Hai Phó Thủ tướng đồng chủ trì cuộc họp khẩn bàn về điều hành xăng dầu

Thứ sáu, ngày 11/11/2022 11:37 AM (GMT+7)
Cuộc họp do hai Phó Thủ tướng đồng chủ trì có sự tham gia của đại diện liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các DN kinh doanh xăng dầu nhà nước.
Bình luận 0

Nguồn tin từ phía Bộ Công Thương cho biết, vào lúc 17 giờ chiều nay (11/11) Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp bàn về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng chủ trì.

Theo đó, cuộc họp dự kiến có sự tham gia của Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Công Thương phụ trách lĩnh vực, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách lĩnh vực, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phụ trách lĩnh vực.

Hai Phó Thủ tướng đồng chủ trì cuộc họp khẩn bàn về điều hành xăng dầu - Ảnh 1.

Nguồn cung thiếu hụt khiến người dân mất nhiều thời gian khi đi mua xăng dầu.

Về phía doanh nghiệp có Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam.

Theo kế hoạch, hôm nay 11/11 là kỳ điều hành giá xăng dầu. Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng đã có phương án điều chỉnh tăng mức chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Thực tế, sau 3 lần điều chỉnh, giá xăng và các mặt hàng dầu trong nước đồng loạt đi lên trong kỳ điều hành ngày 1/11; giá xăng RON 95-III vượt ngưỡng 22.750 đồng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành vẫn xảy ra tình trạng "hết hàng" hoặc bán "nhỏ giọt".

Về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để phân giao sản lượng nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu thị trường cuối năm. Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dù kêu lỗ nặng trong 9 tháng đầu năm nay nhưng vẫn được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất với 2.145.000 triệu m3/tấn.

Theo Tổng cục Hải quan trong tháng 10, nhập khẩu xăng dầu đạt 602 nghìn m3, tương đương 556 triệu USD, giảm 4% về lượng và giảm 10% về giá trị so với tháng 9.

Tính chung 10 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 7,1 triệu m3, tương đương 7,3 tỷ USD, tăng 23% về lượng và tăng gần 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Sau khi lập đỉnh vào tháng 6, giá xăng dầu nhập khẩu đã giảm 4 tháng liên tiếp. Riêng trong tháng 10, giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 924 USD/m3, giảm 6% so với tháng trước nhưng tăng 30% so với tháng 10/2021.

Lũy kế 10 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu khoảng 1.025 USD/m3, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021.

Dữ liệu hải quan cũng cho thấy Hàn Quốc là nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm 39% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam 10 tháng đầu năm.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Tổng nguồn cung xăng dầu là 5,5 triệu m3/tấn, tương đương bình quân 1,83 triệu m3/tấn/tháng.

Ngoài nguồn cung nhập khẩu, hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn cũng đã có kế hoạch sản xuất xăng dầu trong quý IV. Cụ thể, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết vận hành với công suất tối thiểu 100% và dự kiến cung cấp 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu cho thị trường nội địa, chiếm khoảng 40% tổng lượng xăng dầu của cả nước. Tương tự, nhà máy lọc dầu Dung Quất của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng vừa nâng công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đây là lần tăng công suất thứ 5 trong năm 2022.


P.V (VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem