Châu Âu cáo buộc Mỹ trục lợi từ cuộc chiến ở Ukraine
Châu Âu cáo buộc Mỹ trục lợi từ cuộc chiến ở Ukraine
Phương Đăng (theo Politico)
Thứ sáu, ngày 25/11/2022 20:02 PM (GMT+7)
Các quan chức EU đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden về giá khí đốt cao ngất ngưởng, mua bán và trao đổi vũ khí trục lợi từ cuộc chiến ở Ukraine làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có nguy cơ phá hủy sự thống nhất của phương Tây.
9 tháng sau khi diễn ra, cuộc chiến ở Ukraine đang bắt đầu chia rẽ phương Tây. Các quan chức hàng đầu của châu Âu đã bày tỏ sự tức giận với chính quyền của Joe Biden và hiện cáo buộc người Mỹ kiếm bộn tiền từ chiến tranh, trong khi các nước EU phải gánh chịu hậu quả.
“Thực tế là, nếu bạn nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này là Mỹ vì họ đang bán nhiều khí đốt hơn với giá cao hơn, và vì họ đang bán nhiều vũ khí hơn”, một quan chức cấp cao của EU nói với Politico.
Những bình luận như vậy đã được ủng hộ công khai lẫn kín đáo bởi các quan chức, nhà ngoại giao và bộ trưởng khác ở EU theo sau sự tức giận ngày càng tăng ở châu Âu về các khoản trợ cấp của Mỹ có nguy cơ phá hủy ngành công nghiệp châu Âu.
"Chúng ta thực sự đang ở một thời điểm lịch sử”, quan chức cấp cao của EU cho biết, lập luận rằng tác động kép của gián đoạn thương mại do trợ cấp của Mỹ và giá năng lượng cao có nguy cơ khiến công chúng chống lại cả nỗ lực ủng hộ Ukraine và liên minh xuyên Đại Tây Dương. “Mỹ cần nhận ra rằng dư luận đang thay đổi ở nhiều nước EU", vị quan chức nói thêm.
Cao ủy đối ngoại EU Josep Borrell kêu gọi Washington đáp lại những lo ngại của châu Âu. “Người Mỹ - những người bạn của chúng tôi - đưa ra những quyết định gây nên tác động kinh tế đối với chúng tôi", ông Borrell nói trong một cuộc phỏng vấn với Politico.
Điểm căng thẳng lớn nhất trong những tuần gần đây là các khoản trợ cấp và chính sách thuế xanh của chính quyền Biden mà Brussels cho là không công bằng và đe dọa phá hủy các ngành công nghiệp châu Âu. Bất chấp sự phản đối chính thức từ châu Âu, Washington cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước.
Đồng thời, cuộc chiến ở Ukraine đang đẩy các nền kinh tế châu Âu vào suy thoái, với lạm phát tăng vọt và sự siết chặt nghiêm trọng nguồn cung cấp năng lượng cũng đang có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất điện trong mùa đông này.
Khi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, các nước EU phải chuyển sang sử dụng khí đốt từ Mỹ - với cái giá đắt cắt cổ. Ước tính, người châu Âu phải trả cao gần gấp bốn lần so với chi phí nhiên liệu tương đương ở Mỹ.
Tiếp đó là sự gia tăng các đơn đặt hàng đối với thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất khi các kho vũ khí của quân đội châu Âu cạn kiệt vì phải viện trợ cho Ukraine.
Tất cả là quá nhiều đối với các quan chức hàng đầu ở Brussels và các thủ đô khác của EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phàn nàn rằng, giá khí đốt cao của Mỹ không “thân thiện” trong khi Bộ trưởng kinh tế Đức đã kêu gọi Washington thể hiện “sự đoàn kết” hơn nữa bằng cách giảm giá năng lượng.
Các bộ trưởng và nhà ngoại giao ở những nơi khác trong khối đã bày tỏ sự thất vọng về cách chính phủ Biden phớt lờ tác động của các chính sách kinh tế Mỹ đối với các đồng minh châu Âu.
Theo quan chức cấp cao được trích dẫn ở trên, khi các nhà lãnh đạo EU chỉ trích ông Biden về giá khí đốt cao của Mỹ tại cuộc họp G20 ở Bali vào tuần trước, Tổng thống Mỹ dường như không hề quan tâm đến vấn đề này trước đó. Các quan chức và nhà ngoại giao EU khác đã đồng ý rằng sự thiếu quan tâm của Mỹ về hậu quả đối với châu Âu là một vấn đề lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.