Vẻ đẹp thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Thế Vĩnh.
Rời thành phố Cao Bằng với chiếc xe du lịch, chúng tôi đi theo kiểu vãn cảnh thiên nhiên nên thoải mái dừng chân tại những điểm có phong cảnh hấp dẫn. Bởi khá lâu không vào vùng quê này nên chúng tôi bắt gặp cảnh làng quê đổi thay đến ngỡ ngàng.
Điểm dừng chân đầu tiên là khu vườn trồng nho Úc ở xóm Pác Rao, xã Đức Hồng. Đây có thể được coi là một mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có tính thí nghiệm ứng dụng loại cây cho hiệu quả kinh tế cao mang tầm khảo nghiệm cả về thổ nhưỡng và vùng khí hậu lạnh, qua đó có thể mở quy mô đầu tư phát triển trên diện rộng. Anh Hoàng Duy Tình, Giám đốc doanh nghiệp này đưa tôi trực tiếp đi thăm vườn nho với diện tích gần 2 ha đang độ quả chín:
- Chúng tôi thuê đất của người dân để triển khai dự án này trồng một số loại cây dược liệu như: gừng, Bạch cập, Sơn đậu căn và giống nho không hạt do Úc chuyển giao công nghệ. Các anh có thể tận mắt thấy năng suất, chất lượng. Vừa giới thiệu, anh vừa tiện tay hái luôn chùm nho chín mọng cho lên miệng nếm - Anh cứ nếm thử, đây là loại cây chúng tôi chăm sóc toàn phân sinh học, không hề có hại cho sức khỏe.
Nếm những quả nho chín mọng không hạt. Tôi cảm nhận cả vị ngọt chắt chiu từ lòng đất và cả lòng người miền Đông. Ngắm vườn nho rộng mênh mông với những chùm quả trĩu nặng dày đặc trên giàn chỉ có độ cao ngang ngực rất dễ cho việc thu hái mà tôi lại băn khoăn: liệu với lượng sản phẩm lớn mang tính thời vụ như vậy thì việc tiêu thụ được tính ra sao. Trong khi vụ nho lại trùng với nhiều loại hoa quả khác thì vấn đề giữ được giá và tiêu thụ hết sản phẩm không phải là bài toán dễ. Như hiểu được điều băn khoăn của tôi, Tình bảo:
- Hiện giờ đã có cả doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá ổn định.
Ngắm những giàn nho có cô gái chăm sóc, tôi hỏi: Đấy là công nhân của doanh nghiệp mình đấy à?
- Những người chăm sóc cho vườn cây đều là bà con ở địa phương. Hiện chúng tôi duy trì khoảng năm mươi nhân công được tập huấn kỹ năng chăm sóc từng loại cây. Chúng tôi trả mỗi ngày công hai trăm nghìn. Công việc nhẹ nhàng, được làm gần nhà nên tâm lý chung là bà con đều yêu thích và có trách nhiệm cao trước công việc.
Mục đích của chúng tôi đầu tư trồng cây dược liệu và cây nho không hạt là thử nghiệm để mở hướng phát triển diện rộng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua đó từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm nhằm thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp.
Rời vườn nho sai quả đang hứa hẹn nhiều khởi sắc, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đến bên dòng sông Quây Sơn trong xanh chảy giữa cánh đồng, chúng tôi dừng lại để tận hưởng phong cảnh sơn thủy hữu tình của những vùng quê như được đổi mới từng ngày.
Dòng sông Quây Sơn như món quà của thiên nhiên ban tặng cho huyện miền Đông này. Sông bắt nguồn từ bên Trung Quốc, chảy vào nước ta ở khu vực cửa khẩu Pò Peo. Sông chảy qua huyện Trùng Khánh, Hạ Lang rồi lại sang Trung Quốc tại khu vực Cửa khẩu Lý Vạn. Bên lưu vực sông Quây Sơn không chỉ là những bản làng trù phú với những cánh đồng phì nhiêu và rừng cây dẻ đặc sản mà dưới lòng đất còn có nhiều quặng quý, trong rừng sâu có nhiều loại thú nằm trong sách Đỏ đang có dự án bảo vệ. Câu nói "địa linh nhân kiệt" thật quá đúng.
Ở vùng đất Trùng Khánh có tới bảy cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, trong đó có anh La Văn Cầu; 4 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam rất nổi tiếng với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Y Phương, Cao Duy Sơn. Có tới 9 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, trong đó có Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Bành Khìu. Tôi nghĩ đó không phải ngẫu nhiên mà có.
