Nhận xét được đưa ra hôm 28/11 trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đưa tin rằng các quốc gia EU đang ngày càng tức giận trước sự "cơ hội" của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Mỹ không có ý định chia sẻ. Ngược lại, nước này tận thu số tiền tiết kiệm cuối cùng của các đối tác và bỏ túi số tiền đó mà không chút e ngại", phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev viết trên kênh Telegram của mình.
Ông lưu ý rằng Washington ngày càng làm cho các điều kiện kinh doanh trong nước trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty châu Âu và khuyến khích các quốc gia khác mua sản phẩm của họ. Trong khi đó, thị trường hàng hóa châu Âu đang bị thu hẹp, một phần do quyết định tách khỏi Nga, ông nói thêm.
"Bạn không thể thực sự tin tưởng Mỹ. Cứ như vậy, châu Âu chắc chắn sẽ hết tiền", ông Medvedev nói. Ông nói thêm rằng EU có thể "chia tay với Mỹ và bắt đầu một cuộc sống tự do mới", nhưng rất có thể họ không có đủ quyết tâm cho việc đó.
Sự rạn nứt ngày càng tăng giữa các nhà lãnh đạo EU và những người đồng cấp Mỹ đã được phản ánh trong các tuyên bố công khai của khối và trong các báo cáo từ phương tiện truyền thông phương Tây.
Tuần trước, Politico đã mô tả sự tức giận ngày càng tăng ở EU do nhận thức rằng Washington đang trục lợi từ cuộc khủng hoảng giữa các quốc gia thành viên. Một số quan chức cấp cao của khối khó chịu trước việc các nhà cung cấp năng lượng của Mỹ đang bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các quốc gia EU với giá cao gấp 4 lần so với giá trong nước, trong khi các nhà thầu quân sự được hưởng lợi bằng cách "bán thêm vũ khí" cho Ukraine, bài báo viết.
Sự bức xúc được đẩy cao sau khi Mỹ công bố những chính sách trợ giá được giới chức châu Âu nhận định là đe dọa phá hoại nền công nghiệp khu vực. Ông Josep Borrell, đại diện Cấp cao về Chính sách an ninh và đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi Washington cần lưu tâm và có giải pháp cho các quan ngại của EU hiện nay. “Người Mỹ đã có những quyết định gây ảnh hưởng về kinh tế đối với chúng tôi”, ông Josep Borrell nói.
Washington bác bỏ những cáo buộc của EU, đổ lỗi cho Nga và chiến dịch quân sự đặc biệt của họ tại Ukraine mới là nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng cao bất thường trong thời gian qua. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thậm chí còn “nhắc nhở” giới chức EU rằng LNG của Mỹ xuất sang EU đã tăng đáng kể và giúp châu Âu đa dạng thêm các nguồn cung khác ngoài Nga.