Nhiều sản phẩm OCOP TP.HCM và sản phẩm OCOP các tỉnh thành đang có mặt tại Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2022, diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11. Chương trình do UBND TP.HCM tổ chức, kéo dài đến ngày 20/11, là dịp để các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất nói chung và chủ thể sản xuất OCOP nói riêng tiếp cận khách hàng, nhà phân phối.
Nhanh tay giới thiệu sản phẩm mật dừa nước nguyên chất và mật dừa nước cô đặc tới khách, đại diện Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam (Vietnipa) cho biết dịp cuối năm, công ty đẩy mạnh bán ra trên thị trường, khi nhu cầu về các loại thực phẩm cũng như quà tặng tăng cao.
Theo ông Phan Minh Tiến - Giám đốc Vietnipa, doanh nghiệp đã phủ sản phẩm lên hầu hết các kênh thương mại điện tử trong nước và đang có kế hoạch xúc tiến đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử toàn cầu Amazon.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết Hội nghị kết nối cung cầu năm nay tập trung hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm, dịch vụ được bình chọn Thương hiệu Vàng Thành phố, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, hàng nông sản đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc…
Đáng chú ý, điểm khác biệt nhất so với các năm trước là kết nối cung cầu trực tuyến, việc kết nối cung ứng và tiêu thụ sẽ thực hiện xuyên suốt cả năm.
Ngoài ra, cơ quan quản lý và các sàn thương mại điện tử cũng thảo luận về các giải pháp đẩy nhanh quá trình kết hợp giữa phương thức phân phối trực tiếp và trực tuyến, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối; thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu; có sự tham gia tích cực của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee…
Theo Sở Công Thương TP.HCM, tại website kết nối cung cầu www.ketnoicungcau.vn, thông tin liên tục được cập nhật, nâng cấp, tạo điều kiện thực hiện kết nối cung cầu trực tuyến 24/7. Đây là kênh tương tác giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động cung cấp thông tin, chào mua, chào bán, kết nối, thiết lập quan hệ, tiến đến hợp tác, giao dịch trên môi trường số.
Các biện pháp này nhằm hỗ trợ các sản phẩm nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng của TP.HCM và các tỉnh thành tận dụng nguồn khách hàng số, khách hàng trên các sàn thương mại điện tử, gia tăng cơ hội tiếp xúc khách hàng và bán được nhiều sản phẩm hơn.
Xác định thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại cũng như kết nối cung cầu, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành đẩy mạnh kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung cầu, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bên cung, bên cầu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ cả trong môi trường trực tiếp và trực tuyến.
Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm trong đó có sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, thiết lập kênh phân phối trực tuyến, trực tiếp để giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng.
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu Sở Công Thương TP.HCM phối hợp các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân kinh doanh trong các chợ kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhu cầu thị trường…; chia sẻ, cùng các địa phương định hướng, khuyến nghị sản xuất phù hợp, sản xuất theo nhu cầu thị trường; góp phần nâng cao giá trị các chuỗi cung ứng ngay từ giai đoạn khởi đầu sản xuất.
Đề án Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định 1943 của UBND TP.HCM ngày 8/6/2022) cũng xác định đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử là nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh mới.
Theo đó, các chủ thể sản xuất sẽ được các cơ quan chức năng có liên quan như Sở NNPTNT, Sở Công Thương TP hỗ trợ bán hàng trực tuyến, bán qua sàn thương mại điện tử bằng các biện pháp như xây dựng website, đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, bán hàng livestream và các nội dung ứng dụng thương mại điện tử khác có liên quan…