Những năm qua, HTX Nấm lim xanh Sơn Động ở xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và phát triển nấm lim xanh. Ông Bế Văn Sáu – Giám đốc HTX Nấm lim xanh Sơn Động cho biết, ông bắt đầu trồng nấm lim xanh từ năm 2013.
Đến năm 2019, khi có dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và phát triển nấm lim xanh tại huyện Sơn Động", gia đình ông được hỗ trợ mở rộng lên 10.000 bịch nấm/năm, trong đó 5.000 bịch trồng trong lán trại, còn lại trồng dưới tán rừng tự nhiên.
Tham gia dự án, ngoài được hỗ trợ giống, nguyên vật liệu khác, gia đình ông được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. "Trồng nấm lim xanh tương đối khó nên ít hộ tham gia. Người trồng cần hiểu được chu kỳ sinh trưởng, phát triển của nấm, thường xuyên vệ sinh lán trại sạch sẽ, kiểm tra mầm bệnh…", ông Sáu chia sẻ.
Theo đánh giá của ông Sáu, nấm lim xanh được trồng trực tiếp dưới tán rừng tự nhiên có nhiều ưu điểm như giúp hệ sợi sinh trưởng, phát triển tốt, ít công chăm sóc, chu kỳ thu hoạch kéo dài hơn; tỷ lệ sống đạt khoảng 86%, sau trồng khoảng hơn 1 tháng là cho thu hái. Mỗi tấn nguyên liệu thu được khoảng 21kg nấm khô. Giá bán trung bình từ 700.000 đến 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí, người trồng thu lãi 300.000- 400.000 đồng/kg.
Với mô hình trồng nho Hạ Đen, anh Trần Văn Tầng dân tộc Sán Dìu ở thôn Vá, xã An Bá, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Trần Văn Tầng cho biết: Từ năm 2022, anh đầu tư 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động trồng hơn 600 gốc nho Hạ Đen trên diện tích 1.000m2. Thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, anh tiếp tục làm nhà màng để trồng thêm 1.400 gốc.
Anh Tầng cho biết, cùng với đầu tư hệ thống nhà lưới, anh áp dụng công nghệ tưới tản đều khắp luống nhằm bảo đảm độ ẩm cho đất lại không bị ũng nước. Lượng nước cũng như thời gian tưới được cài đặt, điều chỉnh thông qua bộ điều khiển. Nhờ áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, nên vườn nho Hạ Đen của anh Tầng cho năng suất, chất lượng cao. Hiện vườn nho của gia đình đã cho thu hoạch lứa đầu với sản lượng khoảng 1,3 tấn, toàn bộ nho được thương nhân, người dân đến tận vườn thu mua với giá 170.000 đồng/kg.
Với hương vị riêng, chè Bát Tiên trồng trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) được nhiều khách hàng ưa chuộng. Thị trấn Tây Yên Tử à địa phương có diện tích trồng chè Bát Tiên lớn nhất huyện Sơn Động. Những năm qua, thị trấn Tây Yên Tử đã tích cực phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện, một số sở, ngành tỉnh tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân sản xuất chè bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng phân bón vi sinh, thuốc thảo mộc, sinh học phòng trừ sâu bệnh.
Không chỉ đầu tư chăm sóc chè sạch, các khâu chế biến chè khô cũng được các hộ trồng chè ở thị trấn Tây Yên Tử chú ý. Hiện nay các hộ trồng chè đều trang bị máy sao, vò chè và thùng sấy hiện đại, vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Chăm sóc, thu hái đều theo quy trình an toàn, hương vị chè thơm ngon nên chè Bát Tiên được khách hàng ưa chuộng.
Mô hình trồng chừ Bát Tiên ở huyện Sơn Động đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo báo cáo, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của huyện Sơn Động hơn 7.700 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 4.100 ha, diện tích cây ăn quả gần 2.400 ha, còn lại trồng ngô, khoai, sắn...
Để khai thác lợi thế, cùng với phát triển kinh tế rừng những năm qua các địa phương trong huyện tích cực chuyển đổi, phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Vải thiều, táo, ổi, cam... Trong sản xuất nông nghiệp, huyện quan tâm mở rộng diện tích cây trồng vụ đông. Cụ thể, vụ đông năm 2022, toàn huyện trồng 830 ha, trong đó 135 ha khoai tây chế biến, còn lại là ngô, rau màu các loại.
Huyện Sơn Động có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, nhất là cây dược liệu, cây ăn quả song chưa được quan tâm đầu tư, thiếu sự liên kết nên sản xuất chỉ mang tính thời vụ, chưa bền vững. Sản xuất nông nghiệp của huyện quy mô nhỏ lẻ, tự phát, làm theo thói quen, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, số lượng sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh còn thấp.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, UBND huyện Sơn Động dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp, đưa những giống mới vào sản xuất. Tuy nhiên, qua đánh giá, trình độ, kỹ thuật canh tác còn hạn chế, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp có nhưng ít, chỉ mang tính thời vụ, chưa bền vững…
Một góc nông thôn mới xã Long Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Xuân Thỏa.
Để chủ động đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, UBND huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhà trường nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học trong sản xuất.
Cụ thể, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển cây chanh leo tạo vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; phát triển mô hình thâm canh giổi ăn hạt theo hướng lấy hạt kết hợp cung cấp gỗ lớn...
Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động cho biết: "Thời gian qua, mỗi năm, huyện có hơn 1.000 hộ thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5-6%/năm; xây dựng nông thôn mới. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, huyện quan tâm nghiên cứu, tìm ra những giống cây mới phù hợp với địa bàn và giá trị cao. Các đề tài, nhiệm vụ được thực hiện, kết quả tốt sẽ tạo sức bật cho nông nghiệp của huyện, từ đó cải thiện đời sống người dân, từng bước thoát nghèo bền vững".