Chiều ngày 27/11, ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Hội nghị "Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân, hợp tác xã năm 2022" với chủ đề "Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng thị trường tiêu thụ".
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Văn Mười cho biết: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, Đảng ta luôn quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của người nông dân.
Sau 20 thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể, 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì vậy, tại hội nghị ngày hôm nay, lãnh đạo đại diện các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP.Gia Nghĩa cần lắng nghe, chia sẻ, trực tiếp trao đổi thẳng thắn, giải đáp đầy đủ những vấn đề nông dân, HTX nêu ra tại hội nghị".
Tại hội nghị, các câu hỏi về tín dụng và thị trường tiêu thụ nông sản được đông đảo người dân, doanh nghiệp, HTX quan tâm.
Chị Nông Thị Hiển - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Dong (huyện Cư Jút) đặt câu hỏi: "Hiện nay, nông dân, HTX trong tỉnh vẫn rất khó khăn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, đề nghị Chủ tịch yêu cầu ngân hàng NN&PTNT cho biết kết quả triển khai chính sách này trên địa bàn tỉnh và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đơn giản thủ tục, cho vay theo hình thức tín chấp, … để nông dân, HTX vay được nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Về vấn đề này, ông Thân Văn Trí - Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, từ khi nghị định được ban hành, sau 7 năm triển khai trên địa bàn, Agribank Đăk Nông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần khẳng định vai trò chủ đạo của Agribank trong lĩnh vực đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đến 30/09/2022, tổng dư nợ tại Agribank Đắk Nông đạt hơn 11.770 tỷ đồng, trong đó 81% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với hơn 19.300 khách hàng, tương ứng dư nợ 9.544 tỷ đồng. Phần lớn dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đầu tư cho ngành trồng trọt, chăn nuôi và thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xét về tiêu chí cho vay theo địa bàn, 74% dư nợ hiện đang cho vay địa bàn nông thôn, tương ứng 8.679 tỷ đồng.
"Việc thực hiện cho vay theo Nghị định 55 đã tạo điều kiện cho khách hàng khai thác có hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lĩnh vực tam nông được quan tâm đầu tư đúng mức, góp phần tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, từng bước nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh nhà", ông Thân Văn Trí thông tin.
Ngoài câu hỏi của chị Hiển, nhiều câu hỏi khác về việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đẩy lùi "tín dụng đen" cũng được đặt ra tại hội nghị và được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo các Sở, ngành giải đáp đầy đủ.
Trong khi nhiều đại biểu quan tâm đến vốn tín dụng, thị trường tiêu thụ nông sản hay tình trạng phân bón giả, kém chất lượng thì chị Nguyễn Thị Thùy Dung - Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ chuyên trồng mắc ca, buôn bán sản phẩm nông nghiệp tại xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức) đặt vấn đề: "Xin hỏi, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP như thế nào, hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP gồm những gì? Khi được chứng nhận sản phẩm OCOP thì chủ thể có được những lợi ích gì?".
Trả lời vấn đề trên, ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị... để phát huy sức sáng tạo và nội lực tiềm năng của địa phương tập trung phát triển các ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao.
"Hiện nay, toàn tỉnh có 47 sản phẩm của 41 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất được chứng nhận sản phẩm OCOP đến từ 7/8 huyện, thành phố. Trong những năm vừa qua, tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể về tư vấn phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm; tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, hỗ trợ chi phí bao bì, in tem; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP; hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên thực tế (hỗ trợ biển hiệu, quầy kệ, một số trang thiết bị để phục vụ trưng bày và bán sản phẩm OCOP...; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP...", ông Phạm Tuấn Anh nói.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, các sản phẩm OCOP được hỗ trợ kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để quảng bá rộng khắp thị trường trong nước dưới nhiều hình thức như tham gia các hội chợ, hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử (sanocop.vn, voso.vn, portmart.vn); được trưng bày, giới thiệu tại các điểm bán hàng, cửa hàng OCOP…
Ngoài nội dung 14 câu hỏi được người dân, đại diện HTX đề cập, do thời gian có hạn nên Hội Nông dân tỉnh và Liên minh Hợp tác xã sẽ tiếp nhận các câu hỏi sau đó trình Chủ tịch UBND tỉnh giao các Sở, ngành liên quan có câu trả lời.
Tại hội nghị, ông Hồ Văn Mười đánh giá cao tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của các đại diện nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp, Hợp tác xã và đại biểu. Đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, kinh tế tập thể và nâng cao đời sống nông dân. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ, chia sẻ và nhất trí về nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược, khó khăn, vướng mắc, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và kinh tế tập thể.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị các Sở, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề bức xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ người nông dân toàn diện, thực chất, hiệu quả theo chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật.