Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khu đất trồng dừa Mã Lai đỏ của anh Thảo hiện nay nằm trong "vành đai lửa". Hiện, trên vùng đất này vẫn còn thấy những hố bom to đùng. Không lấp được, bà con trồng dừa xung quanh hố bom.
Anh Thảo kể, trước đây trên mảnh đất vườn nhà cũng đầy hố bom. Để có mảnh đất tròn trịa trồng cây ăn trái, gia đình anh phải san lấp các hố bom này.
"Trước đây, ba tôi trồng xoài cát. Giá xoài lúc đó chỉ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nản lòng, ba tôi bê trễ chăm sóc khiến vườn xoài bị sâu bệnh nhiều", anh Thảo cho biết.
Đang quản lý phòng thí nghiệm cho một trường đại học, thấy đất vườn nhà bỏ hoang, anh Thảo xin nghỉ việc về nhà với ước mong cải tạo vườn tạp khởi nghiệp làm nông.
Ngay ban đầu, anh Thảo đã có suy nghĩ phải trồng giống cây cho trái quanh năm để dễ xoay xở nếu xảy ra khủng hoảng giá. Vì lý do này, anh trồng ca cao và dừa. Trong khi 500 gốc ca cao không chịu được phèn đã chết sạch, thì cây dừa vẫn phát triển tốt, cho trái trỉu cây.
Theo anh Thảo, dừa rất dễ trồng, đặt giống xuống là hái trái. Nhưng trên vùng đất phèn chua nặng phải có kỹ thuật trồng phù hợp.
"Phải lên liếp đủ cao, phải có mương đủ rộng để rửa phèn, lấy dinh dưỡng, lấy nước nuôi cây dừa. Điều này rất quan trọng và phải làm ngay ban đầu. Nếu sai, gần như không thể cứu chữa vườn dừa", anh Thảo khuyến cáo.
Clip. Anh Bùi Ngọc Thảo (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM) chia sẻ kỹ thuật trồng dừa Mã Lai ra trái trên vùng đất phèn. Clip: Trần Đáng.
Ngoài ra, về kỹ thuật trồng dừa Mã Lai trên đất phèn, trước khi đặt giống, anh Thảo bỏ vôi, lân vào hố trồng để hạ phèn.
Mật độ trồng dừa Mã Lai là cây cách cây 6m, hàng cách hàng 8m. Theo anh Thảo, mật độ trồng dừa như vậy là nhằm tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch sau này. Với kỹ thuật trồng dừa này, hiện trong vườn của anh Thảo có khoảng 300 cây dừa Mã Lai trái đỏ.
Theo anh Thảo, trồng dừa Mã Lai thân cao khoảng 30cm đã có bông. 6 tháng sau khi cho trái thân cây chỉ cao 50 - 60cm.
Cây dừa đôi khi bị bọ cánh cứng, nhện đỏ phá hoại, nên định kỳ phải xịt thuốc sâu trị bọ. Dừa cần nhiều kali, khi trồng cần bón phân DAP và 16-16-8… cho cây sung sức. Đến khi cây có trái phải tăng cường kali.
Thường trên cây dừa Mã Lai có hơn chục quầy. Cứ 15 – 20 ngày cây cho ra một bông/quầy. 6 tháng sau, bông này cho thu hoạch trái. Cây liên tục cho bông và trái nên thu hoạch quanh năm. Khi cây cho trái phải tỉa bỏ trái xấu chỉ chừa 20 -25 trái/quầy để cây nuôi trái đạt chất lượng, mẫu mã, có giá cao.
"Ngay từ đầu trồng dừa Mã Lai nếu bà con o bế, chăm sóc tốt, cây sẽ cho trái sai, đều chứ không lác đác, dừa "đu đủ". Trồng dừa ai cũng trồng được, nhưng phải chăm mới có ăn", anh Thảo bộc bạch.
Anh Thảo thổ lộ, vùng đất ngoại thành Sài Gòn này phèn chua rất dữ, nhưng trồng dừa Mã Lai sống khỏe.
Anh Thảo cho biết, mỗi tháng anh thu hoạch dừa 2 lần. Trong năm, giá dừa tươi thương lái mua vào 4.000 – 5.000 đồng/trái. Tuy nhiên, để dừa được giá này, trái dừa phải đạt chất lượng, mẫu mã. Trái dừa phải tròn đẹp và phải nặng từ 1,2kg/trái trở lên.
Thay vì bán dừa cho thương lái với giá này, anh Thảo hái dừa rồi bán trực tiếp bán cho các quán giải khát với giá 8.000 đồng/trái.
"Trung bình, mỗi cây dừa cho khoảng 200 trái/năm. Mỗi cây cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm. Tính ra, tôi có thu gần 300 triệu đồng", anh Thảo cho biết.
Một số thương lái thu mua dừa tươi cho biết, chỉ xung quanh khu vực này trồng dừa tươi cho chất lượng tốt nhất TP.HCM. Thậm chí, tốt hơn những tỉnh trồng dừa ở miền Tây Nam bộ. Dừa cho nước thơm, ngọt. Vì thế, giá dừa tươi ở đây cũng nhỉnh hơn các nơi khác.
Về điều này, anh Thảo lý giải, có lẽ vùng này nhiều đất bã hèm với lớp trầm tích cây cỏ nhiều phù sa nên khi trồng dừa cho trái chất lượng tốt.
Ngoài bán trái dừa tươi, anh Thảo còn làm giống dừa Mã Lai bán cho bà con nông dân. Mỗi năm, anh Thảo bán ra thị trường hơn 5.000 cây dừa giống Mã Lai trái đỏ với giá dừa giống là 35.000 đồng/cây.
"So giá trị trên cây trồng, cây dừa Mã Lai cho thu 300 triệu đồng/ha/năm là chưa ngon. Tuy nhiên, trên vùng đất phèn chua nặng này, cây dừa cho thu vậy là chấp nhận được. Ở đây, chỉ có cây mai vàng cho lợi nhuận tốt hơn cây dừa", anh Thảo bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Của, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM cho biết, hiện anh Thảo là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Sản phẩm dừa tươi của anh Thảo là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.