Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có công lớn với sự hình thành của dòng kinh đặc biệt ấy. Nhớ ơn Thủ tướng, người dân vùng Tứ giác Long Xuyên đã tôn kính gọi tên kinh T5 là “kinh ông Kiệt”.
Kinh T5 hay kinh ông Kiệt có chiều dài gần 48km, chiều rộng gần 40m, điểm đầu ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn và điểm cuối ở tỉnh Kiên Giang đổ ra biển Tây.
Ông Trần Hoàng Ẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Quới nhớ lại, lúc chưa có con kinh thì vùng này hoang vắng, đất ruộng xã Lạc Quới nhiễm phèn đỏ quạch nên nông dân chỉ trồng được một vụ lúa, mà cũng phải đợi mùa mưa và mùa nước lũ tràn về mới có nguồn nước tự nhiên để canh tác.
Trong khi đó, mùa nước lũ ở An Giang bắt đầu từ tháng 8 âm lịch và kéo dài cho đến tháng 11 thì nước rút. Nhưng không phải năm nào cũng có nước lũ nên nông dân phải phó mặc đồng ruộng theo con nước trời cho, năng suất, vì thế cũng rất bấp bênh.
Ông Ẩn không thể quên: “Thế rồi, sự thay đổi kỳ diệu đã xảy ra, tháng 4/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đào kinh T5 và tháng 8/1997 hoàn thành. Lúc đó, dân vui lắm, đào kinh dẫn nước ngọt mang phù sa vào đồng ruộng nên vài năm sau đất phèn bị tháo rửa nên đất đai tươi tốt hơn. Năm 1999, có người trồng lúa trên 1ha đất thu hoạch hơn 7 tấn lúa nên ăn mừng vì nằm mơ cũng không ngờ có ngày được như thế này”.
Kinh T5-Kinh Ông Kiệt tháo chua rữa phèn, thoát lũ và cũng là tuyến giao thông thủy quan trọng
Từ cầu T5 nhìn xuống vùng đất Lạc Quới thật yên bình, khó có thể hình dung vùng đất đó từng vắng tanh, nghèo đói. Chúng tôi chạy xe dọc theo lộ kinh T5, hai bên đường nhà cửa chen chúc, đường sá tấp nập người mua kẻ bán, tiếng học trò cười đùa í ới buổi tan trường, tiếng máy cơ giới vang trên đồng ruộng, dưới sông thì ghe tàu hơn 100 tấn chở nông thủy sản đi giao hàng...
Ông Ẩn cho hay, đất đào kinh được sử dụng để xây đường lộ, xây trụ sở UBND xã, có lộ có đường nên người dân kéo đến ở ngày càng đông. Không riêng gì xã Lạc Quới đổi thay mà các xã như Ô Lâm, Tân Tuyến… từng bị phèn nặng cũng nhờ dòng nước kinh T5 nên đất phèn đã dần nhường lại cho cây lúa vươn lên.
Không chỉ vậy, nhờ con kinh, người dân vùng này vận chuyển nông sản đi Kiên Giang và ngược lại thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Tại kỳ họp lần thứ 14 năm 2009, HĐND tỉnh An Giang đã chính thức đổi tên kinh T5 là “kinh Võ Văn Kiệt”. Năm 2010, UBND tỉnh An Giang đã khởi công xây dựng Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt tọa lạc gần bờ kinh. Những buổi sáng hay chiều công viên thật vui nhộn, học sinh các cấp, người dân xã lui tới vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, chơi cờ tướng thư giãn.
Nông dân Huỳnh Ngọc Ân, 67 tuổi, nhớ lại: “Dân vùng này nhớ ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt lắm, nhờ ông nên đồng ruộng không phải bỏ hoang. Lúc xưa chỉ làm một vụ nhưng năng suất thấp lắm, khi con kinh hoàn thành nông dân chúng tôi làm lúa trúng lắm, một công thu được cả tấn lúa nên ai cũng mừng, rồi từ một vụ nâng lên làm lúa vụ 2 rồi lúa vụ 3 nên đời sống nông dân Lạc Quới khá lên”.
Đã mấy chục năm qua, nhưng ông Ngọc Ân và nhiều nông dân khác không quên hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngồi trên máy cày để khảo sát vùng đất phèn Lạc Quới. Và khi kinh đào xong, đất bùn đắp đường còn lầy lội ngổn ngang nhưng Thủ tướng vẫn lội bùn khảo sát, gây xúc động cho người dân.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, An Giang ngày xưa, cứ vào tháng 8 nước nổi hay còn gọi mùa nước lũ từ thượng nguồn tràn về ngập sâu nhà cửa, đường sá gây thiệt hại nặng nề cho người dân, nhà nước. Do vậy, mùa khô năm 1996, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các nhà khoa học đã đến khảo sát toàn vùng Tứ giác Long Xuyên và các tuyến kinh, tìm cách đưa nước thoát lũ ra biển Tây, rước ngọt và rửa phèn cho Tứ giác Long Xuyên, Đảng bộ tỉnh An Giang và người dân rất vui mừng.
Sau khảo sát và lấy ý kiến các nhà khoa học, ngày 22/4/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho khởi công đào kinh, huy động mọi lực lượng hối hả hoàn thành con đê trước lũ. Chỉ sau bốn tháng con kinh T5 hoàn thành.
Ông Nhị nói: “Khi con kinh hoàn thành, nhìn dòng nước kinh Vĩnh Tế chảy băng băng vào kinh T5 rồi chảy qua tỉnh Kiên Giang đổ ra biển Tây ai cũng vui mừng. Tôi đi tàu khảo sát từ Tri Tôn dài cho đến tỉnh Kiên Giang và nhận thấy người dân rất phấn khởi, kỳ vọng. Lúc đó chúng tôi hình dung khu vực Tứ giác Long Xuyên sẽ thay đổi nhưng không ngờ lại thay đổi quá lớn lao”.
Ông Nhị nói, Tứ giác Long Xuyên ngày đó như túi phèn, nhiều chỗ phèn nhiễm nặng đến rắn và chuột cũng không sống được.
Lúc đó, một số tuyến kinh như kinh Tám Ngàn và kinh T6 trong vùng Tứ giác Long Xuyên đã đào xong nhưng chưa thông tuyến nên không rửa phèn hiệu quả, ngập lụt vào mùa nước lũ diễn ra vẫn phức tạp. Và kinh T5 đã hoàn thành sứ mệnh này, đưa nước lũ ra biển Tây, tránh ngập lụt tại An Giang, đánh tan “túi phèn” Tứ giác Long Xuyên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cho biết, trong giai đoạn 1996-2000, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện các dự án kinh tiêu thoát nước cho vùng Tứ giác Long Xuyên với các tuyến kinh tiêu thoát lũ ra biển Tây hết sức quan trọng ở khu vực huyện Tri Tôn, như: Xây dựng hệ thống công trình thủy lợi hoàn chỉnh như kinh T5, kinh T4, T6; kinh KH7, kinh Chắc Cà Đao..., tạo nên hiệu quả lớn từ công tác kiểm soát lũ đến tưới, tiêu, thau chua, rửa phèn, khai thác sử dụng đất phèn, làm thay đổi hẳn bộ mặt kinh tế-xã hội của cả vùng.
Sau hơn 20 năm đầu tư khai phá, Tứ giác Long Xuyên đã trở thành vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 353.000 ha, hằng năm tổng sản lượng lúa đạt gần năm triệu tấn.
Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ và ngọt cũng phát triển nhanh, đến nay diện tích nuôi thủy sản trong vùng Tứ giác Long Xuyên khoảng trên 2.500 ha, đóng góp lớn cho kinh tế của vùng, điển hình là loại hình nuôi cá tra ở khu vực tỉnh An Giang và Cần Thơ và nuôi tôm ở khu vực ven biển tỉnh Kiên Giang.
Bức tượng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt trang trọng trong khuôn viên Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt. Dưới tượng dựng văn bia với tiêu đề: “Nhớ ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.
Nội dung văn bia ngắn gọn, súc tích: “Người nhờ đất để sống, đất nhờ người có tên, người nhờ người dẫn lối, uống nước nhớ nguồn là đạo lý ngàn xưa của ông cha ta. Nơi đây, ngày 25/7/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên đường đi khảo sát hướng thoát lũ ra biển Tây, đã lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân, trên dưới đồng lòng, hướng lớn tìm thấy.
Ngay sau khi khai thông dòng kinh, nhân dân đã gọi là “kinh Ông Kiệt”. Con kinh này là trục chính trong hệ thống các công trình thoát lũ ra biển Tây, hạn chế ngập lụt đầu nguồn sông Cửu Long, đưa nước ngọt phù sa tưới tiêu, rửa phèn, khai mở vùng Tứ giác Long Xuyên, đã đưa sản lượng lúa tăng gấp bội, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn trong vùng.
Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây nam bộ, nhân dân gọi đó là “dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy, hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc!”.