Miếu thờ vua Lê Thánh Tông ở một làng quê Phú Yên, 50 năm đã qua di tích vẫn là phế tích

Chủ nhật, ngày 11/12/2022 19:33 PM (GMT+7)
Miếu thờ vua Lê Thánh Tông nằm trong quần thể có ba di tích là: Miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Văn chỉ và Miếu Hội đồng được xây dựng cùng một địa điểm tại xóm Đùi (thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Bình luận 0

Trong đó, miếu thờ vua Lê Thánh Tông có giá trị lịch sử - văn hóa nổi bật. Tuy nhiên, hơn 50 năm đã qua, di tích này vẫn là phế tích.

 Dấu tích kiến trúc còn sót lại

Miếu thờ vua Lê Thánh Tông ở một làng quê Phú Yên, 50 năm đã qua di tích vẫn là phế tích - Ảnh 1.

Vách miếu thờ vua Lê Thánh Tông, xóm Đùi (thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) dây leo chằng chịt. Ảnh: HOÀI SƠN

Từ TP Tuy Hòa theo quốc lộ 1 về hướng bắc khoảng 40km, qua cầu Nhân Mỹ dọc bờ kè sông Vét đến ngã ba rẽ phải theo đường liên xã về hướng đông đến khu di tích Thành An Thổ, rẽ phải khoảng 1km là đến khu di tích Miếu thờ vua Lê Thánh Tông. 

Ba di tích nằm trên một trục thẳng đông - tây, quay mặt về hướng đông nam. Phía đông là miếu thờ vua Lê Thánh Tông, phía tây là miếu Hội đồng, chính giữa là di tích Văn chỉ.

Theo lời các bậc cao niên ở địa phương, khi xưa miếu thờ vua Lê Thánh Tông phía trước có bảng đề chữ Hán: Miếu vua Lê Thánh Tông. Dưới thời phong kiến, mỗi năm cúng hai lần theo lệ Xuân cúng, Thu tế. Khi cúng, triều đình Huế phái người đến chủ trì cúng tế rất long trọng. Năm 1881, Bố chánh Phú Yên Đinh Nho Quang viết câu đối trước miếu thờ vua Lê Thánh Tông:

 “Giang san khai thác hà niên, phụ lão tương truyền Hồng Đức sự

Trở đậu hinh hương thử địa thanh linh trường đối Thạch Bi cao”

Phạm Đình Khiêm dịch:

“Giang sơn khai thác năm nào, phụ lão còn truyền công Hồng Đức

Lễ kính hương thơm đất ấy, danh thiêng muôn thuở ngọn Đá Bia”.

Năm 1947, Pháp đánh vào An Thổ, miếu thờ vua Lê Thánh Tông bị bom đạn làm hư hại nặng. Năm 1957, Nhân dân quyên góp trùng tu lại miếu thờ. 

Năm 1966, quân Mỹ và Nam Triều Tiên càn vào làng An Thổ, miếu thờ vua Lê Thánh Tông một lần nữa bị đánh sập. Khảo sát di tích nhận thấy các khóm tre và cây dại bao phủ. Phía trước miếu có một án phong hình lục giác. 

Án phong này đã bị nứt, vỡ một số chỗ, để lộ lớp gạch, đá, xi măng bên trong. Xung quanh án phong cây dại mọc um tùm. Hiện tại miếu chỉ còn một đoạn bức vách dài 470cm, cao 210cm, dày 30cm nằm trên đất nhà ông Trần Sướng. Vách bị đứt gãy, mặt vách vỡ một số lỗ, để lộ lớp gạch, đá, xi măng bên trong, bên trên vách có dây thanh long, rễ cây dại bò chằng chịt.

Di tích Văn chỉ là nơi thờ đức Khổng Tử, nằm cạnh miếu thờ vua Lê Thánh Tông. Theo lời người dân địa phương, trước Cách mạng Tháng Tám các quan đầu tỉnh tổ chức cúng ở Văn chỉ hết sức linh đình. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân không còn tổ chức cúng tế. 

Năm 1970, Văn chỉ bị giặc đốt cháy và bắn sập. Hiện tại còn 3 bức vách bị sụp đổ một phần, lớp xi măng bên ngoài bong tróc để lộ lớp đá, gạch bên trong. Các bức vách được xây bằng đá và gạch thẻ, trên 3 bức vách dây thanh long và cây dại bao trùm. 

Hai bức vách hai bên có khoảng cách 860cm. Gần vách bên trái có 1 trụ xi măng, phần trên trụ bị gãy, dây leo xung quanh. Trên vách bên trái có một lỗ thủng đường kính 30cm, dấu tích vết đạn bắn của lính Mỹ. Trên nền đất di tích Văn chỉ có một số cây ổi, sầu đông, chùm ruột, cây gạo...

Cách nền đất khoảng 10m là án phong hình lục giác, xây gạch, xi măng. Phía trước án phong có 1 tháp búp sen, một phần búp sen bị vỡ, để lộ lớp đá và gạch bên trong. Hiện tại gia đình ông Trần Năm có sử dụng một phần đất của di tích Văn chỉ để xây công trình phụ.

Di tích Miếu Hội đồng nằm bên phải Văn chỉ, được tạo lập từ rất sớm. Quy mô nhỏ nhất trong khu di tích, tường trét đất, mái lợp tranh. Miếu Hội đồng thờ nhiều thần: Thành hoàng làng, tiền hiền, hậu hiền, những hương linh không còn thân nhân thờ phụng. Trước Cách mạng Tháng Tám, miếu thường tổ chức cúng Xuân và Thu. 

Ngày đầu tháng và ngày rằm nhân dân đến thắp hương khấn vái cầu an cho gia đạo và xóm làng. Trong hai cuộc kháng chiến, miếu bị bom đạn tàn phá không còn dấu tích. Hiện tại, hộ ông Đào Chí Vân sử dụng một phần đất của miếu để xây dựng các công trình phụ và nhà kho chứa công cụ sản xuất.

Miếu thờ vua Lê Thánh Tông ở một làng quê Phú Yên, 50 năm đã qua di tích vẫn là phế tích - Ảnh 4.

Ông Trần Năm bên bức tường sót lại của di tích Văn chỉ. Ảnh: HOÀI SƠN

Gợi mở hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích

Khu di tích Miếu thờ vua Lê Thánh Tông là chứng tích vật chất quan trọng ghi dấu quá trình hình thành và định cư của cộng đồng người Việt vùng hạ lưu sông Cái trong tiến trình lịch sử. 

Dù sót lại dấu tích kiến trúc, nhưng giá trị lịch sử, văn hóa tích tụ ở khu di tích luôn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Mặc dù khu di tích có giá trị lớn về lịch sử - văn hóa nhưng đã hơn 50 năm trôi qua, khu di tích này chưa được nghiên cứu, đánh giá đúng giá trị, tầm vóc của di sản. Vì tồn tại dưới dạng phế tích và công tác quản lý di tích còn nhiều bất cập nên người dân sinh sống trong khu vực có cơi nới, xâm lấn di tích ảnh hưởng đến các dấu tích kiến trúc còn sót lại. 

Vấn đề đặt ra là cần sớm có giải pháp kịp thời bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích, phục vụ lợi ích của cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương Vân, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát thực địa, xây dựng đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Miếu thờ vua Lê Thánh Tông trong năm 2022.

Trước khi chính thức có đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo Luật Di sản; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ khu di tích. 

Đồng thời, lực lượng chức năng sớm tiến hành lập hồ sơ lý lịch khoa học, bổ sung diện tích khoanh vùng bảo vệ khu di tích vào quy hoạch sử dụng đất của huyện; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Bên cạnh đó, địa phương cũng kịp thời đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo khu di tích và hạ tầng cơ sở, giao thông để khai thác giá trị di sản, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, gắn với phát triển du lịch về miền di sản.

Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê, trị vì từ năm 1460-1497. Ông nổi tiếng là bậc minh quân, là người đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Ông được xem là nhà văn hóa lớn, một người coi trọng hiền tài. 

Trong lúc trị vì, vua Lê Thánh Tông đã đề xuất nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Bộ Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê đã được hoàn thiện trong thời Lê Thánh Tông, nên còn được gọi là Luật Hồng Đức. 

Với bộ luật này, Đại Việt đã hình thành một Nhà nước pháp quyền sơ khởi và thuộc loại sớm nhất trên thế giới. Ngoài ra, ông đã có công lớn trong việc mở mang bờ cõi quốc gia Đại Việt về phương Nam.

Núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn, hai tên gọi này có nguồn gốc từ một truyền thuyết cho rằng vào năm Tân Mão 1471, vua Lê Thánh Tông thống lĩnh cuộc Nam chinh đánh thành Đồ Bàn để mở mang bờ cõi vào phía Nam. 

Vua Lê có đến núi Đá Bia và cho người khắc chữ vào khối đá lớn trên đầu non thuộc dãy Đèo Cả với mục đích phân định ranh giới giữa quốc gia Đại Việt và nước Chiêm Thành. 

Việc người dân Phú Yên lập miếu thờ vua Lê Thánh Tông tại xóm Đùi, thôn Long Uyên, xã An Dân và nhiều đường phố, trường học mang tên ông là biểu hiện rõ nhất lòng tôn kính đối với công lao to lớn của vị vua tiên phong mở đất về phương Nam vào cuối thế kỷ XV. Đây là cơ sở hình thành phủ Phú Yên vào năm 1611 trong cương vực quốc gia Đại Việt.

Nguyễn Hoài Sơn (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem