LTS: Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, được thể hiện qua nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành như: Nghị quyết số 16-NQ/TW (01/8/2007) của Ban Chấp hành Trung ương "Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới"; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII "về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
Trong điều kiện hiện nay, với sự bùng nổ của mạng Internet, các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, những khó khăn trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19…, các thế lực thù địch, phản động càng ra sức chống phá thì nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch càng trở nên cần thiết.
Vậy Hà Nội – trái tim của cả nước, đặc biệt từ các cấp xã, phường, tổ dân phố đã và đang làm gì để tăng cường thông tin những nội dung tích cực đi đôi với đề xuất các giải pháp ngăn chặn có hiệu quả, xoá bỏ những thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội?
Loạt bài "Hà Nội trong cuộc bài trừ tin xấu độc trên mạng xã hội, Internet" của Báo Dân Việt phần nào để độc giả thấy rõ việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" trên tinh thần quán triệt quan điểm kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa "xây" và "chống". Đó là nhiệm vụ cấp bách, vừa thường xuyên, vừa lâu dài; không chỉ là công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị; đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Gần 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Chính (78 tuổi) đã gắn bó với công việc là tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trong câu chuyện với PV Dân Việt, ông Chính chia sẻ việc có các nhóm Zalo đã giúp chính quyền phường lan toả những giá trị tốt đẹp, giúp con người gần gũi với người và bài trừ tin xấu độc trên mạng xã hội, Internet.
Ông Chính đã kinh qua 9 nhiệm kỳ là tổ trưởng tổ dâ phố. "Công việc của tôi là giải quyết những việc trong tổ, trong phường. Từ những khoản thu chi như quỹ, thuế, đất đến công việc của bên công an, bên y tế… thì tổ trưởng phải chịu trách nhiệm lo hết", ông Chính nói.
Công việc của một người tổ trưởng khó như làm dâu trăm họ. Có những lúc ông phải đứng ra giải quyết những khúc mắc sao cho vừa lòng mọi người. Cũng có khi 23 giờ đêm vẫn có những người gõ cửa gọi ông giúp giải quyết công việc.
Đặc biệt, khi Hà Nội bước vào những ngày phòng chống dịch Covid-19, công việc của ông Chính lại càng thêm vất vả. Để đảm bảo người dân có đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ mùa dịch, ngày nào ông Chính cũng ghé từng nhà trong khu dân cư để nắm tình hình đời sống, kiểm soát những gia đình diện F, nhắc nhở mọi người thực hiện an toàn các biện pháp phòng chống dịch.
Đi hỏi thăm từng hộ gia đình mùa dịch, thấy có nhiều gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế, ông Chính đã bàn bạc với những người làm công tác trong tổ xin cứu trợ tại phường.
"Có nhà thì 2 vợ chồng đều mất việc, có nhà lại chỉ có 1 cụ già với 3 cháu nhỏ. Người dân đã gặp khó khăn như thế thì không để họ chờ lâu được, cũng có lúc tôi tự đi vận động những gia đình có điều kiện chung tay ủng hộ, quyên góp cho những hộ khó khăn", ông Chính chia sẻ.
Ông Chính đã đi kêu gọi, xin hỗ trợ được hơn 100 suất cho người dân trong tổ. Những gia đình thuộc diện "F" được hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết. Những gia đình thuộc hoàn cảnh khó khăn thì ngoài phần hỗ trợ của nhà nước, bản thân ông Chính và những người dân trong khu đều chung tay ủng hộ.
"Chính quyền phường cùng các tổ dân phố thường xuyên tuyên truyền để người dân biết những thông tin xấu độc, từ đó nâng cao cảnh giác. Đáng chú ý là việc Hà Nội ứng dụng công nghệ như lập các nhóm Zalo quản lý từ cấp tổ dân phố đến phường, xã, quận, huyện và cao hơn nữa là thành phố đã giúp công tác tuyên truyền đạt hiệu quả rất tốt. Ngay cả việc trao đổi thông tin cũng rất tiện lợi thay vì phải gọi điện hay gửi giấy mời cực khổ như trước đây", ông Chính nêu.
Tiếp lời ông Chính, ông Nguyễn Đỗ Hải, Tổ trưởng dân phố số 32, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhờ ứng dụng các phần mềm quản lý cũng như trên hội nhóm Zalo đã giúp ích rất nhiều trong công tác chống dịch.
Những việc truy vết, báo cáo trường hợp nhiễm bệnh ở đâu, nhiễm bệnh ngày nào, xét nghiệm bằng phương pháp gì nhanh chóng được cập nhật. Mọi người không cần trực tiếp gặp tổ dân phố, trạm y tế mà gửi thông tin của mình để tự cách ly, như vậy rất thuận lợi cho người dân. Thứ 2, việc này giúp giảm bớt chi phí, giảm áp lực cho trạm y tế, tổ dân phố và chính quyền địa phương.
