Những ngày qua, bà con sống tại làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định luôn sống trong niềm hân hoan khó tả, vì sau bao đời sống âm thầm "thiếu ánh sáng ban đêm" giữa rừng già sâu hun hút, bây giờ ngôi làng mới có được ánh sáng đèn điện.
Cuộc sống của họ có thêm ý nghĩa vì làng O2 được mệnh danh là ngôi làng xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Bình Định. Ngôi làng có 49 hộ đồng bào Ba Na với 200 nhân khẩu nằm lọt thỏm giữa rừng núi cao và heo hút.
Làng đồng bào dân tộc Bana mang tên O2 chưa đến 50 hộ sinh sống và nằm lọt giữa rừng núi cao, heo hút của xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Clip: TB.
Người có sức khỏe muốn đến được làng này trong điều kiện thời tiết bình thường, phải mất 3 đến 4 giờ đi bộ đoạn đường dốc hơn 4 km, đoạn đường còn lại được thanh niên trong làng dùng xe máy "độ" để chở phải mất thêm 1 giờ đồng hồ. Nếu không có xăng, đi bộ hết tuyến đường đến làng O2 phải mất nửa ngày.
Vì điều kiện đi lại quá khó khăn, cuộc sống "tự cung, tự cấp" của bà con bị thiếu thốn, thua thiệt quá nhiều.
Đi đến làng O2 đã khó, việc vận chuyển vật liệu, thiết bị, nhu yếu phẩm… để phục vụ cho những chuyến tình nguyện cũng như thiện nguyện lại càng khó hơn.
Chưa bao giờ người dân đồng bào Bana làng 02, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh được vui mừng phấn khởi khi đón điện về làng.
Từ đây, cuộc sống bà con làng 02 sẽ bừng sáng nhờ vào điện năng lượng mặt trời. Có điện cuộc sống sẽ thay đổi, chất lượng đời sống người dân được nâng cao làm đẩy lùi cảnh sống tăm tối đã bao trùm ngôi làng bé nhỏ bao năm qua.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành dặn dò, đường vào làng 02 đi rất khó khăn, hiểm trở, ít nhất phải lội bộ suốt 4 giờ đồng hồ, vượt qua suối lớn và băng qua những ngọn núi cao với đồi dốc dựng đứng. Có những đoạn nằm sát vực sâu, nhỏ và hẹp. Bởi vậy, từ trước đến nay, người dân nơi này sống cách biệt, tự cung tự cấp.
Nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, chúng tôi bắt đầu hành trình đến làng O2. Con đường độc đạo đến làng O2 dài chừng 9 km, bắt đầu từ cây cầu treo dựng tạm bợ bằng tre và dây mây rồi đến những con dốc dài dựng đứng, vòng vèo dưới tán rừng.
Hơn 4 giờ đồng hồ băng rừng, lội suối, cuối cùng chúng tôi cũng đến được làng O2. Ngôi làng nhỏ bé hiện dần trước mắt.
Do điều kiện đi lại quá khó khăn, cuộc sống tự cung, tự cấp nên đời sống bà con làng 02 gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn hơn so với đồng bào dân tộc sống ở các vùng khác trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Không chỉ cuộc sống vất vả, thiếu thốn, đường đi lại khó khăn mà người dân làng 02 phải sống trong cảnh thiếu điện thắp sáng.
Nhờ có hệ thống điện mặt trời được lắp đặt nên bà con làng O2 vui mừng khôn xiết khi được đón điện về làng. Điện về làm bừng sáng cả ngôi làng bé nhỏ tăm tối nằm lọt sâu giữa núi rừng bao đời nay.
Theo lời của anh Đinh Khích - Trưởng làng O2, xã Vĩnh Kim, người dân trong làng rất biết ơn các đoàn từ thiện đến đây, mang theo nhiều điều mới mẻ cho bà con.
Đặc biệt, những năm qua, thanh niên Bình Định và các đoàn từ thiện khác đã nhiều lần khảo sát, lắp đặt, sửa chữa đường ống dẫn nước sạch từ suối về làng cũng như hỗ trợ các thiết bị điện năng lượng mặt trời cho tất cả các gia đình ở làng O2, giúp bà con có điện, nước để dùng.
Bà con rất vui mừng, biết ơn vì các thanh niên năm nào cũng đến đây để giúp đỡ người dân.
"Nhờ các đoàn thanh niên tình nguyện của Bình Định mà bà con làng O2 có điện mặt trời để thắp sáng trong nhà và nghe đài, xem tivi cập nhập thời sự và có điện thắp sáng ngoài đường để ban đêm đi lại được an toàn", anh Đinh Khích phấn khởi nói.
Từ khi có ánh sáng của điện, chuyện học hành của con em học sinh làng O2 được thuận lợi hơn, đời sống của bà con sẽ đổi thay, khởi sắc đi lên từng ngày, giá trị cuộc sống người dân được nâng cao.
Đây chính là nguồn ánh sáng làm thay đổi đời sống của đồng bào Bana làng 02 vươn lên thoát nghèo, nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, của huyện Vĩnh Thạnh trong lương lai không xa.
Ông Đinh Khư - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết, do làng ở trên núi cao, đường đi lại khó khăn nên cuộc sống đồng bào rất khó khăn, chủ yếu tự cung tự cấp bằng các nghề trồng lúa nước, lúa rẫy, trồng đậu đỗ, chăn nuôi bò, heo, gà.
Trong làng hiện có một lớp mẫu giáo do một cô đứng lớp và các lớp tiểu học dạy ghép do 3 thầy giáo đứng lớp.
"Do tập quán canh tác nên đồng bào không muốn dời làng đi nơi khác, vì bà con làng O2 luôn ý thức giữ đất, giữ rừng cho thế hệ con em mai sau", ông Đinh Khư chia sẻ.