Dân Việt

Lâm Đồng dự chi hơn 178 tỷ đưa nhà kính ra khỏi nội ô Đà Lạt và các huyện phụ cận

Văn Long 12/12/2022 11:36 GMT+7
Việc phát triển nhà kính ồ ạt đã tác động mạnh đến cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học, vì vậy ngành nông nghiệp Lâm Đồng dự kiến sẽ cần hơn 178 tỷ đồng để “quản lý nhà kính” trên địa bàn tỉnh.

Nhà kính phát triển ồ ạt

Ngày 12/12, ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã có tờ trình đề nghị ủy ban tỉnh phê duyệt đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đề án này được xây dựng trong bối cảnh công nghệ nhà kính được áp dụng tại tỉnh Lâm Đồng trong 18 năm qua phát triển một cách mạnh mẽ. Đến nay, diện tích nhà kính toàn tỉnh đạt 4.476 ha, trong đó TP.Đà Lạt là địa phương có diện tích nhà kính lớn nhất với hơn 2.500ha, chiếm 57% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh.

Hơn 178 tỷ đồng đưa nhà kính ra khỏi nội ô TP.Đà Lạt và các huyện lân cận - Ảnh 1.

Toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 4.000ha nhà kính, trong đó TP.Đà Lạt có diện tích lớn nhất với hơn 2.500ha. Ảnh: Văn Long.

Tuy nhiên, theo thống kê của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, diện tích nhà kính đơn giản do người dân tự lắp ráp bằng sắt, tầm vông chiếm diện tích lớn (khoảng 65,5% tổng diện tích), diện tích nhà kính hiện đại nhập khẩu chỉ chiếm 3,8%, còn lại là diện tích nhà kính được các doanh nghiệp, cơ sở trong nước tự sản xuất, lắp ráp.

Bên cạnh những hiệu quả, lợi ích kinh tế do việc ứng dụng nhà kính mang lại trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua việc phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu sự kiểm soát, lấn chiếm đất rừng, hành lang bảo vệ các công trình (giao thông, thủy lợi, khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, an ninh, quốc phòng...) đã ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị.

Hơn 178 tỷ đồng đưa nhà kính ra khỏi nội ô TP.Đà Lạt và các huyện lân cận - Ảnh 2.

Nhiều diện tích nhà kính được làm từ vật liệu là cây tầm vông không đạt chuẩn chiếm khoảng 65,5%. Ảnh: Văn Long.

"Sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã tác động xấu đến cảnh quan, môi trường; tính đa dạng sinh học bị hạn chế, thành phần nhiều loài thiên địch trong nhà kính giảm, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật sống trong tự nhiên. Tỷ lệ sử dụng nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao sẽ tạo dòng chảy lớn, gây lũ quét, làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm.

Hơn 178 tỷ đồng đưa nhà kính ra khỏi nội ô TP.Đà Lạt và các huyện lân cận - Ảnh 3.

Nhà kính xây dựng đã lâu, không đạt chuẩn sẽ tạo dòng chảy lớn, gây lũ quét, làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm. Ảnh: Văn Long.

Chính vì vậy, cần phải có giải pháp để quản lý và kiểm soát nhà kính trên địa bàn tỉnh. Khi Đề án "Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" được triển khai sẽ đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại", Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ.

Hướng đến không còn nhà kính trong nội ô

Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, đề án trên với mục tiêu giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận; chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Hơn 178 tỷ đồng đưa nhà kính ra khỏi nội ô TP.Đà Lạt và các huyện lân cận - Ảnh 4.

Nhà kính được xây dựng ngay bên cạnh những triền đồi thông trên địa bàn TP.Đà Lạt. Ảnh: Văn Long.

Cụ thể, cơ quan chức năng địa phương tỉnh Lâm Đồng sẽ rà soát, giải tỏa 100% nhà kính xây dựng trái quy định trên đất lâm nghiệp, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và nguồn nước, khu vực công trình an ninh, quốc phòng...

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, giảm 20% diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội ô, nội thị, khu dân cư (các phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12) trên địa bàn TP.Đà Lạt và các huyện lân cận so với thực trạng của năm 2022. Đến năm 2030, giảm dần và tiến tới không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt so với hiện trạng năm 2022.

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 178 tỷ đồng, gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng (chiếm 2,0%), kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 172,6 tỷ đồng (chiếm 96,5%).

Hơn 178 tỷ đồng đưa nhà kính ra khỏi nội ô TP.Đà Lạt và các huyện lân cận - Ảnh 5.

Một khu vực nhà kính dày đặc trên địa bàn phường 7, TP.Đà Lạt. Ảnh: Văn Long.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay chưa có quy định về quản lý xây dựng nhà kính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như quy định mật độ, quy cách xây dựng, thủ tục xây dựng.... vì vậy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý dẫn đến diện tích nhà kính phát triển còn tự phát, không hài hòa với cảnh quan, người dân chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế, chưa quan tâm đến cảnh quan, môi trường chung.

Đặc biệt, nhu cầu nguồn vốn xây dựng mới, cải tạo nhà kính đạt chuẩn để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chính sách riêng để hỗ trợ vay vốn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Nhà kính vẫn chưa được đánh giá, xác nhận là tài sản gắn liền với đất, do đó các tổ chức tín dụng không thể cho vay sản xuất nông nghiệp thông qua thế chấp nhà kính.