Cuối giờ chiều 11/11, tại phiên thảo luật tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu.
Theo đó, về mối quan hệ giữa Luật Giá và các luật khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Luật Giá liên quan đến 21 bộ luật khác đã quy định trong các bộ luật chuyên ngành về giá.
"Chúng tôi đã đưa ra những quy định để tránh vấn đề chồng chéo, trùng giẫm giữa Luật Giá với các quy định của luật khác và xây dựng theo hướng điều chỉnh một cách toàn diện vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về giá", ông Phớc nói.
Liên quan đến tiêu chuẩn giá, ông Phớc cho rằng, hiện nay đã có 13 tiêu chuẩn giá mà Bộ Tài chính ban hành, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện.
Liên quan đến vấn đề về danh mục hàng hóa và dịch vụ cụ thể, người đứng đầu ngành tài chính xin tiếp thu ý kiến. "Trên thực tiễn khi chúng ta thực hiện Luật Giá hiện hành thì thấy rằng việc bình ổn giá là mang tính chất thời điểm, khi hàng hóa, dịch vụ có biến động thất thường hoặc ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, mặt bằng giá và mục tiêu kiểm soát giá, kiểm soát lạm phát, chúng tôi nghĩ việc này giao cho Thường vụ Quốc hội quyết định", ông Phớc nói.
Nhắc đến kết quả thẩm định giá và liên quan đến các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính lấy ví dụ như Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành thì "giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu".
Lý giải việc này, ông Phớc cho rằng vì giá xăng dầu tăng lên đều ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. "Vì vậy, giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì giảm sốc từ từ", ông Phớc nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay có 5 công cụ để điều chỉnh giá xăng dầu: Thứ nhất là gói thuế; thứ hai là chi phí định mức; thứ ba là nguồn cung; thứ tư là thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy; thứ năm là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
"Càng nhiều công cụ để đảm bảo điều chỉnh và giảm sốc giá xăng dầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân là một điều rất cần thiết", ông Phớc nói.
Đồng thời, ông Phớc nhấn mạnh: "Nếu chúng ta buông ra cho thị trường thì các hình thái kinh tế đã trải qua nhiều giai đoạn, từ giai đoạn lý thuyết bàn tay vô hình "đến lý thuyết bàn tay hữu hình", "lý thuyết kết hợp giữa bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình". Người ta nói nếu kinh tế thị trường không có "bàn tay" của nhà nước thì giống như "vỗ tay bằng một bàn tay".
Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, định giá tối đa hay giá tối thiểu hay một số mặt bằng khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng "ý kiến này rất hay".
"Bây giờ trong tư duy chúng ta luôn luôn nghĩ đến chuyện làm thế nào để quy định mức giá không cao, nhưng chúng ta lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng biện pháp hay nói cách khác là dùng thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền. Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này", ông Phớc nói.
Đáng chú ý, phân tích, giải trình về hiệp thương giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Luật Giá không xác định phạm vi mà cho doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước cùng hợp thức hóa với cơ quan nhà nước, như thế 2 cái khác nhau.
Đối với doanh nghiệp thì lợi nhuận tối đa, đối với cơ quan nhà nước thì mang tính đại diện, cho nên vấn đề đấu tranh với nhau để đưa đến một mức giá công bằng cũng không được chính xác lắm.
Cho nên bây giờ quy định hiệp thương giá chỉ có doanh nghiệp với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là trọng tài.
"Vừa rồi xảy ra vụ kit test như đại biểu có ý kiến thì kit test đó là trong điều kiện dịch bệnh, đó là giá qua hiệp thương giá xác định giá tạm thời và sau đấy sẽ kiểm tra lại việc hình thành giá thông qua nguyên vật liệu.
Sau quá trình thẩm tra về phía Bộ Tài chính đã có ý kiến và hiệp thương giá đấy để mua 200.000 kit test, không phải là mua kit test toàn bộ. Nhưng sau này Bộ Y tế đã lấy giá này để đưa vào để công khai cho các địa phương mua.
Nhưng đối với Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính cũng có sai sót là đáng ra khi kiểm tra không mua nữa phải có một thông báo, nếu có thông báo đấy thì cán bộ của Bộ Tài chính không bị kỷ luật, nhưng vì gói không có thông báo là hủy giá tạm tính để mua 100.000 kit test cho nên vẫn có trách nhiệm, vì vậy vẫn bị xử lý kỷ luật", ông Phớc cho hay.