"Từ khi áp dụng mạng xã hội, tôi thấy thuận lợi rất nhiều. Trước đó, khi chưa xây dựng được cộng đồng mạng xã hội, việc tiếp nhận, xử lý thông tin gặp rất nhiều khó khăn. Muốn phản ánh phải gọi điện thoại, ở trạm y tế liên tục quá tải, nhiều khi gọi cả ngày không nghe được tư vấn của nhân viên y tế.
Thời gian truy vết ca bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng, chỉ trong vài chục phút, nếu không cảnh báo nhanh thì lây lan cho chính người thân trong gia đình, hàng xóm, toà chung cư… Nếu lây lan dịch sẽ rất nguy hiểm gây tốn kém chi phí, khó khăn cho chính quyền địa phương, Nhà nước. ", ông Hải chia sẻ.
Kể từ khi thành phố triển khai sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống dịch, những thông tin chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp ích nhiều, không cần văn bản nhiều. "Thời gian căng thẳng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã đi qua nhưng nhớ lại khiến tôi cùng nhiều người vẫn vã mồ hôi. Thời điểm đó cả nước đều căng mình chống dịch, trong đó có Hà Nội. Là thành viên trong khu dân cư cũng như tổ trưởng dân phố chúng tôi cũng chịu rất nhiều áp lực. Như đợt cách ly tại nhà, tổ dân phố luôn chủ động kết nối để có thể hỗ trợ được người dân tối đa.
Ngoài chính sách địa phương, cơ quan Nhà nước, chúng tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân chung tay cung cấp thực phẩm sạch cho người dân như thịt cá, rau… Mọi người yên tâm cách ly tại nhà không lo thiếu thực phẩm. Cũng từ đây, mọi người gắn kết với nhau hơn. Trước nhiều người không biết mình là ai. Khi có trang mạng xã hội, mình chia sẻ thông tin nhiều người nắm bắt tốt hơn", ông Hải bày tỏ.
Nhớ lại thời kỳ căng thẳng dịch Covid-19, ông Hải đã luôn đồng hành cùng người dân ở tổ dân phố. Có ngày ông Hải khệ nệ ôm tập giấy quyết định cách ly nặng vài cân, vội vã đi từng tầng, gõ từng nhà, phát tận nơi cho các F0 trong khu chung cư có cả ngàn hộ dân sinh sống.
Đưa tận tay tờ giấy quyết định cách ly cho các gia đình có người mắc Covid-19, ông Hải còn dặn dò tỉ mỉ, hướng dẫn cư dân cách chăm sóc, điều trị sức khỏe tại nhà. Vị tổ trưởng dân phố 43 tuổi không quên gửi số điện thoại để mọi người thuận tiện liên hệ bất cứ lúc nào. Dù bây giờ, mỗi ngày, ông cũng nhận cả trăm cuộc gọi tư vấn thâu đêm suốt sáng.
Ông nhớ kỷ niệm có 2 vợ chồng già ở chung cư có bệnh nền đều nhiễm Covid-19, con cái làm ăn xa. Thời điểm đó, dịch bệnh Covid-19, mọi người đều sợ lây lan. Chính lúc này, những vị tổ trưởng dân phố như ông Hải đã mặc đồ bảo hộ gửi nhu yếu phẩm. Hàng ngày ông còn dành thời gian đứng ngoài cửa trò chuyện, hỏi han để người bệnh bớt căng thẳng, giảm tress...
"Ông bà có bệnh nền nhờ tổ dân phố, chúng tôi sau đó những liên hệ khắp nơi từ trạm y tế đến bệnh viện, quận, thành phố. Nhiều hôm ông bà gọi điện chia sẻ, hỏi các vấn đề về phòng tránh nhiều. Sau này ông bà khỏi bệnh, con cháu về thăm cũng đã gặp gỡ biếu tôi ít quà quê, rất nhỏ thôi nhưng tôi vô cùng trân trọng tình cảm khi họ luôn nhớ đến mình. Rất may, tổ dân phố chúng tôi không có trường hợp nào tử vong do Covid-19", ông Hải bày tỏ.
Vị tổ dân phố cũng chia sẻ thêm, dịch Covid-19 là khoảng thời gian mọi người nhận rõ sự quan tâm từ tổ dân phố đến các cấp ban ngành, tổ chức xã hội… Người dân sống hoà thuận, gắn bó, đoàn kết với nhau. "Các phong trào hay nhiệm vụ gì chúng tôi đứng ra kêu gọi người dân ủng hộ ngay. Mình làm vì cái tâm, phục vụ lợi ích cho tất cả bà con, lối xóm", ông Hải bày tỏ.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, ông Hải nhớ lại, khuya một ngày giữa tháng 11 vừa qua, khi chuẩn bị đi ngủ, ông nhận được tin người dân báo nhóm cộng đồng cư dân mạng xã hội có người đăng tải thông tin với nội dung "Nổ súng ở trước sảnh chung cư HH1A Linh Đàm 3 người tử vong". Nhiều người chưa biết thực hư sự việc đã tỏ ra vô cùng hoang mang.
