Giá xăng dầu hôm nay 5/12: Giá dầu đi lên, thị trường "nóng" với dầu Nga
Giá xăng dầu hôm nay 5/12: Giá dầu đi lên, thị trường tiếp tục "nóng" với dầu Nga
Nguyễn Phương
Thứ hai, ngày 05/12/2022 07:45 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 5/12: Giá xăng dầu đảo chiều tăng lên sau quyết định ngữ nguyên chính sách của OPEC+. Giá dầu WTI tăng lên hơn 81 USD/thùng, dầu Brent tiến lên hơn 87 USD/thùng.
Dù giảm 1,5% trong phiên cuối tuần 2/12, giá dầu Brent và WTI vẫn lần lượt tăng khoảng 2,5% và 5% trong cả tuần qua, chấm dứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 5/12 (theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 81,194 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 87,052 USD/thùng.
Sau cuộc họp trực tuyến ngày 4/12, nhóm 23 quốc gia bao gồm các thành viên OPEC và đồng minh (gọi tắt là OPEC+) đã quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày được thông qua hôm 5/10, tức là mới 2 tháng trước.
Tác động của đợt cắt giảm sản lượng này vẫn chưa được xác định rõ ràng do giá dầu biến động quá mạnh khi Liên minh châu Âu (EU) quyết tâm cấm vận dầu thô của Nga.
Việc giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng sẽ cho phép OPEC+ thêm thời gian để đánh giá tác động của mức giá trần 60 USD/thùng mà nhóm các nước phát triển G7 cũng như EU áp dụng với dầu thô của Nga.
Ngoài ra, các nước thành viên EU sẽ không mua, không nhập khẩu, không vận chuyển dầu thô và chế phẩm từ dầu thô của Nga tới EU cũng như tới nước thứ 3. Lệnh cấm với dầu thô có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 và với sản phẩm lọc dầu là từ 5/2/2023.
Nếu các nước ngoài EU mua dầu thô của Nga với giá từ 60 USD/thùng trở lên thì sẽ không nhận được các dịch vụ vận tải, bảo hiểm, tái bảo hiểm từ các doanh nghiệp EU. Các biện pháp trừng phạt này khiến cho hoạt động giao dịch dầu thô của Nga trở nên rất phức tạp, kể cả với những nước không tham gia vào thỏa thuận giá trần hay cấm nhập khẩu.
Một số quốc gia thành viên OPEC+ từng xem xét khả năng tăng sản lượng để lấp khoảng trống nguồn cung mà Nga để lại. Tuy nhiên giờ đây, các thành viên OPEC+ đang phải đối mặt với tình trạng giá dầu tụt dốc 13% trong 1 tháng qua.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 và Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất áp dụng mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga kể từ ngày 5/12.
Ngoài ra, các doanh nghiệp EU cũng sẽ không cung cấp dịch vụ vận tải, bảo hiểm, tái bảo hiểm cho bất cứ quốc gia nào trên thế giới mua dầu của Nga với giá lớn hơn hoặc bằng 60 USD/thùng.
Hôm 4/12, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực năng lượng của Nga, tuyên bố lệnh cấm vận của phương Tây đi ngược lại quy định về thương mại tự do và sẽ gây mất ổn định các thị trường năng lượng toàn cầu do nguồn cung thiếu hụt.
“Chúng tôi đang chuẩn bị các cơ chế để cấm việc áp dụng giá trần, bất kể mức trần là cao hay thấp, bởi vì sự can thiệp này sẽ chỉ gây mất ổn định thị trường”, Phó Thủ tướng Nga nói.
“Nga sẽ chỉ bán dầu và sản phẩm từ dầu tới những quốc gia hợp tác với chúng tôi theo cơ chế thị trường, cho dù Nga phải giảm sản lượng đôi chút cũng được”, Phó Thủ tướng Nga tuyên bố thêm.
Phó Thủ tướng Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ gây ra nhiều bất ổn trên thị trường nhiên liệu và có thể gây ảnh hưởng nhiều quốc gia ngoài Nga.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/12, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/12.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu lần thứ nhất tháng 12, liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá xăng dầu giảm từ 832 đồng đến 1.588 đồng từ 15 giờ chiều ngày 1/12.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít; xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít; dầu diesel ở mức 700 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 500 đồng/kg. Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 5/12 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.679 đồng/lít (giảm 992 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 1.025 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 22.704 đồng/lít (giảm 1.083 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 23.213 đồng/lít (giảm 1.588 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 23.562 đồng/lít (giảm 1.078 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.953 đồng/kg (giảm 832 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Cũng theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022 và kỳ điều hành ngày 01/12/2022 là: 89,324 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 6,217 USD/thùng, tương đương giảm 6,51% so với kỳ trước); 93,965 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 7,235 USD/thùng, tương đương giảm 7,15% so với kỳ trước); 115,686 USD/thùng dầu hỏa (giảm 8,788 USD/thùng, tương đương giảm 7,06% so với kỳ trước); 117,690 USD/thùng dầu điêzen (giảm 14,763 USD/thùng, tương đương giảm 11,15% so với kỳ trước); 391,780 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 37,006 USD/thùng, tương đương 8,63% so với kỳ trước).
Được biết, TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu còn 3 - 5 ngày/lần (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày.
Bên cạnh đó, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng, dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn lợi nhuận cho đại lý, cửa hàng bán lẻ một cách hợp lý, trong đó bảo đảm mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít.
Bộ Công Thương mới đây cũng đã họp với các đơn vị đầu mối nhằm đưa ra kịch bản về nguồn cung xăng dầu năm 2023, đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, cũng như góp ý bổ sung, sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra hai kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 nghìn m3, tấn; kịch bản 2, tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 nghìn m3, tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý, sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.
Bộ Tài chính cũng vừa xây dựng 4 kịch bản áp thuế bảo vệ môi trường (BVMT) theo biến động giá nhiên liệu thế giới trong năm 2023 mà không phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ này kiến nghị 4 mức thuế áp dụng trong năm sau đối với xăng dầu tương ứng với kịch bản giá dầu thô thế giới. Cụ thể, trường hợp giá dầu thô thế giới dưới 70 USD/thùng, thuế BVMT với xăng sẽ quay trở về mức 4.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít, dầu diesel 2.000 đồng/lít.
Đây cũng là mức thuế BVMT kịch khung trong biểu thuế suất BVMT với xăng dầu hiện nay. Trường hợp 2, giá dầu thô ở ngưỡng 70 - 80 USD/thùng, mức thuế suất BVMT với xăng, dầu và mỡ nhờn giảm 25% so với mức trần. Tức là, mỗi lít xăng sẽ chịu 3.000 đồng thuế BVMT, nhiên liệu bay 2.250 đồng; dầu diesel 1.500 đồng.
Trường hợp 3, nếu giá dầu thô thế giới 80 - 100 USD/thùng, thuế BVMT với xăng, dầu và mỡ nhờn còn một nửa so với quy định khung thuế: xăng là 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít… Trường hợp cuối cùng, khi giá dầu vọt trên mốc 100 USD/thùng, mức thuế BVMT áp dụng với xăng, nhiên liệu bay cùng là 1.000 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít...
Các chuyên gia cho rằng, chính sách thuế BVMT theo đề xuất của Bộ Tài chính cơ bản chỉ làm tăng giá xăng dầu. Điều này không có lợi cho cả người dân và nền kinh tế. Theo nhiều chuyên gia, nên bỏ hẳn thuế này để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nếu muốn tính, các Bộ ngành phải có nghiên cứu và chứng minh bằng cơ sở khoa học rõ ràng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.