Sắc phù sa miền hạ, từng chùm rễ bần tua tủa ngoi lên, giữ lấy đất, giữ lấy cá tôm
Sắc phù sa miền hạ, từng chùm rễ bần tua tủa ngoi lên, giữ lấy đất, giữ lấy cá tôm
Thứ bảy, ngày 31/12/2022 19:01 PM (GMT+7)
Cuối năm 1974, khi đơn vị hành quân qua đất bạn Campuchia, tôi ngạc nhiên thấy dòng sông… chảy xuôi buổi sáng rồi chảy ngược vào buổi chiều! Hỏi ra mới biết sông nước vùng dưới này có thủy triều lên xuống hàng ngày nên mới có hiện tượng đó.
Hành quân về tới chiến trường miền Tây Nam Bộ, sông rạch càng chằng chịt hơn và đồng ruộng, vườn tược lúc nào cũng mát mắt với màu xanh vô tận. Nếu ở miền Trung “quê hương tôi có con sông xanh biếc” thì ở miền Tây Nam Bộ cuối trời, dòng sông luôn đục ngầu phù sa màu mỡ…
Con nước nặng phù sa. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Nếu những con sông ở vùng châu thổ trở nên “xanh biếc” quanh năm thì con người sẽ buồn biết mấy! May sao, điều đó chưa bao giờ xảy ra.
“Mekong” là sông mẹ, là con sông lớn bắt nguồn từ vùng núi cao tuyết phủ xa xôi. Vượt qua bao ghềnh thác, bao vùng đất huyền bí rồi lặng thầm chảy về xuôi vun bồi phù sa nên miền châu thổ…
Khi con nước ròng, sông để lại đôi bờ một màu phù sa non tươi, lấp lánh. Từng chùm rễ bần tua tủa ngoi lên, giữ lấy đất, giữ lấy cá tôm quanh gốc bần thân thuộc. Nhìn màu đất là biết đất mang nặng phù sa, nặng giọt mồ hôi một nắng hai sương của bao thế hệ người Nam Bộ chịu khó, cần cù.
Sắc màu phù sa ở đây chuyển đổi chút ít qua hai mùa mưa nắng. Mùa khô bắt đầu với những đợt gió chướng lồng lộng từ biển đưa về. Gió se se lạnh vào buổi sáng khiến lòng người nao nao khó tả...
Những cơn mưa thưa dần rồi đi xa lúc nào mà không có lời giã biệt! Từng đàn mây trắng rủ nhau về khơi xa, bỏ lại phía sau một khoảng trời cao xanh, rộng rãi.
Dòng sông trở nên hiền hòa hơn và phù sa lắng xuống, không còn cuồn cuộn, sôi động như trong mùa mưa. Màu nước trong hơn một chút nhưng vẫn còn lưu nặng trong mình những hạt phù sa nên sông không thể “xanh trong” được!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.