Dân Việt

Trồng cây cảnh độc, lạ, ai nhìn cũng mê, nông dân nơi này ở Đồng Nai giàu có hẳn lên

Hoang Phuong (Huyện Tân Phú) 01/01/2023 12:55 GMT+7
Những năm gần đây nghề trồng cây kiểng (cây cảnh), trồng hoa mang lại giá trị kinh tế cao so với cây trồng khác. Theo đó, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) đã chọn mô hình trồng hoa, trồng cây kiểng, cây cảnh bonsai để phát triển kinh tế cho gia đình góp phần làm giàu cho địa phương.

Ông Nguyễn Văn Vũ ngụ ở ấp Phú Lợi, xã Phú Trung, huyện Tân Phú sở hữu mảnh vườn rộng hơn 3.000m2 trồng mai vàng, nguyệt quế. Mảnh vườn này mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập khá để chăm lo cho cuộc sống của gia đình.

Ông Nghị cho biết, trước đây, gia đình tôi làm ruộng, rẫy, nuôi heo quanh năm vất vả, mùa màng thất bát, giá cả bấp bệnh, dịch bệnh… việc canh tác, chăn nuôi không đạt hiệu quả. Thấy nhiều hộ xung quanh trồng kiểng cho thu nhập ổn định nên ông Nghị quyết định chuyển nghề sang trồng thử mai vàng và nguyệt quế. 

“Tôi chuyển qua trồng kiểng khá lâu nhưng thật sự thành công chỉ bắt đầu từ năm 2008 khi tiếp cận được kiến thức từ lớp học sửa kiểng do Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú tổ chức. Từ đó, tôi mới gắn bó, tập trung phát triển kiểng bonsai đến tận bây giờ”.

Hiện nay vườn cây của Ông Vũ có trên 500 tác phẩm bonsai lớn, nhỏ khác nhau với giá trị rất cao, có tác phẩm lên đến gần trăm triệu đồng/tác phẩm. 

Ông Vũ cho biết thêm: “Trồng hoa, trồng cây cảnh không đòi hỏi diện tích lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Tuy nhiên, nghề này lại đòi hỏi người trồng hoa, cây cảnh phải có sở thích, sự đam mê, khéo léo và đầu óc thẩm mỹ, sáng tạo mới có thể thành công”

Để phong trào sinh vật cảnh phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện Tân Phú, không riêng những nghệ nhân kỳ cựu như ông Vũ mà hiện nay phong trào sinh vật cảnh của huyện phát triển rộng khắp ở các xã, thị trấn, trên địa bàn huyện. 

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp – Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Tân Phú cho biết: Đến nay toàn huyện có 12 chi hội Sinh vật cảnh ở các địa phương, với gần 40 hội viên. Điều đáng phấn khởi là tay nghề của các nghệ nhân ngày càng được nâng cao, sản xuất được nhiều sản phẩm giá trị.

Điều đặc biệt là ngoài thế hệ nghệ nhân lão thành thì lớp nghệ nhân trẻ không ngừng tăng lên. Nhiều nghệ nhân trẻ đạt giải cao ở các cuộc thi bonsai tỉnh và TP.Hồ Chí Minh. 

Hiện huyện có nhiều nghệ nhân trẻ sở hữu vườn kiểng trị giá hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Điều này không chỉ tạo nên giá trị kinh tế lớn cho cá nhân hội viên mà còn góp phần phát triển kinh tế chung của huyện nhà.

Với vai trò là cầu nối giữa các nhà khoa học với nhà vườn, doanh nghiệp tiêu thụ hoa kiểng, Hội Sinh vật cảnh huyện còn đặc biệt quan tâm tổ chức các lớp gaio lưu học tập trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. 

Trồng cây cảnh độc, lạ, ai nhìn cũng mê, nông dân nơi này ở Đồng Nai giàu có hẳn lên - Ảnh 3.

Vườn bonsai của ông Nguyễn Văn Vũ (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) với nhiều tác phẩm loại nhỏ gọi là cây cảnh bonsai mini.

 Theo đó, Hội Sinh vật cảnh huyện chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với các trung tâm dạy nghề, các ngành liên quan đưa hoạt động chuyển giao kỹ thuật về cây cảnh vào chương trình đào tạo nghề nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho những người yêu thích sinh vật cảnh. Từ đó, tạo sự hài lòng trong hội viên Hội Sinh vật cảnh trên địa bàn huyện Tân Phú.

Ông Nguyễn Văn Vũ chia sẻ: “Để phát triển ngành hàng hoa kiểng, Hội Sinh vật cảnh, các ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ rất nhiều trong công tác phổ biến kiến thức, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ và đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành hàng này. 

Tuy nhiên, tiềm năng phát triển kiểng bonsai còn rất lớn với giá trị kinh tế cao. Vì vậy, nếu đẩy mạnh công tác hỗ trợ, quảng bá rộng rãi kiểng bosai sẽ tạo được tiếng vang, mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Cẩn – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) cho biết, đối với việc phát triển loại hình kinh tế đô thị, kiểng bonsai đang mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người nông dân. 

Chính vì vậy, Hội đẩy mạnh công tác tham mưu để huyện hỗ trợ phát triển cây trồng này một cách phù hợp. Trong định hướng sắp tới, Hội Sinh vật cảnh huyện làm việc với các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thậm chí là nước ngoài để kết nối giao thương, tạo thị trường cho người trồng kiểng bonsai.

Có thể thấy rằng, nghề trồng hoa kiểng, cây cảnh đã thực sự mang lại hiệu quả, cuộc sống của người nông dân ngày một khấm khá. 

Vì vậy, hiện các hộ nông dân trên địa bàn huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) đang mạnh dạn quan tâm đầu tư trồng hoa kiểng nhằm đáp ứng phục vụ nhu cầu của thị trường, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán và trung bày tại Hội chợ hoa xuân hàng năm.