Đây là thứ hạt quý của Việt Nam, bay từ trên tán loài cây như có linh hồn, "ghét" hơi người, tiếng ồn

Chủ nhật, ngày 20/11/2022 09:12 AM (GMT+7)
Nhưng lạ thật, đám hạt ươi bay đem ươm vào bầu đất chờ đợi mãi vẫn không nảy mầm. Tôi nghe già làng bảo, ươi bay là cây thuộc về rừng già, không quen hơi người, hạt ươi bay dễ gì hạ mình để mọc lên ở một vùng đất ồn ã. Và cũng vì cây ươi có linh hồn.
Bình luận 0
Món hạt ươi bay là loại hạt quý, là tặng vật của rừng già, nhẹ nhàng chạm vào ký ức tôi không chỉ ở vị thanh mát, mà cả những rưng rưng đổ rạp khi con người tận thu ươi một thuở...


Đây là thứ hạt quý của Việt Nam biết bay, rơi từ trên tán loài cây có linh hồn, "ghét" hơi người, tiếng ồn - Ảnh 1.

Cây ươi giữa núi rừng. Từ những cây ươi cao hơn hẳn các loại cây rừng khác, hạt ươi bay-một loại hạt quý sẽ "hạ cánh" xuống mặt đất. Ảnh: THÀNH CÔNG

Tây Nguyên không có bốn mùa xuân hạ thu đông, người dân quê tôi chỉ có hai mùa mưa và nắng. Thường thì người ta mong chờ mùa mưa hơn. Đó là mùa của tốt tươi, gieo trồng và thu hái.

Mùa mưa năm nay, ngoài số cây mít trồng thế vào chỗ những cây già đã chết, anh tôi hào hứng ươm thêm mấy chục cây ươi bay ở vườn sau nhà, cạnh bạch đàn, trám đen và mủ trôm.

Nhưng lạ thật, đám hạt ươm vào bầu đất chờ đợi mãi vẫn không nảy mầm. Anh mong mỏi dựng lại một khu vườn rừng sau nhà nhưng có vẻ khu rừng ấy sẽ vắng bóng cây ươi.

Tôi nghe già làng bảo, ươi bay là cây thuộc về rừng già, không quen hơi người, nó dễ gì hạ mình để mọc lên ở một vùng đất ồn ã. Và cũng vì cây ươi có linh hồn. Người ta tận diệt một loài cây vào những ngày đói khát, khi no đủ cố gắng trồng lại.

Bởi vậy, đám hạt ươi bị con người ươm xuống đất giận hờn quyết định không hồi sinh. Người dân quê tôi khi nghe những lời này của già đều áy náy. Họ nhớ tới mùa ươi bay của hai chục năm trước.

Thời ấy, hạt ươi bay-thứ hạt quý bắt đầu được thương lái để mắt tới. Những cây ươi cao hàng chục mét sừng sững, vươn mình vượt hẳn các tán cây khác. 

Trái ươi khi chín nhẹ nhàng đáp xuống đất bằng “cánh buồm” mỏng manh như cánh của trái chò nâu. Nó là quả ươi, lại... biết bay nên có lẽ người ta gọi là ươi bay.

Đây là thứ hạt quý của Việt Nam biết bay, rơi từ trên tán loài cây có linh hồn, "ghét" hơi người, tiếng ồn - Ảnh 3.

Thanh mát  trái ươi bay-thứ hạt quý, quà tặng của rừng già.

Quả ươi bay nâu nâu, nhỏ nhỏ như ngón tay cái, da nhăn nheo nhưng khi ngâm trong nước nở to bằng vốc tay. Người ta đợi quả mềm, nhặt bỏ vỏ, bỏ hạt, bỏ đi những đường gân bám vào thịt quả. Phần thịt quả ươi lại lọc qua lớp vải mắt thưa sẽ trở nên mịn màng, mềm mại như thạch.

Trái ươi ngâm trong nước đường nâu thắng với gừng tươi, thêm vài viên đá là “mỹ vị” trong những buổi trưa oi nồng gắt gỏng.

Có thời, người ta ví hương vị của trái ươi bay như yến sào của núi rừng, thương lái sẵn sàng thu mua hạt ươi bay với giá vài chục nghìn đồng mỗi ký. Ở thời gạo ba nghìn đồng một ký, một ký ươi có thể đổi lấy nửa bao gạo.

Dân quê tôi phần lớn là người từ vùng khác đi kinh tế mới. Hai chục năm trước, họ vẫn sống dựa vào rừng với măng, mây, tre, nứa. Khi thấy ươi được thu mua giá cao, người làng, từ trai tráng đến thiếu nữ, các bà các cô đều rộn rịp vào rừng già.

Ban đầu họ chỉ đi nhặt những quả ươi bay chín rụng. Nhưng mùa ươi chín cũng chính là mùa mưa. Ươi bay rụng xuống gặp nước chưa kịp nhặt sẽ nở ra, nát bét. Với loài hạt ươi bay, đó là cách nó mọc lên thành cây con, duy trì sự sống thuận lẽ tự nhiên.

Ngược lại, với con người, tập tính này lại thành điều phiền toái. Người ta chỉ muốn có nhiều quả ươi hơn. Đám thanh niên hăm hở lấy cưa đốn hạ những gốc cây ươi cao lớn. Ươi đổ rạp xuống đất, chết điếng, quả ươi bay rụng rào rạt.

Người ta vội vã giật quả ươi khỏi cành, già hay non gì cũng nhét vào bao tải, vào gùi, vào bị. Ươi không còn bay nữa. Về sau, thanh niên chỉ việc đốn ươi, phụ nữ được thuê vào rừng làm công việc vặt và gùi ươi.

Chỉ sau vài năm, những cánh rừng trở nên hoang tàn, gốc ươi bị cưa ngang thân, trơ trọi nằm chảy nhựa, đợi đến ngày nước mưa làm cho mục rữa. Anh tôi những năm tháng ấy vẫn là một cậu trai mới lớn, cũng xách gùi theo các anh thanh niên vào rừng nhặt hạt ươi thuê.

Mỗi buổi đi làm về, người anh ướt sũng nước mưa, chân thỉnh thoảng rơi ra vài con vắt no máu. Anh cười tươi rói moi trong túi quần một chiếc túi ny lon bọc kỹ năm bảy hạt ươi bay còn nguyên “cánh buồm”. 

Mẹ tôi gom lại, đem thứ hạt quý phơi khô, đợi buổi trưa nào nhà đầy đủ người thì đem ngâm vài hạt, tỉ mẩn làm món nước ươi bay mát rượi.

Vẫn là hương vị ngọt lành lẽ ra vốn dân dã, nhưng càng về sau, trái ươi càng trở nên quý giá. Cái gì hiếm thì thường quý. Cây ươi đã không còn cho người ta đua nhau vào rừng chặt hạ hái lượm.

Mà trai làng thời nay cũng chỉn chu bên những khu vườn đầy trái ngọt, không còn muốn lao vào cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt. Rừng chỉ để cho đám trẻ dạo chơi, thỉnh thoảng, chúng mang về ít thức quà của rừng là nắm ươi còn lẫn trong đám trái dại.

Hôm ấy, vào ngày lép nhép mưa, anh trai gọi tôi ra vườn, chỉ để khoe một hạt ươi bay đã nảy mầm trong bầu đất, chiếc lá đầu tiên có những cánh nhọn xòe ra đón nắng. Chúng tôi vui lắm, niềm vui của sự nhẹ nhõm, như vừa được rừng già tha thứ một lỗi lầm.

Khương Quỳnh (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem