Hồng Phúc
Chủ nhật, ngày 06/11/2022 14:49 PM (GMT+7)
Chủ nhiều sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại TP.HCM đang tích cực xây dựng thương hiệu, kể câu chuyện riêng cho sản phẩm của mình. TP.HCM cũng đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP.
Mỗi sản phẩm mật dừa nước cô đặc được công nhận OCOP 4 sao của Công ty Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) bán ra đều đính kèm một tấm thiệp nhỏ, được thiết kế đẹp mắt, hiện đại, giới thiệu về cây dừa nước Cần Giờ, quy trình lấy mật và đặc biệt là những công dụng của sản phẩm mật dừa nước.
Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Vietnipa, cho biết đây là cách mà anh kiên trì xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật dừa nước. Qua đó, người tiêu dùng, khách du lịch không chỉ biết đến sản phẩm mà còn biết về giá trị của cây dừa nước đối với môi trường tự nhiên tại huyện Cần Giờ.
Thưởng thức mật dừa nước, cơm dừa nước gần như là một trải nghiệm mà du khách không thể bỏ qua khi đến Cần Giờ nên theo anh Tiến, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này là rất quan trọng.
“Chúng tôi từng bước thực hiện việc xây dựng thương hiệu cho mật dừa nước. Mới đây, Vietnipa hoàn tất cải tiến về bao bì, mẫu mã chai, đặc biệt là hình ảnh cây dừa nước và có thêm tiếng Anh trên bao bì sản phẩm, để có thể dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng quốc tế, hướng đến xuất khẩu”, anh Tiến nói.
Không riêng anh Tiến, nhiều chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tại TP.HCM thời gian qua cũng đã tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm: Bột rau má Orama, bột diếp cá Quảng Thanh, mật ong rừng sữa ong chúa Xuân Nguyên, bơ đậu phộng Đạt Butter, rau an toàn Phước An…
Các sản phẩm này ngày càng được chú trọng về hình thức, bao bì, nhãn mác theo hướng hiện đại, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại, cũng như các kênh phân phối cửa hàng thực phẩm, siêu thị, thương mại điện tử.
Tích cực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết đối với các sản phẩm đã được TP.HCM đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, TP sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá để đông đảo người dân biết đến sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP trong và ngoài thành phố.
Đồng thời, Sở NNPTNT TP.HCM sẽ tiếp tục đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp OCOP, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu, phương án sản xuất, tem dán truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, thiết kế bao bì, xây dựng website quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh.
Để hỗ trợ các sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM nói chung, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp giai đoạn 2022-2030.
Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm OCOP, nhóm sản phẩm chủ lực và tiềm năng của ngành nông nghiệp Thành phố, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đặc sản địa phương trên địa bàn.
Đề án cũng đặt ra nhiều giải pháp định hướng, có chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, hội thi, lễ hội, chợ phiên) và mở rộng kênh tiêu thụ, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.
Các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất sản phẩm OCOP tại TP.HCM kỳ vọng với sự chủ động không ngừng của mình và các chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu của TP.HCM, các sản phẩm OCOP mang lợi thế so sánh của địa phương sẽ vươn xa, được người tiêu dùng biết đến. Từ đó, các doanh nghiệp, HTX mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.