Dòng sông Quây Sơn chảy vào Trùng Khánh không chỉ tạo cảnh đẹp, là dòng nước mát cho tuổi thơ tắm trong những ngày hè và cung cấp nguồn nước tưới cho nông nghiệp mà còn cho cả nguồn điện sáng. Đó là Nhà máy Thuỷ điện Thoong Gót và Nhà máy Thủy điện Bản Rạ.
Chúng tôi đến Bản Rạ khi trời đã đổ nắng chiều. Tần ngần đứng ngắm nhà máy thủy điện do doanh nghiệp tư nhân đầu tư càng hiểu thêm về lĩnh vực kinh tế tư nhân nếu biết tận dụng và khai thác cũng mang lại hiệu quả lớn cho xã hội. Đây được coi là nhà máy thủy điện lớn của tỉnh với 3 tổ máy có tổng công suất 18 MW. Chuyện về xây dựng nhà máy thủy điện lại gợi cho tôi nhớ về những kỹ thuật viên người Việt đã làm cho cả chuyên gia lắp máy Trung Quốc phải kiêng nể. Đó là kỹ thuật viên Lý Văn Kiên.
Tôi nhớ hôm gặp vị chuyên gia người Trung Quốc Chu Đức Sương, phụ trách tổ lắp máy là thợ lành nghề đã từng làm tổng giám đốc nhà máy tỏ ra thán phục khả năng chuyên môn của Kiên. Không những ông Sương mà cả những chuyên gia lắp máy kỳ cựu kinh nghiệm cũng tỏ ra kính nể kỹ thuật viên người Việt này. Kỳ tích đầu tiên là Kiên tổ chức xây lắp thành công với chất lượng cao 41 km đường dây tải điện 110KV từ nhà máy về tận Quảng Uyên.
Sau đó, Kiên lại ứng dụng sáng kiến chỉ dùng 2 Pa lăng cùng 5 công nhân để di chuyển 270 tấn thiết bị trong đó có ba bộ RoTo phát điện, trọng lượng mỗi bộ 35 tấn đưa an toàn về nhà máy. Tiếp theo là lắp đặt hệ thống cẩu nâng để phục vụ đưa máy phát điện vào lắp đặt và hiệu chỉnh. Riêng vụ khắc phục sự cố khớp nối đường ống áp lực cấp nước cho tua bin tổ máy số 2 bị lệch mà theo các chuyên gia thì phải phá toàn bộ bê tông để làm lại, trong khi đó Kiên nghiên cứu và áp dụng đệm gioăng cao su vào khớp nối mà qua vận hành thử các chuyên gia đánh giá chất lượng vẫn bảo đảm an toàn.
Tiếp nữa là chuyện khắc phục sự cố bộ lọc cấp nước làm mát máy bằng hệ thống tự động bị liệt do độ ẩm cao làm phần mềm POC không hoạt động. Kiên đã ứng dụng chức năng cân bằng để xử lý thải rác cho máy bằng tay và điều khiển từ xa. Việc lắp máy thuộc trách nhiệm của các chuyên gia nhưng quá trình làm việc, chính các chuyên gia gặp phải những sự cố kỹ thuật mà cả những kỹ sư lành nghề cũng bó tay.
Ví dụ như để lắp khớp nối trục máy phát với tua bin, trên mỗi tổ máy phải lắp 12 chi tiết dạng như đinh ốc để siết chặt khít gần như tuyệt đối giữa trục máy phát với tua bin mà những chi tiết kiểu đinh ốc đó to bằng cả bắp tay với độ dài gần 30 cm và độ khít chính xác bằng 1/16 sợi tóc. Chuyên gia loay hoay không đóng nổi một chi tiết máy, thấy vậy Kiên xin được làm thử sau bốn ngày.
Đúng hẹn, Kiên đem chi tiết máy ra thao tác lắp trước sự chứng kiến của các chuyên gia. Thấy Kiên lắp chi tiết khớp nối dễ dàng, các chuyên gia tỏ ra rất thán phục mà vẫn chưa hiểu tại sao anh làm được dễ như vậy. Sau khi lắp xong, Kiên thuyết trình cho các chuyên gia hiểu: Vì máy được chế tạo ở tận Nam Ninh (Trung Quốc), nơi có khí hậu lạnh hơn mà chi tiết máy đòi hỏi độ chính xác cao, khi sang Việt Nam các chi tiết bị giãn nở do thời tiết nên anh đã đưa những chiếc đinh khổng lồ đó vào ngăn đá tủ lạnh bốn ngày cho co lại đủ để chi tiết máy xuyên qua lỗ khít. Sáng kiến của Kiên được các chuyên gia áp dụng ngay, chi tiết máy được gửi vào tủ lạnh của nhà dân rồi đưa ra lắp dễ dàng.
Đến thác Bản Giốc, nơi được coi là tiên cảnh thiên nhiên ban tặng. Những chiếc mảng chở khách du lịch tấp nập nối nhau ngược dòng Quây Sơn vào tận chân thác. Bên kia sông là lãnh thổ Trung Quốc có độ dốc tức và hiểm trở, không được bằng phẳng thuận lợi như bên ta nhưng khách du lịch của họ đông hơn. Có lẽ do bên họ quảng bá tốt các dịch vụ để thu hút khách.
Chuyện tạo hóa cho quê hương Trùng Khánh dòng sông Quây Sơn như con rồng thiêng uốn lượn và những người con của vùng quê “địa linh nhân kiệt" biết khai thác tiềm năng của thiên nhiên ban tặng hẳn sẽ là đề tài để các nghệ sĩ khám phá. Như một sự trả ơn cho quê hương biết trân trọng, bảo tồn và nâng cao giá trị phong cảnh thiên nhiên, trước khi rời Trùng Khánh, dòng Quây Sơn đã tạo nên dòng thác kỳ vĩ mà âm vang cứ ngân nga như tiếng sli, tiếng lượn ngọt ngào, mộng mị của những đôi trai gái trong dịp lễ hội.
Khu du lịch Sài Gòn Tourist Group nhộn nhịp với đoàn khách từ Quảng Ninh với cả trăm thành viên đã chiếm hết các phòng nghỉ. Các nhân viên phải căng mình phục vụ khách. Giám đốc Công ty Huỳnh Công Hải tiếp chuyện tôi tại phòng khách, vui vẻ nói: Ngày cuối tuần thường thế anh ạ. Nghề phục vụ khách du lịch mãi cũng thành quen. Lúc nhiều khách, phải làm mệt lại vui, khi ít khách nhàn nhã lại buồn.
Được biết cơ sở này do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn khởi công xây dựng từ năm 2014 với dự án khách sạn 4 sao gồm 60 phòng ngủ nhìn trực diện ra thác và 24 khối bungalows, nhà hàng, khu hội nghị, hội thảo, vui chơi giải trí, spa, cùng các khu vực cắm trại, sinh hoạt trên diện tích 31 ha.
Từ khi có khu du lịch này đã có nhiều khách lưu lại để tận hưởng âm vang tiếng thác reo và cảnh lung linh, huyền ảo của giàn ánh sáng đủ màu sắc từ hệ thống cầu kính được lắp đặt trên vách núi đá cao bên lãnh thổ Trung Quốc. Công ty du lịch hoàn thành giai đoạn 1 đã tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 43 công nhân viên là người Cao Bằng, trong đó 80% là ở xã Đàm Thủy.
Thấy Hải là người có nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, tôi hỏi thêm:
- Ở đây có nhiều khách quốc tế không?
- Có! Vì chúng tôi có đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình, chu đáo, có thể phục vụ các món ăn mang bản sắc địa phương và cả nhu cầu của khách phương Tây. Khách quốc tế nhiều nhất là người Thái Lan. Khách châu Âu chủ yếu đến từ Pháp, Đức, Bỉ…
Một chuyến đi mang tính trải nghiệm thực sự bổ ích. Tôi hiểu thêm những dự án được đầu tư nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thấy được sự đầu tư từ phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói đem lại hiệu quả kinh tế cao có tác động tích cực đến cuộc sống của người dân địa phương.
Khi đang viết câu chuyện này thì nhận được điện thoại của giám đốc Huỳnh Công Hải thông báo: Bản Giốc đang có nắng đẹp, hàng cây đào bên đường xuống thác đã nở hoa rực rỡ… Cứ mỗi lần về bên thác ngày nắng, tôi lại choáng ngợp trước cảnh đẹp mê hồn trong ánh hào quang như cầu vồng do nắng xiên qua đám bụi nước của dòng thác từ trên trời rơi xuống. Nếu một ngày không xa, trên khu chợ Co Muông được phép mở cửa khẩu thông thương với nước bạn, hẳn là Bản Giốc sẽ còn thu hút nhiều khách hơn và diện mạo vùng quê bên dòng Quây Sơn ngày càng đổi mới.