Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá xăng dầu tăng "nóng" lần thứ 4 liên tiếp

Nguyễn Phương Thứ sáu, ngày 11/11/2022 08:15 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá dầu thô đi xuống trong phiên giao dịch sáng nay sau khi tăng hơn 1% sau dữ liệu lạm phát của Mỹ. Giá dầu Brent đứng ở mức 93 USD/thùng, dầu WTI còn 86 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước chiều nay dự kiến tăng lên.
Bình luận 0

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô đi xuống trong phiên giao dịch sáng nay sau khi tăng hơn 1% nhờ dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến trong tháng 10. Giá dầu hôm nay quay đầu đi xuống còn do ngại nhu cầu dầu từ Trung Quốc và nguồn cung dầu thô Nga dồi dào.

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá dầu đi xuống trong phiên sáng

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 11/11/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 86,32 USD/thùng, giảm 0,15 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 10/11, giá dầu WTI giao tháng 1/2023 đã tăng tới 1,42 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 93,38 USD/thùng, giảm 0,29 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 0,89 USD so với cùng thời điểm ngày 10/11.

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá xăng dầu tăng "nóng" lần thứ 4 liên tiếp - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá dầu đi xuống trong phiên sáng

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá xăng dầu tăng "nóng" lần thứ 4 liên tiếp - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá dầu đi xuống trong phiên sáng

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá xăng dầu tăng "nóng" lần thứ 4 liên tiếp - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá dầu đi xuống trong phiên sáng

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá xăng dầu tăng "nóng" lần thứ 4 liên tiếp - Ảnh 4.

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá dầu đi xuống trong phiên sáng.

Giá dầu hôm nay có xu hướng giảm nhẹ trong bối cảnh thị trường ghi nhận thông tin nguồn cung dầu thô trên thị trường vẫn khá dồi dào.

Cụ thể, xuất khẩu dầu thô của Nga qua đường biển trong tháng 10/2022 được ghi nhận ở mức 3,1 triệu thùng/ngày, cao hơn mức trước khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra.

Giá dầu ngày 11/11 giảm nhẹ còn do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc không như kỳ vọng do diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19.

Ngoài ra, thông tin các kho chứa khí đốt ở châu Âu đã cơ bản được lấp đầy, đáp ứng các nhu cầu năng lượng trong mùa Đông, đã làm giảm đáng kể triển vọng nhu cầu dầu thô trong khu vực.

Trước đó, trong phiên 10/11, giá dầu thô đã tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD rơi tự do sau khi Mỹ công bố mức lạm phát xuống nhanh trong tháng 10/2022.

Cụ thể, theo dữ liệu vừa được công bố, chỉ số CPI tháng 10/2022 của Mỹ tăng 7,7% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể mức 8,2% được ghi nhận trong tháng 9 và xa dần kỷ lục 9,1% được ghi nhận vào tháng 6/2022.

Giá dầu đã tăng 1% trong phiên giao dịch ngày thứ năm (10/11) sau khi dữ liệu cho thấy dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến trong tháng 10, làm suy yếu lo ngại rằng các biện pháp hạn chế mới của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu nhiên liệu.

Sau ba ngày giảm liên tiếp, giá dầu thô kỳ hạn tăng sau khi dữ liệu lạm phát hỗ trợ nhà đầu tư hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kiềm chế tốc độ nâng lãi suất, điều có thể hỗ trợ nhu cầu dầu.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 1,1% lên 93,67 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,8% lên 84,67 USD.

Thực tế, lạm phát ở Mỹ đã tạo đỉnh và đi xuống khá nhanh. Với diễn biến mới này, nhiều khả năng Fe) sẽ cân nhắc việc giảm mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ và mục tiêu lãi suất có thể sẽ không lên mức 5-6% (từ mức 4% như hiện tại) như lo ngại của thị trường.

Có thể thấy, chỉ số này tăng với tốc độ chậm hơn cả so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể cho phép Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, động thái sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Chủ tịch chi nhánh San Francisco của Fed cho biết, một tháng dữ liệu không tạo nên chiến thắng và điều thực sự quan trọng là phải nghĩ rằng đây chỉ là một phần thông tin tích cực.

Giá dầu vẫn còn chịu sức ép khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 9/11 công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 3,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/11.

Trong khi đó, các nhà phân tích tham gia khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Mỹ) nhận định nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ giảm 0,7 triệu thùng.

Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ môi giới Haitong Futures ở Thượng Hải cho rằng số liệu CPI của Mỹ sẽ khiến các nhà giao dịch thận trọng, với tâm lý quan sát và chờ đợi.

Ngay khi có dữ liệu CPI và lạm phát của Mỹ, chỉ số USD suy yếu.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm Covid-19. Lo ngại về các hạn chế di chuyển bổ sung đang cản trở việc tăng giá dầu thô.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, ngày 1/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/11.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/11, giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, dầu diesel tăng 290 đồng/lít.

Cụ thể, xăng E5 RON 92 sau khi tăng 380 đồng, giá bán ra 21.870 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 410 đồng, giá bán ra 22.750 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel sau khi tăng 290 đồng, giá bán ra 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra 23.780 đồng/lít.

Giá xăng dầu hôm nay 11/11: Giá xăng dầu tăng "nóng" lần thứ 4 liên tiếp - Ảnh 5.

Giá xăng dầu trong nước chiều nay (11/11) có khả năng tăng theo giá xăng dầu nhập khẩu. Giá xăng có thể tăng trên dưới 1.000 đồng/lít còn giá dầu nhiều khả năng chỉ tăng nhẹ.

Ở kỳ điều hành này, cơ quan điều hành ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.

Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này tính từ giữa tháng 10 đến nay.

Như vậy, so với giá các mặt hàng nói trên vào đầu tháng 1/2022, mỗi lít xăng RON 95-III đang rẻ hơn khoảng 2.100 đồng/lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.

Tại kỳ điều hành trước (21/10), giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.

Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 11/11 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.873 đồng/lít (tăng 377 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 883 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.756 đồng/lít (tăng 412 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 25.070 đồng/lít (tăng 287 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 23.783 đồng/lít (tăng 120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.082 đồng/kg (tăng 183 đồng/lít so với giá bán hiện hành).

Được biết, Bộ Tài chính đã có quyết định tăng chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, dự kiến áp dụng từ 11/11.

Ngày 8/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, thời gian dự kiến áp dụng là từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính thông báo tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu. Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5 RON 92 là 640 đồng/lít (tăng 290 đồng); xăng RON 95: 1.280 đồng/lít (tăng 560 đồng); dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít (tăng 160 đồng); dầu hỏa: 1.740 đồng/lít (tăng 660 đồng); dầu madut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg (giữ nguyên).

Trước đó, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam được tăng vào ngày 8/7 và áp dụng từ ngày 11/7 với mức tăng 350 đồng/lít đối với xăng nền phối trộn xăng E5 RON 92  (tăng 60 đồng); xăng RON 95 lên 720 đồng/lít (tăng 350 đồng); dầu diezen 0,05S lên 570 đồng/lít (tăng 340 đồng); dầu hỏa lên 1.080 đồng/lít (tăng 650 đồng); dầu madut 180cst 3,5s lên 1.290 đồng/kg (tăng 390 đồng).

Trước đề xuất tăng chi phí vận chuyển xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho biết, qua tổng hợp thông tin và số liệu của các thương nhân đầu mối, xăng premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không phát sinh đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Mặt khác, các khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 7/10/2022 và sẽ được tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022, thông báo áp dụng vào 10/01/2023. Vì vậy Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh vào 10/01/2023 theo đúng quy định.

Theo Bộ Tài chính, kết quả tổng hợp của 28 đơn vị gửi báo cáo thực hiện chỉ có 2 đơn vị báo cáo số liệu tăng chi phí kinh doanh 9 tháng năm 2022 là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu.

2 đơn vị báo cáo chi phí tăng nhưng do sản lượng tăng nên chi phí bình quân trên sản lượng giảm là Tổng công ty Dầu Việt Nam (giảm 6 đồng/lít), Công ty Anh Phát (giảm khoảng 136 đồng/lít).

3 đơn vị báo cáo không có biến động bất thường là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P.

Còn lại 21 đơn vị kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết không có số liệu cụ thể về chi phí kinh doanh 9 tháng năm 2022.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận định giá xăng dầu bán lẻ trong nước nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh trong kỳ điều hành chiều nay do giá xăng dầu thế giới gần đây tăng mạnh cộng với việc chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu vừa tăng lên, dự kiến áp dụng từ 11/11.

Giá xăng dầu trong nước chiều nay (11/11) có khả năng tăng theo giá xăng dầu nhập khẩu. Giá xăng có thể tăng trên dưới 1.000 đồng/lít còn giá dầu nhiều khả năng chỉ tăng nhẹ.

Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này tăng cao so với kỳ tính giá trước đó (ngày 1/11).

Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5) tại Singapore cập nhật từ ngày 2-8/11 là 97,33 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 102,93 USD/thùng. Trong khi bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore ở chu kỳ trước là 90,925 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 95,615 USD/thùng.

Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 ở chu kỳ này tăng 7,08 USD/thùng, còn bình quân giá xăng RON 95 tăng 7,315 USD/thùng.

Bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật từ 2-8/11 là: Dầu diesel có giá 134,5 USD/thùng, dầu hỏa giá 124,1 USD/thùng, dầu mazut là 434 USD/tấn. Ở chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel là 133,217 USD/thùng, dầu hỏa có giá trung bình là 123,043 USD/thùng, bình quân dầu mazut là 395,928 USD/tấn.

So với chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel ở chu kỳ này tăng nhẹ với 1,28 USD/thùng, dầu hỏa tăng 1,057 USD/thùng, dầu mazut tăng 38,07 USD/tấn.

Do giá xăng nhập có xu hướng tăng nên tại kỳ điều hành giá xăng dầu chiều nay (11/11), giá bán lẻ xăng dầu chịu nhiều áp lực tăng giá. Nhưng mức tăng ra sao còn phụ thuộc vào việc cơ quan quản lý trích lập hay chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, giá bán lẻ xăng trong nước đang cao hơn giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore khoảng 790-1.110 đồng/lít. Giá dầu diesel, dầu hỏa trong nước cũng đang cao hơn thị trường Singapore khoảng 40-350 đồng/lít.

Vì vậy, trong kỳ điều hành ngày 11/11, nếu cơ quan quản lý không xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì mức tăng sẽ tương đương mức chênh. Theo đó, giá xăng có thể tăng khoảng 790-1.110 đồng/lít, giá dầu có khả năng tăng từ 40-350 đồng/lít.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 4 liên tiếp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem