Dân Việt

Quốc hội Mỹ kêu gọi đánh giá 'rủi ro' của việc chuyển giao Patriot cho Ukraine

Lê Phương (RT) 02/01/2023 14:01 GMT+7
Một cơ quan cố vấn của quốc hội đã vạch ra các vấn đề mà các nhà lập pháp có thể phải đối mặt nếu muốn cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Kiev.
Quốc hội Mỹ kêu gọi đánh giá 'rủi ro' của việc chuyển giao Patriot cho Ukraine - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại sân bay Rzeszow, Ba Lan. Ảnh: Getty

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) cảnh báo Quốc hội Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề "trong cả vai trò lập pháp và giám sát" đối với kế hoạch chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Viện nghiên cứu là một cơ quan của chính phủ Mỹ nhằm cung cấp hỗ trợ chuyên môn cho các thành viên của Quốc hội trên cơ sở phi đảng phái.

Chính phủ Mỹ đã cam kết cung cấp một khẩu đội hệ thống phòng không tiên tiến MIM-104 Patriot cho Kiev vào đầu tháng này, sau chuyến thăm không báo trước của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Washington.

Thời hạn giao Patriot vẫn chưa rõ ràng vì việc đào tạo vận hành hệ thống khá phức tạp. Các phương tiện truyền thông Mỹ gợi ý rằng quân đội Ukraine có thể được mời đến Mỹ để huấn luyện, động thái này vẫn chưa xảy ra trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Ukraine và Nga.

CRS lưu ý việc đào tạo các đội sửa chữa cho hệ thống Patriot đã mất khoảng 53 tuần, đồng thời nhấn mạnh "còn rất nhiều việc phải làm trước khi Ukraine có thể vận hành một hệ thống Patriot hoạt động trên mặt đất".

CRS kêu gọi các nhà lập pháp kiểm tra nguồn gốc chính xác của hệ thống Patriot cung cấp cho Kiev. Theo CRS, "hệ thống Patriot và các thiết bị đánh chặn liên quan được gửi đến Ukraine có thể được lấy từ các đơn vị và kho dự trữ quân đội hiện có của Mỹ".

CRS cho rằng, nếu Mỹ quyết định chuyển hệ thống Patriot đang được biên chế cho lực lượng như Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ hoặc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chuyển cho Kiev thì có thể tạo ra rủi ro tiềm tàng ở những nơi đó. Trong khi đó, việc cung cấp Patriot từ nước Mỹ “có thể cản trở chu kỳ đào tạo hoặc hiện đại hóa vũ khí của nước này".

Cơ quan nghiên cứu cũng đưa ra quan ngại về "mức giá khổng lồ" của các hệ thống Patriot và tên lửa đánh chặn của chúng, "ước tính trị giá khoảng 4 triệu USD cho mỗi tên lửa". Theo dữ liệu hiện có, "một tổ hợp Patriot mới được sản xuất có giá khoảng 1,1 tỷ USD, bao gồm khoảng 400 triệu USD cho hệ thống và khoảng 690 triệu USD cho tên lửa", CRS cho biết.

Hôm 21/12, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine. Việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot nằm trong gói viện trợ 1,85 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine "năng lực phòng không và tấn công chính xác được mở rộng" cùng 850 triệu USD hỗ trợ an ninh.