Ông Hải khẩn trương trực tiếp xuống xác minh kiểm tra thông tin và khẳng định nội dung trên hoàn toàn sai sự thật. Ngay sau đó, ông cũng đã đăng thông tin bác bỏ sự việc trên trên nhóm Zalo chung do phường lập và yêu cầu người đăng thông tin sai sự thật gỡ bài, cải chính.
"Qua xác minh của tôi, có tiếng nổ ở khu vực gần đó chứ không phải nổ súng nhiều người tử vong. May thông tin nhanh chóng được làm rõ, nếu không nhiều người chia sẻ lại sẽ ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và dư luận", ông Hải nói.
Câu chuyện mà ông Hải vừa chia sẻ cũng là minh chứng cho sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, Internet vừa qua. Bên cạnh những thông tin tích cực thì không ít thông tin xấu độc, sai sự thật, trái với đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước vẫn còn tồn tại.
Chính vì thế, tại cấp tổ dân phố, những người tổ trưởng như "cánh tay nối dài" của chính quyền đi sâu sát vào quần chúng nhân dân, tuyên truyền những mặt tích cực đồng thời để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình khi sử dụng mạng xã hội.
"UBND phường và công an phường đã chủ động lập nhóm Zalo, trong đó có tất cả thành viên của tổ dân phố, chi bộ, công an khu vực vào nhóm và thường xuyên cập nhật số điện thoại nóng. Khi có vấn đề gì, công an khu vực hay mọi người sẽ báo cáo gửi thông tin lên nhóm để phản ánh xử lý kịp thời", ông Hải nói.
Theo ông Hải, đơn cử như tháng 10 vừa qua, ngay tại dưới khu vực sân chung chung cư HH Linh Đàm có vụ việc nhóm người dân kéo loa thùng bật nhạc đám ma "quyết chiến" với nhóm người cao tuổi hát karaoke khiến dư luận xôn xao. Trước tình huống trên, sau khi nhận được tin báo của người dân, ông Hải đã nhanh chóng đăng tải lên nhóm Zalo của phường. Chỉ ít phút sau, công an cùng cán bộ phường xuống nhắc nhở chấn chỉnh tình trạng trên.
"Nếu không có thông báo kịp thời sợ rằng những vụ như trên dễ dẫn đến xô xát, ảnh hưởng đến tình hình chung, gây ảnh hưởng và hình ảnh không đẹp trong dư luận. ", ông Hải kể.
Vị tổ trưởng dân phố cho hay, nếu trước đây, người dân muốn phản ánh vụ việc gì đó liên quan đến an ninh trật tự phải tìm số gọi liên hệ với công an thì nay chỉ cần thông báo tới tổ dân phố mọi việc nhanh chóng được cập nhật và chính quyền địa phương nhanh chóng tiếp cận xử lý thông tin.
"Khi có vấn đề được báo đến, tổ dân phố chủ động liên hệ làm rõ xem có sự việc xảy ra như thế không, nghiêm trọng mức nào, mình tự xử lý được không. Nếu vượt quá thẩm quyền, tổ dân phố sẽ báo lên nhóm, công an khu vực hoặc công dân có thể liên hệ trực tiếp cho công an phường hoặc công an khu vực. Từ khi có nhóm này thông tin cập nhật nhanh hơn, tất cả vấn đề gì trong phường mọi người đều đưa vào, dù không phải địa bàn tổ mình nhưng nhiều người đều biết, nắm được. Từ đó thông tin cho người dân biết rõ hơn, đỡ hiểu sai vấn đề", ông Hải nêu.
Bên cạnh việc lập hội nhóm Zalo người dân nắm bắt thông tin rất thuận lợi. Tuy nhiên, theo ông Hải có nhiều người ở nơi khác đến thuê trọ, không khai tạm trú tạm vắng gây khó khăn trong công tác quản lý. Khi xảy ra sự cố chính đối tượng thành viên đó thì tổ dân phố không biết được họ là ai, ở đâu đến, đến từ bao giờ, họ đang làm gì?
"Trước vấn đề này, chúng tôi đề xuất trước để công tác quản lý, tuyên truyền được tốt hơn ngoài tổ dân phố, chính quyền địa phương thì công an thường xuyên có buổi sinh hoạt cùng bà con cư dân mỗi năm 2,3 lần để hướng dẫn người dân những cách thức, hoạt động xã hội. Việc làm này vừa để người dân học vừa gắn kết người dân với chính quyền địa phương sẽ gần gũi, thiện cảm hơn", ông Hải nêu quan điểm.
Còn nữa!