Anh Vũ Thanh Bình chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi một số loài thú rừng như nuôi con don, nuôi con dúi, nuôi cầy hương ở trang trại của gia đình anh tại xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. (Clip: Hà Thanh).
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Bình cho biết, trước đây, gia đình anh kinh doanh chuỗi nhà hàng chuyên về đặc sản đồ rừng. Sau khi nghỉ công việc kinh doanh, anh chuyển qua làm công việc khác một thời gian. Tuy nhiên do niềm đam mê với các loại thú rừng, anh đã quyết định quay lại phát triển mô hình chăn nuôi loài vật này.
Ban đầu anh bắt tay vào nuôi dúi và cầy hương. Bắt đầu từ năm 2021 anh đầu tư thêm mô hình nuôi don mang lại thu nhập tương đối cao. Nhận thấy con don tương đối dễ nuôi mà thị trường tiêu thụ lại lớn, dễ bán, do đó anh Bình đã đầu tư chăn nuôi thương phẩm và bán con giống.
Hiện trang trại của anh có khoảng gần 200 con don, trong đó don bố mẹ chiếm 50% số lượng. Anh còn có một chi nhánh trang trại khác ở Thanh Hóa và đang nuôi hơn 100 con don. Thời điểm nuôi nhiều nhất, gia đình anh nuôi khoảng 400 con.
Theo anh Bình, khó khăn lớn nhất khi nuôi thú rừng là không hiểu biết về đặc tính của nó. Do vậy, muốn chăn nuôi loài động vật này cần có sự kiên trì, bền bỉ. Nếu hễ gặp khó khăn mà chán nản thì rất dễ bỏ cuộc.
Anh Bình chia sẻ, con don giống được anh mua từ các trang trại trên vùng núi về nuôi và thuần hóa dần.
Để con vật khỏe mạnh, việc quan trọng nhất là chọn lựa được giống tốt ngay từ ban đầu.
Với kinh nghiệm nuôi dúi và nuôi cầy hương trước đó, anh từ từ trau dồi thêm kiến thức và thuần thục việc nuôi don.
Con don có ưu điểm là dễ nuôi và rất hiếm khi bị bệnh do sức đề kháng tốt. Thỉnh thoảng, chúng mắc bệnh đường ruột do thay đổi nguồn thức ăn, độ ẩm không phù hợp.
Thức ăn của con don khá đa dạng và dễ kiếm, chủ yếu là các loại rau, củ, quả trong tự nhiên. Tuy nhiên cần phải cho chúng làm quen dần dần với các loại thức ăn khác để có thể thích nghi với môi trường mới và cũng để giảm chi phí.
Thông thường, buổi sáng anh Bình cho don ăn các loại rau, củ quả, còn đến chiều anh đổi sang cho ăn cơm, ăn cháo.
Bên cạnh việc lựa chọn thức ăn phù hợp, việc thiết kế chuồng trại nuôi don cũng cần đảm bảo phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng vì chúng là loài thú rừng. Do đó chuồng nuôi don cần kín, mát về mùa hè và ấm về mùa đông, nhiệt độ thích hợp nhất cho con don phát triển là từ 20 – 32oC.
Hiện tại, anh Bình đang sử dụng 2 loại chuồng để nuôi don là chuồng bệt và chuồng sàn trên cao bằng lưới sắt.
Sau một thời gian nuôi, don bắt đầu sinh sản. Don là loài động vật sinh sản theo mùa. Cứ hết mùa nóng là don bắt đầu được ghép đôi để phối giống.
Có hai hình thức ghép đôi, nếu nuôi chuồng sàn cao thì ghép 1 đực, 1 cái, còn với chuồng bệt thì có thế ghép bầy đàn. Tuy nhiên để don có thể phối giống thì cần giúp chúng thích nghi với môi trường xung quanh. Đối với loài vật này, có khoảng 40% sẽ không phối giống và sinh sản.
Thời gian sinh sản của don chủ yếu vào mùa xuân. Trung bình mỗi con mẹ sẽ sinh sản từ 1 – 2 con với thời gian mang thai khoảng 2 tháng. Ngay sau khi sinh sản là don con đã có thể theo mẹ đi lại bình thường.
Khác với các loại thú rừng khác, sau khi don mang thai không cần phải tách con bố với con mẹ. Tùy theo từng người nuôi, có thể tách mẹ ngay khi don vừa sinh xong hoặc cũng có thể nuôi đến khi don con đạt trọng lượng từ 0,6 – 0,7kg mới tách.
Thông thường đối với don giống, thời gian nuôi kéo dài khoảng 4,5 – 5 tháng, lúc này don đạt trọng lượng khoảng 1,5kg/con.
Còn đối với don sinh sản, thời gian nuôi sẽ kéo dài từ 10 – 12 tháng, khi đó don đạt trọng lượng trung bình khoảng 2,7 - 3kg/con.
Hiện, don giống đang được anh Bình bán với giá dao động từ 7 – 16 triệu đồng/cặp tùy theo trọng lượng.
Ngoài nuôi don, hiện nay anh Bình còn nuôi cầy hương và dúi. Hiện dúi bố mẹ đang được anh Bình bán với giá dao động từ 1,2 - 10 triệu đồng/cặp tùy từng trọng lượng và chủng loại khác nhau.
Để liên kết và phát triển mô hình chăn nuôi thú rừng này, đầu năm 2021, anh Bình đã thành lập HTX Nhân giống và bảo tồn động vật Thái Nguyên với 8 thành viên tham gia.
Với mô hình nuôi thú rừng như hiện nay, anh Bình có lợi nhuận kinh tế cao hơn hẳn một số mô hình chăn nuôi khác.