Ngày 6/1, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2022, Hội đã hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo triển khai thực hiện 16 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cho 150 hội viên nông dân với kinh phí hỗ trợ 553 triệu đồng.
Hội Nông dân tỉnh cũng đã vận động hội viên nông dân thành lập mới 2 hợp tác xã nông nghiệp với 20 thành viên (đạt 200% kế hoạch năm), thành lập mới 19 tổ hợp tác với 221 thành viên (đạt 112% kế hoạch năm).
Đa số các mô hình đều phát huy hiệu quả cả về kinh tế lẫn xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho hộ gia đình nông dân, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm.
Một số mô hình hiệu quả cao như: Mô hình cải tạo vườn tạp trồng cam ở xã Hương Phú (huyện Nam Đông), mô hình nuôi xen ghép ở thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang), mô hình dệt dèng ở xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) ...
Bên cạnh đó, Hội Nông dân cấp huyện và cấp xã ở tỉnh đều hỗ trợ các mô hình kinh tế cho hội viên nông dân. Điển hình như Hội Nông dân huyện Quảng Điền phối hợp Phòng NNPTNT huyện triển khai mô hình trồng lạc hữu cơ với tổng diện tích canh tác 4 ha tại xã Quảng Phú với 50 hộ hội viên tham gia. Sản phẩm lạc sau khi thu hoạch được hợp tác xã thu mua để ép dầu lạc.
Hội Nông dân thị xã Hương Trà triển khai hỗ trợ giống và phân bón cho 7 mô hình như mô hình trồng cây dược liệu tại các phường Hương Văn, Hương Xuân, Hương Chữ với diện tích 11,33ha/34 hộ tham gia, trị giá gần 325 triệu đồng.
Hội Nông dân thị xã Hương Trà cũng hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP mô hình sản xuất cam, quýt, bưởi VietGAP tại xã Hương Bình với diện tích 2,5ha, trị giá gần 65 triệu đồng; hỗ trợ giống, phân bón, giếng khoan, hệ thống tưới nước tự động, nhà lưới cho mô hình trồng rau an toàn tại phường Hương Chữ với diện tích 0,6ha/16 hộ tham gia, trị giá hơn 187 triệu đồng...