Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định như vậy tại buổi Tọa đàm "Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính", do Văn phòng Bộ NNPTNT phối hợp báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng 13/12/2022.
VASEP cho biết, năm 2022 là một năm có rất nhiều kỷ lục đối với ngành thủy sản như: Kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu dự kiến 11 tỷ USD sau 20 năm mở cửa thị trường quốc tế; kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD; cá tra đạt 2,4 tỷ USD, tăng trưởng kỷ lục 80% và cá ngừ chạm mốc 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong năm qua cũng có quá nhiều thách thức khi lạm phát cao đỉnh điểm 40 năm qua, làm giảm nhu cầu tiêu dùng, trong khi đó xung đột Nga – Ukraine khiến giá cước vận chuyển tăng cao, làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của ngành thủy sản. Cùng với đó, đồng ngoại tệ ở nhiều nước yếu hơn đô la Mỹ đã hạn chế việc nhập khẩu, ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thủy sản đã linh hoạt thay đổi thị trường, đa dạng sản phẩm để phù hợp với nguồn cung trong nước. Ví dụ như tôm nguyên liệu khó khăn, các doanh nghiệp đã tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng để xuất khẩu vào những thị trường có giá cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Về biến động tiền tệ, các doanh nghiệp lựa chọn thị trường ít biến động hơn như Mexico, qua đó biến thách thức thành cơ hội.
Bà Lê Hằng cho biết, trong năm 2022, chúng ta đã tận dụng tốt 5 cơ hội: Thứ nhất nhu cầu các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Trung Quốc… phục hồi mạnh. Thứ hai, nguồn cung nhiều nước gián đoạn, hồi phục chậm trong khi nước ta phục hồi tốt. Thứ ba, lượng hàng tồn kho cao, đặc biệt nửa đầu năm. Thứ tư, sự trở lại sôi động của các chương trình xúc tiến thương mại sang EU, Mỹ, Hội chợ Vietfish 2022, thu hút 10.000 khách trong nước và quốc tế tham dự.
Thứ năm, chúng ta có lợi thế về giá, đặc biệt cá tra có lợi thế 50% về giá và được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Còn nhớ từ năm 2020, một số chuyên gia thương mại đã dự báo, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra sang thị trường Trung Quốc có thể bật tăng trở lại sau dịch Covid-19. Do đó, cần sẵn sàng nguồn hàng. Và các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt điều này.
Mặc dù xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục trong năm 2022 nhưng vài tháng gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu sụt giảm.
Về vấn đề này, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông VASEP nhận định: Những yếu tố về mặt cơ hội, thuận lợi như tôi đã đề cập là những yếu tố tạm thời của giai đoạn ngắn năm 2022. Thành tích mà doanh nghiệp thuỷ sản đạt được là cả quá trình rất dài, hơn 20 năm thâm nhập và chinh phục thị trường.
Từ đó chúng ta có được những chứng nhận của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như uy tín, thương hiệu của thuỷ sản Việt Nam tại các thị trường khó tính, đơn cử như EU.
Đến nay, chúng ta có gần 1.000 doanh nghiệp đã có mã EU code tại thị trường EU. Đây là chứng chỉ lớn để chúng ta thâm nhập và chinh phục các thị trường khác, bởi EU là thị trường khó tính nhất. Đó cũng là thành tích để khẳng định thương hiệu thuỷ sản Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Lê Hằng cũng chỉ rõ, về mặt lâu dài, chúng ta sẽ còn gặp khó khăn tại nhiều thị trường nữa. Ví dụ thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, mà sẽ là thị trường khó tính và ngày càng khó hơn nữa. Họ sẽ có những quy định và thậm chí thay đổi rất bất ngờ đối với doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.
VASEP cho rằng, diễn biến thị trường Trung Quốc trong thời gian tới khó đoán và phụ thuộc đáng kể vào việc Trung Quốc có điều chỉnh chính sách kiểm soát zero Covid hay không và hướng điều chỉnh như thế nào.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cũng xác định Trung Quốc là thị trường rộng lớn, nhu cầu cao, tiềm năng trong giai đoạn tới khi mà thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… sẽ có những khó khăn hơn.
Do đó, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam sẽ phải có những thay đổi về quan điểm, tâm thế, tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, tiếp cận một cách chi tiết hơn tới từng phân khúc của các thị trường địa phương tại Trung Quốc.
"Chúng tôi xác định đây vừa là cơ hội vừa là thách thức trong thời gian tới. Mới đây, chúng tôi đã vinh danh 30 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, chia thành 3 nhóm với 10 doanh nghiệp xuất khẩu tôm tiêu biểu, 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tiêu biểu và 10 doanh nghiệp xuất khẩu hải sản tiêu biểu. Đây đều là các doanh nghiệp trong nước, có năng lực sản xuất, chế biến và xuất khẩu mạnh từ nhiều năm qua" - bà Hằng nói.
Đại diện VASEP cho biết thêm: Trong số top 30 doanh nghiệp hàng đầu, chúng tôi đã cơ cấu các đơn vị có sản phẩm xuất khẩu lớn, như về tôm hùm, cá cơm, cá nục, cá hồi. Đáng chú ý, cá hồi là sản phẩm điển hình nhập khẩu về và gia công, mở ra xu hướng mới khi nguồn lợi khai thác cạn kiện. Xu hướng của chúng ta là phải giảm khai thác và tăng nuôi trồng.
Trong tương lai, bà Hằng nhấn mạnh các doanh nghiệp thủy sản sẽ phải tăng chế biến sâu và chế biến sản phẩm cho các nước khác, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản của thế giới.
Trung Quốc - điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp cá tra Việt Nam
Tính đến hết cuối tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hongkong đạt giá trị 675 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy còn bị hạn chế vì Covid, nhưng đây vẫn là điểm đến tiềm năng của nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam.
Sản phẩm cá tra của Việt Nam được NK vào Trung Quốc qua 24 cảng/cửa khẩu của nước này. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Quảng Đông, chiếm 29-30%, Thiên Tân khoảng 12%, Sơn Đông 12%, Thượng Hải 11%. Tiếp đến là Trạm Giang 105, Bắc Kinh 9%, Phúc Kiến 8% và Quảng Tây, Hồ Bắc, Liêu Ninh, Giang Tô…
Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gồm Công ty TNHH Đại Thành, Công ty CP Thủy sản Trường Giang, Công ty Cổ Phần Đầu tư Và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I, Công ty CP Chế biến và XNK Thủy sản Cadovimex II và Công ty Cổ phần Gò Đàng.