Trồng thứ cây cảnh đang hot này mà cả làng ở Đồng Tháp được khen là nhạy bén

Thứ bảy, ngày 31/12/2022 05:43 AM (GMT+7)
Nhờ sự nhạy bén với thị trường, nông dân ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B, xã Tân Dương, huyện Lai Vung phát triển nghề trồng hoa giấy thành nghề kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Những ngày đầu tháng 11/2022, UBND huyện Lai Vung tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp về công nhận Làng nghề hoa giấy ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B (xã Tân Dương, huyện Lai Vung). 

Sự kiện mang đến cho người dân làng nghề niềm tự hào để tiếp tục tư duy trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cây hoa giấy.

Theo UBND huyện Lai Vung, đến nay, làng nghề có hơn 360 hộ trồng hoa giấy với gần 900 lao động tham gia làm nghề. 

Các sản phẩm chủ yếu của Làng nghề hoa giấy như: hoa giấy ghép ngũ sắc, hoa giấy cẩm thạch nhiều màu, hoa giấy nhập khẩu... Mỗi năm, làng nghề tạo ra khoảng 20 - 25 triệu chậu hoa giấy cung ứng cho thị trường.

Là người có trên 15 năm theo nghề trồng hoa giấy, ông Phạm Văn Linh ngụ ấp Tân Thuận B, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, cho biết: “Từ nhu cầu thị trường, nông dân phát triển các loại hoa giấy đa dạng về màu sắc, cho trổ hoa quanh năm. 

Loại cây này được sử dụng để tạo cảnh quan cho nhà cửa, trồng hàng rào, dải phân cách ven đường... Ngoài ra, hoa giấy còn được sử dụng làm cây công trình, kiểng bonsai... Từ nghề này, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”.

Trồng thứ cây cảnh đang hot này mà cả làng ở Đồng Tháp được khen là nhạy bén - Ảnh 2.

 Nông dân Làng nghề trồng hoa giấy ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B, xã Tân Dương (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) chăm sóc cây hoa giấy phục vụ thị trường.

Tương tự, bà Danh Thị Riêng ngụ ấp Tân Thuận B, xã Tân Dương có thâm niên gần 10 năm trồng hoa giấy. Theo bà Riêng, ưu điểm của loại cây này là hoa có màu sắc rực rỡ, không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc quá cao và thị trường tiêu thụ quanh năm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng gần xa, bà Riêng tìm tòi sáng tạo ra sản phẩm hoa giấy đa sắc bằng phương pháp ghép cành. 

Bà Riêng cho biết: Một cây hoa giấy đa sắc có giá cao hơn so với loại cây đơn sắc. Ngoài việc ghép hoa giấy trên các gốc nhỏ phục vụ công trình, tôi còn tiến hành ghép hoa giấy đa sắc trên những cây hoa giấy gốc to, có thế dáng đẹp với tuổi đời cao nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.

Ông Bùi Ngọc Đang - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Hoa Kiểng Tân Dương, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Từ lâu, nghề trồng hoa giấy trở thành công việc làm chính của nhiều hộ xã viên, nông dân. 

Thời gian qua, nhằm nâng cao tay nghề cho xã viên và người dân, hợp tác xã kết hợp với Hội Nông dân xã, huyện tổ chức nhiều lớp hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thiết kế bonsai... Hiện nay, nông dân sản xuất hoa giấy còn biết khai thác, sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber để tìm kiếm thêm đầu ra cho sản phẩm”.

Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Thời gian qua, nghề trồng hoa giấy góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân thuộc 2 ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B, xã Tân Dương. Với vẻ đẹp rực rỡ, nhiều màu sắc, tạo dấu ấn riêng biệt.

Địa phương khuyến khích nông dân trên địa bàn thực hiện các công trình cổng chào từ cây hoa giấy; đồng thời khuyến khích hộ dân sản xuất phát triển thành điểm du lịch sinh thái... Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc hoa giấy, mở các lớp sửa kiểng bonsai... tạo sự phát triển bền vững cho sản phẩm làng nghề”.

Nhật Nam (Báo Đồng Tháp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem