ngờ tăng sốc hơn 5% tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, kéo giá dầu Brent sát mốc 99 USD/thùng.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu có phần hạn chế do các tín hiệu về quy mô cũng như tốc độ tăng lãi suất của Mỹ. Báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 4/11 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7% vào tháng 10, cho thấy một số điều kiện của thị trường lao động có thể khiến Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.

Đồn đoán về việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch đã thúc đẩy giá dầu tăng, nhưng các đại diện khác nhau của Fed đã nói rõ rằng tiến trình tăng lãi suất còn dài và thị trường dầu nhạy cảm hơn với vấn đề này.

Trong khi lo ngại về nhu cầu đè nặng lên thị trường, nguồn cung dự kiến sẽ vẫn eo hẹp do các lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu và sự sụt giảm trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ. Sự suy yếu nhẹ của đồng USD, lệnh cấm vận đối với dầu của Nga chắc chắn sẽ là yếu tố hỗ trợ (giá dầu) vì sự quan tâm của thị trường đang chuyển từ lo ngại suy thoái sang các vấn đề gây thiếu cung.

Lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12. Chi tiết về việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga hiện vẫn đang được thảo luận.

Tuần tới, nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo đánh giá triển vọng thị trường năng lượng ngắn hạn của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2022 của Mỹ để có cái nhìn sâu sắc hơn về tốc độ tăng lạm phát cũng như xu hướng lãi suất sắp tới.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, ngày 1/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/11.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/11, giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, dầu diesel tăng 290 đồng/lít.

Cụ thể, xăng E5 RON92 sau khi tăng 380 đồng, giá bán ra 21.870 đồng/lít; xăng RON95 tăng 410 đồng, giá bán ra 22.750 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel sau khi tăng 290 đồng, giá bán ra 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra 23.780 đồng/lít.

Giá xăng dầu hôm nay 6/11: Tăng giá, "khát" xăng dầu đến bao giờ? - Ảnh 2.

Được biết, trong nước, khan xăng dầu đã lan rộng ra ở nhiều tỉnh ở miền Bắc, không còn là câu chuyện "thiếu xăng chỉ xảy ra ở miền Nam" nữa.

Giá xăng dầu hôm nay 6/11: Tăng giá, "khát" xăng dầu đến bao giờ? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Công Thương cho biết Bộ đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính trong việc cập nhật chi phí kinh doanh phát sinh cho doanh nghiệp xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới.

Ở kỳ điều hành này, cơ quan điều hành ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.

Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này tính từ giữa tháng 10 đến nay.

Như vậy, so với giá các mặt hàng nói trên vào đầu tháng 1/2022, mỗi lít xăng RON 95-III đang rẻ hơn khoảng 2.100 đồng/lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.

Tại kỳ điều hành trước (21/10), giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.

Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 6/11 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.873 đồng/lít (tăng 377 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 883 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.756 đồng/lít (tăng 412 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 25.070 đồng/lít (tăng 287 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 23.783 đồng/lít (tăng 120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.082 đồng/kg (tăng 183 đồng/lít so với giá bán hiện hành).

Được biết trong nước, tình trạng "khan xăng dầu" đã lan rộng ra ở nhiều tỉnh ở miền Bắc, không còn là câu chuyện "thiếu xăng chỉ xảy ra ở miền Nam" nữa. Trong nước, thông tin trên các diễn dàn xăng dầu sáng nay (6/11) về tình hình lấy hàng từ các kho miền Bắc vẫn là: "Xin mỏi mồm, cấp nhỏ giọt, chiết khấu 0 đồng", "5 ngày chưa được 1 xe", "xe tải trọng 38 khối, cấp chỉ 10 khối, chở xăng từ kho về cửa hàng âm cả tiền xe", "tàu về kho đúng tải 250 khối cũng cấp 25 khối thôi"...

Tại nghị trường Quốc hội hôm qua (5/11), Bộ trưởng Công Thương cho biết, Bộ đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính trong việc cập nhật chi phí kinh doanh phát sinh cho doanh nghiệp xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới. "Nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 này những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật. Đây cũng là một cách tháo gỡ tương đối tốt", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Cũng trong sáng 5/11, trong phiên chất vấn tại Nghị trường, liên quan đến kỳ điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nếu lấy ý kiến rộng rãi người dân và các đối tượng tác động mà thấy rằng điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày là ý kiến đa số thì Bộ sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.

Hiện Bộ Công Thương đang thực hiện theo các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Nghị định 95 đang quy định 10 ngày/lần điều chỉnh giá xăng dầu và căn cứ giá điều chỉnh là tính giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Đấy là trong điều kiện bình thường, là thời điểm ban hành Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83. 

Về việc điều hành theo ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói: “Đây cũng là hướng chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉ đạo làm sao sát hơn với tình hình. Nếu 10 ngày một kỳ điều hành giá không phù hợp, có thể rút xuống 5 ngày hoặc thậm chí lấy ý kiến rộng rãi người dân và các đối tượng tác động mà thấy rằng điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày là ý kiến đa số thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền”. 

Những ngày qua, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tình hình xăng dầu trên thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến mới, cụ thể nguồn quỹ cho giá xăng dầu của thế giới ngày càng khan hiếm. Bởi, những ngày qua, châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga. Thời điểm này sát đến ngày 25/11 là ngày phương Tây áp lệnh trừng phạt lần thứ 8 lên Nga và cấm tuyệt đối việc mua bán xăng dầu của Nga với những nước thuộc điều chỉnh của phương Tây.

Thứ hai, tỷ giá ngoại tệ mạnh để có thể nhập khẩu xăng dầu này như đô la Mỹ và Euro liên tục thay đổi về tỷ giá, đều tăng 0,75 điểm phần trăm trong tuần qua và dự báo tiếp tục điều chỉnh trong một vài tuần tới, lên tới ngưỡng 4,25% đối với đô la Mỹ và ngưỡng 5% đối với đồng Euro. Đây là những cái khó khăn cho những doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Thứ ba là việc tiếp cận vốn, ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và công ty phân phối cũng còn khó khăn. Bởi, nhiều doanh nghiệp đã không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng, đây là "cái khó". Do đó, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung xăng dầu trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số nơi, nhất là những thành phố lớn, tập trung đông dân cư.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương vẫn chỉ đạo, yêu cầu quản lý thị trường trong cả nước, phối hợp với cơ quan chức năng tại địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định hiện hành và nghiên cứu áp dụng những hình phạt bổ sung vào thời điểm phù hợp.

Đồng thời, ngành cũng đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành để giải quyết một cách dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem