Trong năm 2022 vừa qua, thị trường vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không đã có những tín hiệu tích cực.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu khách. Kết quả này đã tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng 69,6% so năm 2019.
Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách (tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019) và vận chuyển hành khách quốc tế đạt đạt 11 triệu khách (tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019).
Đối với vận chuyển hàng hóa, sản lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không trong năm ước đạt 1,25 triệu tấn. Con số này bằng 95% so năm 2021 và tương đương năm 2019).
Trong đó, vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 152.000 tấn (tương đương năm 2021 và bằng 60% so với năm 2019) và vận chuyển hàng hóa quốc tế ước đạt 1,1 triệu tấn (xấp xỉ năm 2021 và tăng 10% so năm 2019).
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định năm 2022 vừa qua, thị trường quốc nội tăng trưởng cao, được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất sau dịch Covid -19.
Cụ thể, lãnh đạo Cục Hàng không cho hay hoạt động vận tải hàng không đã có dấu hiệu hồi phục từ cuối quý 1/2022, đặc biệt là thị trường nội địa. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường nội địa đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. Với sự bùng nổ của nhu cầu trong dịp hè, thị trường nội địa đã hồi phục hoàn toàn và có sự tăng trưởng trên 30% vào các tháng 7, 8 so với so cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành hàng không lại nhận xét thị trường quốc tế lại có tốc độ phục hồi tương đối chậm. Theo đó, để giúp thị trường quốc tế phục hồi, cơ quan chức năng hàng không Việt Nam đã chủ động và tích cực trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các nhà chức trách hàng không các quốc gia đối tác (Nga, Đức, Anh, Trung Quốc…) trong việc mở lại các đường bay quốc tế. Đồng thời, nhà chức trách ngành hàng không luôn hỗ trợ các hãng tháo gỡ khó khăn trong quá trình khôi phục các đường bay quốc tế.
Đặc biệt, cơ quan hàng không Việt Nam thường xuyên trao đổi, liên lạc và tiếp xúc với Nhà chức trách hàng không của Trung Quốc và Ấn Độ để tăng thêm tần suất, tải cung ứng và điểm đến trong hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này.
Tuy nhiên, tốc độ hồi phục diễn ra chậm mặc dù Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.
Theo các chuyên gia, thị trường nội địa chính là điểm sáng của bức tranh ngành hàng không sau dịch. Lượng khách gia tăng, đặc biệt là trong cao điểm Tết đã khiến tình trạng cháy vé máy bay xuất hiện.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023, lượng ghế cung ứng tăng thêm xấp xỉ 1,7 triệu ghế trên các đường bay nội địa, với tỷ lệ tăng hơn 33% so lịch bay thường lệ mùa Đông 2022/2023.
Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, nhiều đường bay có tỷ lệ đặt chỗ khá cao trong cao điểm Tết Nguyên đán. Cụ thể, tính cuối tháng 12/2022, tỷ lệ đặt chỗ cao tập trung vào các ngày trước Tết Âm lịch 2023 như từ 15-19/1/2023 trên các chặng bay xuất phát từ Tân Sơn Nhất đi các cảng hàng không miền Trung, miền Bắc như TP.HCM - Đà Nẵng (81-89%), TP.HCM - Hải Phòng (75-85%), TP.HCM - Huế (55-87%), TP.HCM - Thanh Hóa (88-92%),...
Tại các chặng ngược lại, tỷ lệ đặt chỗ vào các ngày sau Tết Âm lịch 2023 từ ngày 26-31/1/2023 tập trung cao trên các chặng bay như: Đà Nẵng - TP.HCM ( 89-92%), Hà Nội - TP.HCM (63-80%), Hải Phòng - TP.HCM ( 76-88%), Huế - TP.HCM (71-88%), Thanh Hóa - TP.HCM (83-89%),...
Trước đó, cuối tháng 10/2022, Cục Hàng không cho biết các hãng hàng không đã xây dựng kế hoạch khai thác 25.613 chuyến bay và dự kiến tăng thêm 8.079 chuyến tương đương 32% (từ 25.613 chuyến lên 33.691) dịp Tết. Ghế cung ứng tăng 1,6 triệu ghế tương đương 33% (từ 5,1 triệu lên 6,7 triệu ghế).
Dự báo lượng khách nội địa trong dịp Tết này sẽ tăng kỉ lục, đặc biệt là tại "điểm nóng" Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tăng tối đa slot tại Tân Sơn Nhất trong khung giờ ban ngày để khai thác kịch khung slot 44 chuyến/giờ từ 6h - 24h mỗi ngày, để sân bay khai thác thêm khoảng 6.000 ghế/ngày.
Bên cạnh đó, trên cơ sở năng lực hạ tầng của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam bố trí nguồn lực, tăng cường khai thác các chuyến bay vào ban đêm nhằm giảm ùn tắc tại các cảng hàng không vào các khung giờ ban ngày (đặc biệt tăng cường việc khai thác các khung giờ muộn, khung giờ đêm từ sân bay Tân Sơn Nhất đến các cảng hàng không địa phương).