Vì sao pho tượng cổ 700 năm tuổi tọa lạc trong miếu Bảo Hà ở Hải Phòng biết "ngồi xuống đứng lên"?

Chủ nhật, ngày 20/11/2022 18:42 PM (GMT+7)
Pho tượng tại miếu Bảo Hà (thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), thờ Đức Linh Lang Đại vương trong tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự có thể chuyển động, đứng lên một cách nhẹ nhàng, khoan thai, rồi lại từ từ ngồi xuống được xem là một trong số những pho tượng kỳ lạ, độc nhất vô nhị tại Việt Nam.
Bình luận 0

Từ xa xưa, làng Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo) là một địa danh nổi tiếng ở TP Hải Phòng về nghề truyền thống như tạc tượng, múa rối.

Bí ẩn pho tượng ngàn năm tuổi biết đứng lên, ngồi xuống - Ảnh 1.

Pho tượng Đức Linh Lang Đại vương tọa lạc tại miếu Bảo Hà (thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) có thể "đứng lên, ngồi xuống".

Tương truyền, cụ Nguyễn Công Huệ là người có công sáng lập, truyền dạy nghề tạc tượng cho dân làng Đồng Minh.

Những năm giặc Minh đô hộ nước ta, cụ Huệ bị bắt đi phục dịch ở Quan Xưởng, Trung Quốc. Trong thời gian đó, cụ đã chú tâm học nghề chạm khắc, sơn mài và châm cứu. Đến đời Lê Nhân Tông (1443 - 1459), cụ Huệ trở về quê và dạy nghề tạc tượng cho dân làng. Mọi người suy tôn cụ là Tổ nghề tạc tượng và được phối thờ tại miếu Bảo Hà.

Cho đến giờ, người dân Đồng Minh vẫn lưu truyền giai thoại "7 hạt gạo nếp tạc thành đàn voi" của người thợ tạc tượng Tô Phú Vượng. Ông là một trong những học trò nổi tiếng tài hoa của cụ Huệ. Vua Lê Cảnh Hưng đã vời ông Vượng vào cung tạc ngai vàng.

Sau khi tạc xong ngai vàng, ông sung sướng đã tạo ra một kiệt tác nên ngồi thử. Bị thái giám phát hiện và tâu với nhà vua, ông Vượng bị khép tội "khi quân phạm thượng", nhốt vào ngục tối chờ ngày xử trảm. Sống trong ngục mấy hôm, ông Vượng cảm thấy "ngứa nghề". Thấy những cọng rơm nếp còn sót lại một vài hạt thóc, ông liền lấy tay bóc, chuốt 7 hạt gạo nếp thành 7 con voi với các tư thế khác nhau.

Chuyện về đàn voi tí hon truyền đến khắp nơi, nhà vua biết chuyện, cảm phục cái tài của người thợ tạc tượng tài hoa, đã quyết định tha bổng, phong ông Tô Phú Vượng tước "Kỳ tài hầu" và cho về quê mở mang, lưu truyền nghề nghiệp.

Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông sinh vào tháng Chạp, năm Giáp Thìn (1064), được đặt tên là Hoằng Chân, mẹ là cung phi thứ 9. Linh Lang được sinh ra tại làng ở Trị Chợ, Thủ Lệ (quận Ba Đình, TP Hà Nội ngày nay). 

Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng tử Linh Lang chỉ huy quân sĩ chống giặc. Trong một đợt hành quân, ngài tới trang Linh Động (làng Bảo Hà ngày nay) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, tuyển mộ quân. 

Về sau này, để tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng xây miếu thờ trên nền đồn binh xưa. Các triều đại phong kiến sau này như đời vua Cảnh Thịnh, Tự Đức, Duy Tân và Khải Định đều phong sắc cho ngài là Thượng Đẳng thần, dân làng Bảo Hà tôn ngài là Thành hoàng và tạc tượng thờ.

Ông Đặng Văn Thạnh (70 tuổi), thủ từ miếu Bảo Hà, cho hay miếu Bảo Hà còn có tên gọi khác là Tam Xã Linh Từ. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do từ cuối thế kỷ 13, miếu được nhân dân 3 xã Hà Cầu, Bảo Động, Mai An xây lên.

Trải qua các thời kỳ nhà Lê, Nguyễn…miếu Bảo Hà được trùng tu và mở rộng dần. Đến đời vua Thành Thái (1889-1907) là lần trùng tu cuối cùng nên miếu hiện nay mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn nhiều hơn.

Theo cán bộ văn hóa xã Đồng Minh, bức tượng đặt biệt tại miếu có từ thế kỷ 13, tuổi đời trên 700 năm với nét độc đáo và kỳ lạ. Không giống các pho tượng được đặt trong các đền đài, miếu mạo, pho tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương ở miếu Bảo Hà (xã Đồng Minh) được tạc cao khoảng 1,7 m như người thật, nét mặt khôi ngô, đầu đội vương miện, mình khoác áo lụa bào trong tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự.

Vị cán bộ văn hóa xã Đồng Minh cho hay pho tượng là sự kết hợp tinh túy của nghệ thuật dân gian và nghệ thuật hiện đại, đây cũng là một bảo tồn nhỏ của môn nghệ thuật múa rối truyền thống của làng Bảo Hà.

Bí ẩn pho tượng ngàn năm tuổi biết đứng lên, ngồi xuống - Ảnh 2.

---

Bí ẩn pho tượng ngàn năm tuổi biết đứng lên, ngồi xuống - Ảnh 3.

Pho tượng kỳ lạ tạc Đức Linh Lang Đại vương tọa lạc tại miếu Bảo Hà (thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) tại miếu Bảo Hà có thể chuyển động, đứng lên, ngồi xuống một cách nhẹ nhàng, khoan thai.

Vị này cũng "bật mí" pho tượng có thể đứng lên, ngồi xuống là nhờ hoạt động theo nguyên lý "cánh tay đòn" gồm hệ thống ròng rọc, khớp nối hoàn toàn bằng một loại gỗ đặc biệt nằm trong căn hầm phía dưới cung cấm mà đến nay người dân địa phương vẫn chưa thể biết đó là loại gỗ gì.

Bí mật của sự chuyển động của bức tượng Đức Đức Linh Lang Đại vương nằm ở cánh cửa của điện thờ nơi có bức tượng. 

Các nghệ nhân tạc tượng xưa khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn, làm ra hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa với các khớp của pho tượng. Vì vậy, khi mở, cánh cửa sẽ truyền lực lên pho tượng. 

Bức tượng dần đứng lên và ngược lại, khi cửa khép lại thì bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu.

Để đóng, mở cánh cửa để bức tượng đứng lên ngồi xuống, chỉ có người quản lý miếu Bảo Hà mới có thể làm thuần thục. 

Sự chuyển động của bức tượng khiến cho những người đến đây trầm trồ khen ngợi về sự tài hoa của người thợ làng Bảo Hà, khiến ngôi miếu này trở nên linh thiêng, kì bí.


Trọng Đức (Báo Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem