Anh Bằng thổ lộ, nhà có 3ha đất lúa, anh đã lấy 1,2ha để trồng cây tắc. Tính ra, mỗi năm lợi nhuận từ trồng cây tắc gấp 7 - 8 lần trồng lúa.
Vùng Đồng Tháp Mười, tôi có những ông bạn già sở hữu diện tích lúa lên 70 – 80ha. Đất ở đây trồng 3 vụ lúa/năm. Năng suất 7 – 8 tấn/ha. Thế nhưng, tại xã Thạnh Trị đất chỉ trồng 1 vụ lúa/năm.
Dẫn chúng tôi đi xem vườn tắc nhà trồng, anh Bằng bộc bạch, vùng đất pha cát Thạnh Trị lâu nay thu nhập từ hạt lúa khá bấp bênh. Năm nào được giá, trúng mùa gia đình anh mới có thu được vài chục triệu đồng. Còn gặp năm mất mùa, mất giá, 3ha lúa chỉ giúp gia đình đủ ăn.
Thất vọng với cây lúa và tìm hướng thoát nghèo, anh rủ người bạn về Chợ Lách (Bến Tre) tìm cây trồng cho giá trị kinh tế cao thay thế cây lúa. Nghe nông dân "thủ phủ ương cây giống" miền Tây bảo cây tắc dễ trồng, dễ bán trái, "chắc ăn như bắp", thế là anh Bằng dốc hầu bao mua giống về trồng.
Kết quả mỹ mãn, 7 năm nay cả gia đình anh Bằng sống dựa vào cây tắc. Cứ nửa tháng anh Bằng hái tắc bán một lần. Tiền bán tắc vào túi đều đều, "chắc ăn như bắp".
Theo anh Bằng, cây tắc khá dễ tính, kỹ thuật trồng tắc cũng vì thế khá đơn giản. Trung bình, 1ha đất trồng được 3.000 gốc tắc.
Về phân thuốc, anh Bằng cho rằng, tùy theo thời điểm sinh trưởng của cây tắc mà dùng phân, thuốc cho thích hợp.
Bên cạnh đó, tùy theo môi trường, thời tiết từng vùng đất, vùng miền; đất thuộc dạng nào, như đất thịt, đất sỏi hay cát pha… để chọn phân, thuốc phun, bón cây tắc cho đúng. Ví như, tại vùng đất pha cát Thạnh Trị, anh Bằng chỉ xài phân hữu cơ, sinh học để trồng tắc. Thực tế chứng minh, dù vườn tắc đã trồng 7 năm, nhưng biểu hiện của cây vẫn sinh trưởng tốt.
"Phải "đi" hữu cơ cây tắc mới bền, cho trái sai, chứ "đi" hóa học cây mau tàn lắm. Cây tắc rất ít dịch bệnh, nên đa số chỉ dùng thuốc dưỡng", anh Bằng chia sẻ.
Cũng theo anh Bằng, trồng cây tắc khoảng 1 năm thì cây cho trái. Năng suất lúc này chưa cao, chỉ lấy thu bù chi. Năm thu hoạch trái thứ hai cây mới cho lợi nhuận. Và từ năm thứ ba, cây tắc trưởng thành, đủ tàng, nhánh, sung mãn nên cho năng suất khá cao. Vô mùa thuận, thu hoạch rộ cây cho 40-70 tấn trái/ha.
Nhìn chung, cây tắc trồng khoảng 10 năm sẽ lão hóa. Tuy nhiên, tùy theo vùng đất, điều kiện chăm sóc, mật độ cây trồng mà cây tắc sẽ tàn nhanh hay chậm.
Theo anh Bằng, hiện anh có mối lái thu mua trái tắc từ Nam ra Bắc. Anh Bằng có hợp đồng với thương lái ở các chợ đầu mới tại TP.HCM, như: Chợ Bình Điền, Hóc Môn. Hằng ngày anh thu hoạch trái tắc hoặc mua lại từ bà con nông dân rồi chở lên các chợ đầu mới bán trực tiếp cho tiểu thương.
Bên cạnh đó, anh Bằng còn bán trái tắc cho công ty, doanh nghiệp. Thậm chí, anh đưa trái tắc ra Hà Nội bán.
"Tôi không lo đầu ra cho trái tắc", anh Bằng khẳng định.
Hiện, giá tắc đẹp (da bóng sáng, trái to, đồng đều) tại vườn thương lái mua 8.500 – 9.000 đồng/kg. Trong năm, cao điểm từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, giá tắc nhích lên 12.000 – 16.000 đồng/kg.
Anh Bằng cho biết, mỗi năm trừ hết chi phí, mỗi ha trồng cây tắc có lời 200 – 250 triệu đồng.
Hiện, anh Bằng đang giúp 10 hộ nông dân tại địa phương trồng cây tắc với khoảng 12ha. Anh Bằng còn là đầu mối liên kết thương lái thu mua hỗ trợ đầu ra cho bà con trồng cây tắc.
"Cây tắc không phải cây làm giàu nhanh, nhưng là cây xóa nghèo rất tốt. Trồng cây tắc tuy thu nhập không cao nhưng cho thu nhập đều là mình thấy an tâm rồi", anh Bằng thổ lộ.
Trước viễn cảnh xán lạn từ cây tắc mang lại, anh Bằng dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng cây tắc.