Lãnh đạo tỉnh quyết liệt về tận nơi chỉ đạo, sau 4 năm "dẹp" không xong "chiếm đất công, xây không phép"
Tháng 3/2019, khi tình trạng lấn chiếm đất công trở nên "nóng bỏng" tại khu kinh tế Nhơn Hội, đích thân lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định tổ chức nhiều cuộc họp, trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cưỡng chế, xử lý công trình không phép, lấn chiếm đất công, kèm những phát ngôn đầy "quyết liệt, mạnh mẽ", PV Dân Việt cùng đi chuyến đi này.
Thế nhưng, báo cáo mà Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định Đặng Vĩnh Sơn gửi đến kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII (diễn ra từ ngày 8-10/12), kết quả sau gần 4 năm khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Theo báo cáo này, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định nhận 1 phần trách nhiệm trong công tác phối hợp với các địa phương dẫn đến xảy ra nhiều trường hợp, lấn chiếm cất nhà trái phép trên địa bàn khu kinh tế vừa qua.
Từ năm 2018, khi các dự án trên địa bàn khu kinh tế Nhơn Hội đi vào xây dựng và hoạt động, tình trạng mua bán, lấn chiếm và xây dựng trái phép trên địa bàn, đã diễn ra rất phức tạp.
Cơ quan này phối hợp với các địa phương vận động tháo dỡ, cưỡng chế tháo dỡ được 95 trường hợp vi phạm.
Thế nhưng, hiện nay khu kinh tế Nhơn Hội vẫn còn 53 trường hợp vi phạm, chưa được xử lý dứt điểm.
Trong đó, địa bàn xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) còn 22 trường hợp vi phạm nằm xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu, nguồn gốc đất chủ yếu là đất lấn chiếm, nhận chuyển nhượng từ đất lấn chiếm, trước năm 2004.
Tại thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) còn 20 trường hợp vi phạm (trong đó 19 trường hợp tồn tại trước tháng 9/2022 và 1 trường hợp phát sinh mới). Tại xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) còn 10 trường hợp vi phạm chưa thực hiện cưỡng chế.
Thậm chí, tại xã Nhơn Hội (TP.Quy Nhơn) tồn tại 1 trường hợp vi phạm, chính quyền xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế lần thứ 4 nhưng không thành.
Ông Đặng Vĩnh Sơn cho rằng, công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định của các địa phương có mặt còn lỏng lẻo, thiếu quyết liệt, chậm phát hiện vi phạm, xử lý chưa kịp thời các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép tại khu kinh tế Nhơn Hội.
Việc phối hợp giữa Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định và các địa phương trong phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm còn nhiều hạn chế.
Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, thời gian đến đơn vị này sẽ phối hợp với UBND TP.Quy Nhơn và UBND các huyện Phù Cát, Tuy Phước, xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép còn lại trên địa bàn khu kinh tế Nhơn Hội (53 trường hợp).
Phối hợp quy chế để kiểm tra, phát hiện, xử lý xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai trên địa bàn, khi phát hiện vi phạm sẽ đề nghị UBND tỉnh Bình Định xác định trách nhiệm và xử lý cụ thể đối với vụ việc.
"Phấn đấu trong năm 2023, không để phát sinh trường hợp vi phạm mới và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm mới phát hiện trong năm 2022...", ông Đặng Vĩnh Sơn hứa.
Theo thống kê sơ bộ, thời gian qua toàn huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có gần 100 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép. Lãnh đạo huyện đã yêu cầu chính quyền các xã chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Lãnh đạo UBND huyện Phù Cát thẳng thắng thừa nhận, việc xây dựng các công trình trái phép diễn ra trong thời gian dài, có sự buông lỏng của chính quyền địa phương.
"Xâm chiếm, sử dụng đất đai không đúng mục đích phải thừa nhận, anh em ở cấp xã buông lỏng quản lý. Nổi lên một số trường hợp, một số người thấy đường sá giờ tốt rồi nên muốn xí phần đất, trong đó có những trường hợp xây cất nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Về nguyên tắc là phải tháo dỡ, trả lại hiện trạng", vị này nói.
Theo Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định Lê Văn Tùng, qua kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất đai của các dự án dọc tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu, phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn), có 47 trường hợp sử dụng đất vi phạm lấn chiếm đất, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép, các trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.Quy Nhơn.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Ghềnh Ráng lại giải thích rằng, do vị trí rừng bị lấn chiếm xây dựng ở trên núi cao, xa khuất, lực lượng của phường mỏng nên người dân lợi dụng, lén lút xây dựng trái phép, cán bộ không kịp thời phát hiện, xử lý?.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, Sở TNMT, chính quyền địa phương và các cơ quan có trách nhiệm, cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng nổi cộm về lấn chiếm đất, xây nhà trái phép, không để tái diễn gây bức xúc cho người dân.