Giá dầu hôm nay ghi nhận tuần giảm giá mạnh sau 2 tuần tăng giá liên tiếp của dầu thô, trong đó dầu Brent đã giảm 2,6%, bất chấp có phiên giao dịch cuối tuần tăng mạnh.
Giá dầu thế giới tăng cao hơn trong phiên 11/11 nhưng vẫn ghi nhận mức giảm so với tuần trước, sau khi Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt của nước này và làm tăng hy vọng về khả năng nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới cải thiện hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng.
Phiên này, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2023 tăng 2,32 USD lên mức 95,99 USD/thùng, kéo dài mức tăng 1,1% của phiên trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2022 cũng tăng 2,49 USD (2,9%) lên 88,96 USD/thùng sau khi tăng 0,8% trong phiên 10/11.
Các chuyên gia cho biết, tâm lý trên thị trường năng lượng vẫn bị giảm sút bởi tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc cùng các đợt phong tỏa dự kiến sau đó. Những đợt phong tỏa tại các khu vực đông dân cư ở Trung Quốc còn ảnh hưởng đến hoạt động đi lại và nhu cầu dầu hơn cả hoạt động kinh tế.
Vì các nhà giao dịch “siêu nhạy cảm” với các đợt phong tỏa ở nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, điều này có thể tạm thời ngăn cản tham vọng tăng vọt trở lại của thị trường dầu.
Nhìn chung, giá các hợp đồng tiêu chuẩn giảm trong tuần do lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng và lo ngại kéo dài về nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc. Nhưng mức tăng vào cuối tuần đã hạn chế phần nào đà giảm của “vàng đen”.
Trong phiên đầu tuần 7/11, giá dầu thế giới đi xuống sau khi tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng, do những tín hiệu trái chiều về chính sách kiểm soát dịch của Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc mở cửa trở lại nền kinh tế, song tiến trình mở cửa sẽ từ từ và chưa có khung thời gian cụ thể. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 65 xu Mỹ xuống 97,92 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 82 xu Mỹ xuống 91,79 USD/thùng.
Phiên 8/11, lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc khi tình hình dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn, cũng như về kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã tạo áp lực cho giá dầu. Phiên này, giá dầu Brent giảm 2,56 USD (2,6%) xuống 95,36 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng mất 2,88 USD (3,14%) xuống 88,91 USD/thùng.
Đà giảm tiếp tục trong phiên giao dịch 9/11, sau khi số liệu mới nhất cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao hơn dự kiến. Chốt phiên, giá dầu Brent giảm 2,71 USD (2,8%) xuống 92,65 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 3,08 USD (3,5%) xuống 85,83 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đảo chiều tăng trong phiên 10/11, khi đồng USD giảm mạnh đã góp phần đẩy giá dầu lên. Giá dầu WTI giao tháng 12/2022 của Mỹ tăng 64 xu Mỹ (0,8%) lên chốt phiên ở mức 86,47 USD/thùng tại New York. Giá dầu Brent cũng tăng 1,02 USD (1,1%) lên 93,67 USD/thùng tại London.
Chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng tiền này với 6 đồng tiền mạnh khác, giảm 2,12%, xuống 108,204 vào cuối phiên này, sau khi số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ thấp hơn dự kiến. Giá dầu thường diễn biến trái chiều so với đồng USD.
Với mức tăng trong phiên 11/11, giá dầu vẫn đánh dấu mức giảm 3,9% trong tuần còn giá dầu Brent thấp hơn 2,6% so với thời điểm kết thúc tuần trước.
Các chuyên gia cho biết mặc dù giá dầu tăng gần đây, vẫn không có con đường nào giúp WTI hướng đến mức 100 USD/thùng, trừ khi nguồn dầu của Nga bị cắt giảm hoặc Trung Quốc từ bỏ chính sách "Zero Covid" nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cả hai điều này đều rất khó xảy ra.
Các nhà giao dịch dầu sẽ theo dõi báo cáo dầu hàng tháng của OPEC được công bố ngày thứ hai tuần tới (14/11). Tuy nhiên, họ không mong đợi bất kỳ điều bất ngờ nào từ báo cáo này, vì còn quá sớm để đo lường mức độ tuân thủ đối với việc cắt giảm sản lượng được công bố vào tháng trước.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) sẽ vẫn thận trọng về sản lượng dầu. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia còn lưu ý rằng các thành viên đã nhìn thấy "những bất ổn" trong nền kinh tế toàn cầu trước cuộc họp tiếp theo của khối vào tháng 12.
OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng mạnh tay khoảng 2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp tháng trước. Khối này sẽ nhóm họp lại vào ngày 4/12 để đánh giá và đưa ra chính sách của mình.
Tại thị trường trong nước, ngày 11/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/11.
Theo đó, tại kỳ điều chỉnh giá này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định, thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít (như kỳ trước), giảm trích lập mặt hàng xăng RON 95 xuống mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), và dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước là 500 đồng/kg); dầu diesel và dầu hỏa trích lập ở mức 0 đồng/lít (như kỳ trước). Đồng thời, tiếp tục không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 13/11 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.711 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 23.867 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 24.983 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 24.747 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.760 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 01/11/2022 và ngày 11/11/2022 là: 101.200 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 5,585 USD/thùng, tương đương 5,841% so với kỳ trước); 428,786 USD/tấn dầu mazut 180CST (tăng 32,858 USD/tấn, tương đương 8,299% so với kỳ trước); 132.453 USD/thùng dầu điêzen (giảm 0,765 USD/thùng, tương đương 0,573% so với kỳ trước); 95.541/thùng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 4,616 USD/thùng, tương đương 5,076% so với kỳ trước); 124.474 USD/thùng dầu hỏa (tăng 1,431 USD/thùng, tương đương 1,162% so với kỳ trước).
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (Công văn số 11575/BTC-QLG ngày 08/11/2022). Việc điều chỉnh này tác động làm tăng mức giá cơ sở đối với mặt hàng xăng E5 RON 92: 22 đồng/lít; xăng RON 95: 149 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S: 726 đồng/lít; dầu hỏa: 47 đồng/lít; dầu mazut 180cst 3,5S: 0 đồng/kg.
Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 4 của mặt hàng này tính từ giữa tháng 10 đến nay. Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 30 kỳ điều chỉnh, trong đó 17 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Được biết, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu ngay hôm 12/11. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định. Triển khai quyết liệt các giải pháp theo thẩm quyền để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ hôm 12/11.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định nguồn cung xăng dầu hiện nay không thiếu nhưng thực tế vẫn bị đứt gãy ở một số phân khúc.
Về nguồn cung xăng dầu, theo báo cáo của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 2 nhà máy lọc dầu trong nước đã đạt tổng sản lượng 12,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm. Ngoài ra, theo số liệu của cơ quan chức năng về xuất nhập khẩu thì 10 tháng năm 2022, các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu.
Như vậy, tổng nguồn xăng dầu cho đến giờ này là 18,6 triệu tấn, đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm nhưng trên thực tế thị trường xăng dầu vẫn bị đứt gãy nguồn cung ở một số phân khúc.
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu để khắc phục những bất cập đã bộc lộ trong thời gian gần đây theo trình tự thủ tục rút gọn.
Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Công an tăng cường nắm bắt thông tin và điều tra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm pháp luật hoặc tung tin giả, gây nhiễu loạn thị trường xăng dầu.
Việc đổ xăng tại các cây xăng ở Hà Nội ngày 12/11 đã bớt căng thẳng hơn trước đó. Cảnh xếp hàng dài tuy còn xuất hiện ở một số cửa hàng, nhưng người mua vẫn được đáp ứng lượng xăng theo yêu cầu.
Cũng ngày hôm qua 12/11, Bộ Công Thương cũng đã có công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các cục quản lý thị trường về giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và ký cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.
Đồng thời tiến hành ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với tất cả các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn, hoàn thành xong trước ngày 16/11/2022.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý thị trường tập trung giám sát cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Ngoài ra, các thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.