Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 6/12 (7h23 theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 77,306 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 83,275 USD/thùng.
Giá dầu hôm nay biến động chủ yếu do lo ngại nguồn cung dầu thô từ Nga bị gián đoạn sau khi EU thông báo áp trần giá với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với giá hiện đang được giao dịch trên thị trường.
Theo tính toán, việc áp trần giá đối với dầu thô Nga của EU và G7 có thể làm gián đoạn, giảm nguồn cung dầu khoảng 2,5 triệu thùng/ngày.
Trước đó, Nga cũng đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn về việc sẽ ngừng bán dầu cho các nước đồng thuận với việc áp trần đối với dầu thô của nước này.
Giá dầu ngày 6/12 còn được thúc đẩy bởi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi nước này thông báo về việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra kỳ vọng Fed giảm tốc tăng lãi suất sẽ giảm áp lực đối với các hoạt động kinh tế cũng hỗ trợ giá dầu thô đi lên.
Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu thô cũng bị kiềm chế bởi quyết định giữ nguyên mức sản lượng đã đề ra trong tháng 1/2023.
Giá dầu thô giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ hai (5/12) theo sau sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, vì dữ liệu ngành dịch vụ Mỹ dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục mạnh tay thắt chặt lãi suất.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 3,4% xuống 82,68 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,8% xuống 76,93 USD/thùng. Cả hai loại dầu đã tăng hơn 2 USD vào đầu phiên, trước khi đảo ngược hướng.
Tại cuộc họp ở Vienna, Áo, ngày 4/12, Bộ trưởng các nước thành viên OPEC+ đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu, sau khi G7 đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait khẳng định các quyết định của OPEC+ đều dựa trên dữ liệu thị trường dầu mỏ và nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường này.
Trước đó vào tháng 10, OPEC+ đã khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây khác quan ngại với quyết định cắt giảm sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu thế giới, có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023.
Tuy nhiên, quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC+, cùng với số liệu kinh tế còn yếu của Trung Quốc, có thể đảo ngược đà tăng giá dầu, giới phân tích ở Thượng Hải cho biết.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc hiện vẫn còn yếu, với xuất nhập khẩu giảm mạnh, phản ánh nhu cầu trong nước trì trệ và xu hướng suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới khiến việc thúc đẩy nhu cầu dầu thô là một khó khăn, thách thức. Với việc OPEC+ giữ nguyên sản lượng, nếu không có thêm các biện pháp cắt giảm sản lượng, giá dầu mới có thể giảm trở lại.
Hoạt động kinh doanh và sản xuất tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu, đã bị ảnh hưởng trong năm nay trong bối cảnh nước này áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19.
Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục đón nhận lực mua khi kỳ vọng về nhu cầu dần khởi sắc. Dầu thô nhiều khả năng sẽ giữ vững đà tăng khi các tin tức về dịch bệnh Trung Quốc dần tích cực hơn, trong khi yếu tố nguồn cung còn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã nới lỏng các yêu cầu xét nghiệm Covid trên khắp các thành phố lớn. Trung tâm tài chính Thượng Hải đã loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm PCR để ra vào các địa điểm công cộng ngoài trời như công viên hoặc việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng bắt đầu từ ngày hôm qua. Hàng loạt các trung tâm kinh tế khác như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Hàng Châu, Quảng Châu cũng đều được nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch. Nhu cầu đi lại tại Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trong giai đoạn này, sẽ là yếu tố thúc đẩy đối với giá dầu trong thời gian tới.
Trong khi đó, lệnh cấm vận dầu Nga vận chuyển bằng đường biển của EU và nhóm nước G7 chính thức có hiệu lực thì hôm 5/12. Các quốc gia này trong một nỗ lực làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga mà vẫn giữ được dòng chảy ổn định đã áp dụng mức giá trần 60 USD/thùng. Mức 60 USD/thùng sẽ cao hơn khoảng 10 USD so với gia dầu Urals hàng đầu của Nga, được vận chuyển từ các cảng phía Tây của đất nước, nhưng thấp hơn dầu ESPO được chất lên tàu chở dầu tại Kozmino ở châu Á.
Nguồn cung từ phía Nga sau lệnh trừng phạt vẫn sẽ còn là ẩn số, nhất là khi Nga cũng sẽ sẵn sàng đáp trả kể cả việc cắt giảm sản lượng. EU sẽ phải tìm kiếm sự thay thế tại các quốc gia khu vực Trung Đông hay Mỹ… Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu tại Mỹ đang gặp khó khăn, và một số công ty lớn nhất đang cảnh báo về sự sụt giảm trong tương lai do các mỏ dầu hoạt động quá mức và các giếng kém năng suất khó có thế đảm bảo nguồn cung.
Bên cạnh đó, OPEC+ cũng quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp vừa qua. Trong trường hợp nhu cầu phục hồi mạnh mẽ trên thị trường Trung Quốc, nguồn cung rủi ro như tại thời điểm này sẽ có thể thúc đẩy giá tăng mạnh.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/12, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/12.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu lần thứ nhất tháng 12, liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá xăng dầu giảm từ 832 đồng đến 1.588 đồng từ 15 giờ chiều ngày 1/12.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít; xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít; dầu diesel ở mức 700 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 500 đồng/kg. Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 6/12 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.679 đồng/lít (giảm 992 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 1.025 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 22.704 đồng/lít (giảm 1.083 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 23.213 đồng/lít (giảm 1.588 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 23.562 đồng/lít (giảm 1.078 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.953 đồng/kg (giảm 832 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Cũng theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022 và kỳ điều hành ngày 01/12/2022 là: 89,324 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 6,217 USD/thùng, tương đương giảm 6,51% so với kỳ trước); 93,965 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 7,235 USD/thùng, tương đương giảm 7,15% so với kỳ trước); 115,686 USD/thùng dầu hỏa (giảm 8,788 USD/thùng, tương đương giảm 7,06% so với kỳ trước); 117,690 USD/thùng dầu điêzen (giảm 14,763 USD/thùng, tương đương giảm 11,15% so với kỳ trước); 391,780 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 37,006 USD/thùng, tương đương 8,63% so với kỳ trước).
Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Công Thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng trở lại từ mức 89 USD leo lên 91 USD/thùng. Với việc nhiều nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới giảm sản lượng đã đẩy giá xăng dầu tăng trở lại. phiên giao dịch 5/12 giá dầu thô toàn cầu đã tăng trở lại lên gần vùng giá 90 USD/thùng. Giá dầu có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới và kéo dài sang quý I/2023 do thị trường EU vẫn có nhu cầu cao về dầu cho hoạt động sưởi ấm.
Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023 như năm 2022, áp dụng mức sàn trong biểu khung thuế.
Từ ngày 1/1/2024, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (xăng là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg). Để đảm bảo tính kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Bộ Tài chính vừa thông báo lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo lần 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023.
Bộ khẳng định Nghị quyết được ban hành nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô biến động phức tạp; góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao.