Hàng không nội địa phục hồi nhanh, đề xuất bổ sung quy hoạch nhiều sân bay mới

Hồng Trâm Thứ bảy, ngày 10/12/2022 09:24 AM (GMT+7)
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở bổ sung quy hoạch 9 sân bay mới nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mang lại cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Bình luận 0

Hàng không bứt phá sau 2 năm "ngủ đông"

Thị trường hàng không nội địa đang bước vào giai đoạn phục hồi sau thời gian dài tê liệt vì dịch bệnh. Cảnh tượng các sân bay đông nghẹt, tấp nập hành khách trong các dịp cao điểm trong năm là tín hiệu đáng mừng cho thấy hàng không đang trên đà phục hồi nhanh chóng.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong tháng 11, đã có 8,67 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 7% so với tháng 10/2022 và tăng 630% so với tháng 11/2021. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 1,67 triệu khách, tăng 2706,2% so với tháng 11/2021, nhưng giảm tới 53,1% so với tháng 11/2019. Khách nội địa đạt 7 triệu khách, tăng 508,9% so với tháng 11/2021.

Hàng không nội địa "bứt tốc" phục hồi, đề xuất bổ sung quy hoạch nhiều sân bay mới - Ảnh 1.

Lượng hành khách qua các cảng hàng không nội địa liên tục tăng. Ảnh: H.T

Kết quả vận chuyển trong 11 tháng đầu năm, đã có 90,8 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 221% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 14,8% so với cùng kỳ 2019. Khách quốc tế đạt 9,8 triệu khách, tăng 2.041%% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng giảm 74% so với cùng kỳ 2019.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, số lượng hành khách nội địa có xu hướng tăng mạnh, đạt 81 triệu khách, tăng 191,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 18,4% so với cùng kỳ 2019.

Trong số này, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 45 triệu khách, tăng 217,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 4,4 triệu khách quốc tế, tăng 3145,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 72,5% so với cùng kỳ 2019. Với khách nội địa, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 40,5 triệu khách trong 11 tháng đầu năm, tăng 188,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với hàng hóa, trong 11 tháng đầu năm 2022, hàng không đã vận chuyển 1,28 triệu tấn hàng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng hàng quốc tế được vận chuyển là 1,02 triệu tấn, giảm 1% và hàng hóa nội địa là 260.000 tấn, giảm 6,5%.

Hàng không nội địa "bứt tốc" phục hồi, đề xuất bổ sung quy hoạch nhiều sân bay mới - Ảnh 3.

Hàng không nội địa từng bước phục hồi sau dịch. Ảnh: H.T

Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 259.000 tấn hàng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng giảm 36 % so với cùng kỳ 2019. Sản lượng hàng hóa quốc tế được hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 129 nghìn tấn và hàng hóa nội địa đạt 130 nghìn tấn. Lượng hàng hóa nội địa giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 44,7% so với cùng kỳ 2019.

Đầu tư nhiều sân bay nội địa, tăng tốc phát triển hàng không

Thực tế hiện nay, tiềm năng của ngành vận tải hàng không là rất lớn khi như cầu đi lại, du lịch của người dân bằng máy bay vẫn liên tục gia tăng. Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá 22 sân bay trên cả nước phân bổ tại một số địa phương vẫn chưa đủ đáp ứng như cầu người dân.

Trước vấn đề trên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã làm việc với các địa phương đề xuất quy hoạch cảng hàng không. Tại mỗi buổi làm việc, các đơn vị tư vấn, không lưu đã rà soát, nêu kết quả nghiên cứu và đánh giá về khả năng quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.

Hàng không nội địa "bứt tốc" phục hồi, đề xuất bổ sung quy hoạch nhiều sân bay mới - Ảnh 4.

Đề xuất xây dựng 9 sân bay nội địa phục vụ người dân. Ảnh: H.T

Trên cơ sở đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay gồm: Tân Quang (Hà Giang), Yên Bái, Na Hang (Tuyên Quang), Hà Tĩnh, Măng Đen (Kon Tum), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hòa), Đăk Nông, Tây Ninh. Các địa phương được yêu cầu lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay.

Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc TEDI (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) cho rằng nếu các sân bay mới không có xung đột về vùng trời, lại có doanh nghiệp cam kết bỏ vốn đầu tư thì có thể xem xét, bổ sung vào quy hoạch. Hiện kinh tế các địa phương phát triển nhanh nên quy hoạch hàng không cần có tính động, tính mở để tạo thuận lợi cho địa phương chủ động kêu gọi phát triển hạ tầng.

TEDI đánh giá kiến nghị bổ sung quy hoạch sân bay của các địa phương đều hợp lý, rõ nhất là Hà Giang. Trong bối cảnh xây cao tốc kết nối địa phương này với Hà Nội chi phí lớn, kéo dài cả chục năm, thì việc đầu tư một sân bay có quy mô hợp lý, chi phí thấp hơn có thể mang lại cú hích trong phát triển kinh tế.

Trước đó cuối năm 2021, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 sân bay, đến năm 2050 có 31 sân bay. Quá trình lập quy hoạch, nhiều địa phương đề xuất bổ sung.

Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra 6 tiêu chí để quy hoạch sân bay gồm: Sản lượng hàng hóa; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược); nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không...); cự ly tiếp cận (100 km đối với sân bay đồng bằng và 200 km đối với sân bay miền núi).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem