Dân Việt

Vì sao làng này ở vùng Hoa Lư của Ninh Bình mang tên Hành Cung, bỏ hoang hơn 5.000m2 đất nhiều năm?

Tùng Duy 08/01/2023 18:47 GMT+7
Chúng tôi đến Hành Cung (thuộc xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) tìm lại những vết tích nằm rải rác trên cả dải đất rộng về một vùng kinh thành xưa.

Lần theo dòng sông cổ, nay nhánh còn, nhánh mất, đoạn được đào thêm, đoạn bị lấp, trên nền con sông cái ôm trọn Hành Cung Vũ Lâm, để thấy, mỗi địa danh đều gắn với tích cũ của chốn vua chúa thuở xa xưa.

Trần Thái Tông (1218-1277) là người đã khai lập, xây dựng Hành Cung Vũ Lâm, người được sử cũ chép lại là vị vua anh minh, lỗi lạc. Thời đó, Người đã dày công nghiên cứu Phật pháp, vận dụng nhuần nhuyễn giáo lý nhà Phật với sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Vì sao làng này ở vùng Hoa Lư của Ninh Bình mang tên Hành Cung, bỏ hoang hơn 5.000m2 đất nhiều năm? - Ảnh 1.

Bến sông Chợ Lâm, nơi có đền thờ ông hàng muối, sau trở thành Thành hoàng làng Hành Cung, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Sử cũ chép lại, năm 1258, sau khi đánh thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông nhường ngôi báu cho con trai. 

Ông tìm về vùng này tu hành, mở đầu cho việc khai lập, xây dựng Hành Cung Vũ Lâm, một căn cứ địa quan trọng của triều Trần trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông tiếp theo.

Trước cung điện của Hành Cung Vũ Lâm không xa, vua Trần Thái Tông đã cho xây một ngôi chùa gần kề để tu tập. 

Tương truyền, làng Hành Cung, chùa Khai Phúc là tên do Người tự đặt. Những câu chuyện về Người đã làm từ thuở khai hoang lập làng vẫn truyền tụng. Dấu tích hai ao rồng và đình Sen vẫn còn đó. Có chín giếng tự nhiên với đường kính rộng đến vài sải tay, nhìn tựa những lá sen ngửa lên trời, nên dân vùng này vẫn quen gọi là giếng sen. 

Chúng tích nước ngọt, mát, quanh năm đầy ăm ắp. Các lá sen được bố trí xương cá, nằm so le nhau trên một trục, có thể là con đường chính của làng xưa kia. Những giếng cổ đó hiện vẫn còn trên phần đất của các hộ gia đình ông Vọng, ông Tụng, ông Chiến, ông Điệu... 

Ông Vọng cho biết: Do miệng giếng rộng choán mất nhiều diện tích đất ở, cho nên gia đình ông, cũng như một số nhà khác, đổ đất thu nhỏ lại, tuy nhiên vẫn giữ nguyên phần lõi. 

Vẫn có cả yếu tố tâm linh, không được động chạm đến long mạch của tiền nhân...người dân ở đây đời này qua đời khác truyền bảo nhau, đến nay còn giữ được bảy giếng nguyên mẫu.

Những địa danh gắn với những điển tích xưa. Thôn Hạ Trạo (hạ chèo), được lý giải xưa kia là nơi khách đỗ thuyền dừng chân. 

Khách lên bờ đi bộ, địa điểm báo cáo tình hình và nhận các mệnh lệnh, nay vẫn gọi địa danh Tuân Cáo, nơi để kho lương thực, nay vẫn gọi là Khả Lương, Văn Lâm - nơi ở của quan văn, Vũ Lâm - nơi ở của quan võ, nơi luyện võ nghệ cho quân, nay vẫn gọi là Thung Thầy, Thung Nắng. 

Đền thờ ông Giải, gắn với truyền thuyết về loài thủy quái ăn thịt người ở bến sông Chợ Lâm, quanh năm quấy nhiễu dân chúng; gần đó là đền thờ ông hàng muối, tương truyền người dân ở đây lập để tạ ơn người đã có công diệt trừ quái vật, đem lại bình yên cho dân làng...

Ông Đào Anh Lai, một người dân trong làng dẫn chúng tôi đi thăm một nơi khá đặc biệt. Ở vùng quê đất chật người đông, bờ xôi ruộng mật, lại có một khu đất rộng hơn 5000m2 để hoang hóa bao nhiêu năm nay. Người cao tuổi trong làng vẫn truyền tụng lại, đây chính là nền cung vua xưa. 

Trải qua chiến tranh loạn lạc, theo người dân ở đây, khu đất này một thời làm sân kho của hợp tác xã, rồi khi hợp tác xã giải thể, bãi đất lại bỏ không cho đến ngày nay. Nhiều ý tưởng xây dựng, nhiều dự án được tính đến, cuối cùng vẫn chẳng đi đến đâu, giờ đây khu đất vẫn để hoang phế.

Sư thầy Thích Diệu Nhân, trụ trì chùa Khai Phúc, thôn Hành Cung cho biết, cách đây không lâu, trong quá trình đào móng chùa, những người thợ đã phát hiện ra dấu tích lạ, có thể là vết tích móng chùa cổ xây bằng đá cuội từ năm 1258. 

Sư Nhân chỉ đạo thợ giữ nguyên hiện trạng, sau này sẽ đặt một tấm kính cường lực để tạo điều kiện cho những người muốn đến thăm viếng, tìm hiểu, thay cho việc lấp lại như cũ. Nhiều cổ vật của ngôi chùa triều Trần này đã được phát hiện và khai quật, những hàu, hến, bát cổ hình cánh sen, vân hoa nổi trên cánh sen và trong lòng bát. 

Rất nhiều những mảnh bát cổ còn in đậm những dãy dấu chấm riêng có của nhà Phật cùng nhiều đồ sành sứ, đĩa, hũ... Những hiện vật đó được giới chuyên môn, đặc biệt giáo sư Lê Văn Lan đánh giá cao.

Về miền quê này, về với những địa danh quen mà lạ, để cảm nhận sự đan xen giữa hiện thực và huyền thoại, trong làn sương khói ảo ảnh.

 Hành Cung Vũ Lâm xưa, dấu tích của đền đài cung điện giờ chỉ còn trong sử sách cùng những dấu tích mờ tỏ... Người dân ở đây mong muốn được giới chuyên môn quan tâm nghiên cứu sâu hơn, để làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, văn hóa một vùng đất. 

Họ vẫn mơ ước đến một ngày, nơi đây được đầu tư phục dựng lại cung thành trong một không gian xưa cũ theo nguyên bản; vẫn biết rằng, trong thời điểm này, giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ.