"Câu sỏi" là nghề kiếm cơm của làng này ở Quảng Ngãi, thực ra bà con ra rạn san hô câu thứ gì?
"Câu sỏi" là nghề kiếm cơm của làng này ở Quảng Ngãi, thực ra bà con ra rạn san hô câu thứ gì?
Thứ bảy, ngày 31/12/2022 18:48 PM (GMT+7)
"Câu sỏi" là tên gọi dân dã mà người dân làng chài Gò Tây, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đặt cho nghề câu cá tại rạn san hô ngoài khơi xa. Đây là nghề truyền thống có từ lâu đời, được lớp lớp thế hệ ngư dân ở làng chài này gìn giữ.
"Cá thường ở trong các rạn san hô, nên chúng tôi chuyên câu cá tại khu vực này. Mỗi sợi dây câu dài đến hơn trăm mét, được chúng tôi cột vào cục đá rồi thả chìm xuống tận rạn san hô.
Rạn san hô có nhiều đá vôi, nên lưỡi câu thả xuống thường chạm đá, sỏi. Bởi vậy, ông bà chúng tôi đặt tên cho nghề này là nghề “câu sỏi”, để phân biệt với các nghề câu khác", ngư dân Nguyễn Dung (56 tuổi), ở Gò Tây, xã Tịnh Hòa đã gắn bó với nghề “câu sỏi” gần 40 năm, lý giải.
Gắn bó với nghề "câu sỏi", mỗi ngư dân đều chuẩn bị cho mình từ 20 - 30 nẹp câu làm hành trang cho mỗi chuyến vươn khơi. Bình quân mỗi nẹp câu có 300 - 350 dây câu kèm theo từ 2 - 3kg mồi câu là cá nục, cá cơm than - mồi câu chuyên dùng để săn cá mú, cá hồng, cá lạc...
Chỉ đánh bắt các loại cá lớn, giữ lại cá nhỏ, ngư dân làng chài Gò Tây thường sử dụng các lưỡi câu lớn gọi là lưỡi câu 6, câu 7 để săn những con cá có kích thước từ 1kg trở lên.
Kể về những lần săn được cá có kích thước lớn, ngư dân Phạm Sơn (48 tuổi) hào hứng cho biết, ngư dân làm nghề "câu sỏi" mong chờ nhất là dịp tháng Giêng, tháng Hai hằng năm, bởi đây là thời điểm chúng tôi thường câu được cá lớn.
Có chuyến, chúng tôi gặp được đàn cá mú "khủng", đến 5- 6 con cá mú có trọng lượng hơn 20kg mỗi con dính câu. Lôi được cá lên tàu, anh em ai nấy đều mệt rã, nhưng vui lắm, vì cá mú càng lớn, càng bán được giá.
Đồng lòng giữ lấy nghề
Khu dân cư Gò Tây có 33 hộ dân, thì đã có gần 30 hộ gắn bó với nghề "câu sỏi". Đây là nghề "cha truyền con nối" của ngư dân nơi đây.
Vừa móc lưỡi câu vào nẹp để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo, chủ tàu Nguyễn Quảng (58 tuổi) vừa trầm ngâm, lúc tôi còn nhỏ, đã thấy cha và ông nội gắn bó với nghề này. Năm vừa tròn 14 tuổi, tôi bắt đầu theo cha lên tàu để học nghề. Rồi cứ thế, tôi theo nghề mãi đến nay. Cha làm nghề, con nối nghiệp đã trở thành điều hiển nhiên ở làng chài này.
Nối gót cha ông giữ lấy nghề truyền thống, các ngư dân làng chài Gò Tây từng bước nâng tầm nghề xưa bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ vào đánh bắt. Gần 20 tàu làm nghề "câu sỏi" ở Gò Tây đều có máy định vị dò cá và máy kéo để tiết kiệm sức người.
Nghề "câu sỏi" ở Gò Tây, từ chỗ chỉ đi cách bờ từ 4 - 5 hải lý, nay đã vươn xa từ 30 - 40 hải lý. "Nhờ có máy kéo, việc thâu dây câu của ngư dân chúng tôi trở nên nhanh chóng và tiết kiệm sức người hơn. Chứ trước đây, chúng tôi phải kéo dây câu bằng tay", chủ tàu Nguyễn Quảng chia sẻ.
Trang bị máy móc hiện đại vào đánh bắt, nhưng theo chia sẻ của các ngư dân làng chài Gò Tây, những năm trở lại đây, sản lượng đánh bắt của nghề "câu sỏi" ngày càng sụt giảm.
Chuyên đi bạn cho tàu làm nghề "câu sỏi" tại địa phương hơn 30 năm, ngư dân Phạm Sơn bảo, chưa năm nào, thu nhập của ngư dân làng nghề "câu sỏi" lại "tụt dốc" như năm nay.
"Những năm trước, bình quân mỗi chuyến biển kéo dài 4 ngày, tôi được trả công từ 1 - 2 triệu đồng, có chuyến được trả đến 3 - 4 triệu đồng. Nhưng năm nay, biển giã khó khăn, có chuyến, chủ tàu lỗ tổn, nên mấy anh em đành về tay không", ngư dân Phạm Sơn trải lòng.
Gặp khó trong đánh bắt, nhưng ngư dân làng chài Gò Tây vẫn luôn đồng lòng giữ nghề truyền thống của cha ông mình.
Nghĩa tình ngư dân
Không chỉ đoàn kết, đồng lòng trên biển, ngư dân làng "câu sỏi" còn gắn bó, phát huy tinh thần tương thân tương ái ở trên bờ bằng những việc làm thiết thực, như là xây dựng và đóng góp quỹ để có kinh phí thăm hỏi người dân không may ốm đau, tai nạn.
Lần giở sổ ghi chép, chị Nguyễn Thị Thanh Nhi - Trưởng khu dân cư Gò Tây cho biết, dù là chủ tàu hay chỉ là ngư dân đi bạn, người dân đều đồng thuận đóng góp vào quỹ từ 100 - 500 nghìn đồng/năm. Nhờ tinh thần đáng quý đó mà nhiều ngư dân ở Gò Tây được mượn tiền khi khó khăn, được thăm hỏi, hỗ trợ khi không may ốm đau, tai nạn. Tình làng nghĩa xóm nhờ vậy mà ngày càng thêm gắn bó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.