Ngày 10/12, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 -2026, cử tri đề nghị các ngành chức năng làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng thoát nước tại các đô thị ở TP.Quy Nhơn, đặc biệt là phường Ghềnh Ráng.
Trả lời ý kiến cử tri, ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết có nhiều nguyên nhân xảy ra ngập nặng ở phường Ghềnh Ráng.
Thứ nhất, do thời gian qua xuất hiện một số trận mưa với cường độ quá lớn (ngày 11/10 là gần 200mm và ngày 20/11 gần 270mm), lượng nước tập trung về khu vực này nhanh quá trong thời gian ngắn 2-3h nên hệ thống thoát nước hiện trạng không đủ khả năng tiêu thoát gây ngập úng cho khu vực này.
Thứ hai, hệ thống thoát nước hiện trạng trong khu vực phường Ghềnh Ráng được đầu tư trong nhiều giai đoạn khác nhau, không có sự đồng bộ về tiết diện thoát nước. Các tuyến thoát nước chính như tuyến mương Bông Hồng, mương dọc đường đèo Quy Hòa, mương dọc đường Lê Công Miễn, hiện nay nhiều đoạn bị bồi lấp, người dân chiếm dụng để xây dựng cầu, nhà, trồng cây, để xe… làm thu hẹp dòng chảy.
Cống thoát nước qua đường Hàn Mặc Tử, 4 cống D2000 chỉ đủ khả năng thoát nước với trận mưa 30mm/h trong khoảng 3 giờ. Đây là điểm nút chính gây ra ngập khu vực này.
Thứ ba, công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước trong khu vực này chưa được quan tâm đúng mức; công tác duy trì hệ thống thoát nước trong khu vực chưa tốt, chưa kịp thời nạo vét để đảm bảo thoát nước trong mùa mưa bão.
Cuối cùng, ông Bảo cho rằng, các hồ điều hòa thuộc dự án chưa thi công hoàn thành theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt nên cũng góp phần làm tăng thêm độ ngập sâu.
Về giải pháp khắc phục, ông Trần Viết Bảo cho biết, đối với TP.Quy Nhơn sớm đầu tư xây dựng mới tuyến cống trên đường Chế Lan Viên nối dài; cải tạo, nâng cấp hệ thống mương Bông Hồng hiện trạng; cải tạo tuyến mương dọc đèo Quy Hòa; tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, làm thu hẹp dòng chảy của một số tuyến thoát nước để tăng khả năng thoát nước…
Lãnh đạo Sở Xây dựng đề nghị UBND TP.Quy Nhơn phải khẩn trương tổ chức thi công hoàn thành trước mùa mưa năm 2023. Cùng với đó, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị của thành phố kiểm tra, đánh giá hệ thống thoát nước hiện trạng để đề xuất kế hoạch nạo vét, đầu tư, cải tạo hệ thống hàng năm.
Về giải pháp thời gian tới, ông Trần Viết Bảo cho biết, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh giao Sở này chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND TP.Quy Nhơn và các cơ quan liên quan lập đề án nghiên cứu giải pháp chống ngập úng cho khu vực 3,4 phường Ghềnh Ráng và các khu vực lân cận.
Riêng đối với tuyến đường Xuân Diệu, ông Trần Viết Bảo cho hay, đây là khu vực thấp của TP.Quy Nhơn, khả năng thoát nước rất kém. Trong khi thiết kế của dự án vệ sinh môi trường thì nước không được đổ ra biển mà chuyển ngược, chảy theo đường Phan Chu Trinh đổ ra đầm Thị Nại. Do địa hình thấp cho nên độ dốc rất hạn chế, chính vì vậy khi có mưa thì khả năng thoát nước rất chậm.
Về giải pháp khắc phục, Sở đề nghị TP.Quy Nhơn tăng cường nạo vét hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó nghiên cứu mở thêm một số cửa để thoát nước mạch.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, quy hoạch xây dựng là trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng. Không nạo vét theo đúng quy định thì cần thanh kiểm tra để xử lý, trên đổ xuống thành phố, thành phố đổ xuống phường, phường đổ xuống tổ dân phố… còn dân thì chịu.
"Cử tri muốn hỏi Giám đốc sang năm hết ngập lụt hay không? Ở ngay cửa biển mà ngập lụt là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị, Giám đốc Sở hứa trước cử tri mùa mưa năm 2023, hết ngập không?", ông Hồ Quốc Dũng đặt vấn đề.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định giải pháp khắc phục.
Nếu được UBND tỉnh chấp nhận các đề xuất, ông Bảo cam kết đảm bảo trong năm 2023 mở rộng được mương cống qua đường khu vực Hoàng Gia, đây điểm ngặt, nếu các trận mưa như vừa rồi thì có thể sẽ không bị ngập úng. Còn lâu dài trận mưa lớn hơn, theo tính toán, cần mở rộng thêm và phải có dự án.
"Vấn đề chính liên quan đến kinh phí đầu tư, bản thân ngành xây dựng không trực tiếp đầu tư. Mà có thể giao cho Quy Nhơn triển khai, nếu được bố trí kinh phí đầu tư ngay theo diện khẩn cấp thì mới giải quyết được vào năm 2023. Nếu giao cho Quy Nhơn mà triển khai như vụ sạt lở núi vừa rồi thủ tục kéo dài, thì năm 2023 không thể hoàn thành giải quyết vấn đề thoát nước", ông Bảo nói.