Dân Việt

Nga cam kết mở rộng kho vũ khí hiện đại trong bối cảnh xung đột Ukraine kéo dài

Lê Phương (Aljazeera; Newsweek) 11/01/2023 14:00 GMT+7
Các tướng lĩnh hàng đầu của Nga cam kết củng cố quân đội nước này trong bối cảnh bị chỉ trích về những thất bại quân sự.
Bất chấp ưu thế trên không, Nga cam kết làm điều này trong bối cảnh xung đột Ukraine kéo dài - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (ở giữa) phát biểu trong cuộc gặp với các sĩ quan cấp cao ở Moscow. Ảnh: AP

Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2, quân đội nước này đã nhiều lần bị quân đội Ukraine, với sự hỗ trợ bởi Mỹ và các đồng minh châu Âu, đáp trả mạnh mẽ. Cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, khiến hàng chục nghìn binh sĩ của cả hai bên thương vong. Hiện tại, cả Moscow và Kiev đều đang cố gắng tái vũ trang nhanh nhất có thể.

Hôm 10/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với các tướng lĩnh hàng đầu rằng để đổi mới quân đội, họ sẽ phải tính đến kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Syria.

"Chúng ta cần liên tục phân tích và hệ thống hóa kinh nghiệm hành động của các nhóm ở Ukraine và Syria, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình đào tạo nhân sự và kế hoạch cung cấp thiết bị quân sự", ông Shoigu nói.

Hôm 2/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu ông Shoigu chuẩn bị một dự thảo bổ sung đơn vị quân đội, với các chi tiết về vũ khí và thiết bị cũng như các đề xuất về cách cải thiện năng lực của Bộ Quốc phòng.

Đảm bảo hạt nhân

Ông Shoigu cho biết Nga sẽ tiếp tục phát triển bộ ba hạt nhân gồm tên lửa đạn đạo, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược vì những vũ khí như vậy là "sự đảm bảo chính cho chủ quyền của nước này".

Về vũ khí thông thường, ông Shoigu đã đưa ra một phân tích rất thẳng thắn về những điểm mà Nga cần sửa đổi. Theo đó, ông cho biết Nga sẽ đặc biệt chú ý đến lực lượng không quân, xây dựng khả năng tấn công tổng thể và cải thiện khả năng chỉ huy, liên lạc và huấn luyện.

"Nga sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng hàng không vũ trụ, cả về máy bay chiến đấu và máy bay ném bom ở những khu vực có các hệ thống phòng không hiện đại đang hoạt động, cũng như cải tiến các phương tiện bay không người lái", ông lập luận.

Ông cũng nói thêm: "Kế hoạch trước mắt của chúng tôi là mở rộng kho vũ khí tấn công hiện đại. Ngoài ra, chúng tôi cần cải tiến hệ thống quản lý và thông tin liên lạc".

Bên cạnh đó, ông Shoigu lưu ý các quân ủy, chịu trách nhiệm tuyển quân, cần phải được hiện đại hóa.

Cựu tướng NATO cảnh báo về sức mạnh của Nga

Bất chấp ưu thế trên không, Nga cam kết làm điều này trong bối cảnh xung đột Ukraine kéo dài - Ảnh 2.

Cựu chỉ huy quân sự của NATO cảnh báo Nga, bất chấp những thất bại trong chiến dịch quân sự, vẫn duy trì lợi thế trên không. Ảnh: Getty

James G. Stavridis là một đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, người đã giữ nhiều vai trò quan trọng trong sự nghiệp của mình, đáng chú ý là chức vụ chỉ huy tối cao của quân đồng minh NATO ở châu Âu từ năm 2009 đến năm 2013. Hôm 8/11, ông đã được doanh nhân John Catsimatidis phỏng vấn và thảo luận về chiến sự đang diễn ra ở Ukraine.

Ông Stavridis dự đoán rằng cuộc xung đột sẽ tiếp tục bế tắc ít nhất là trong suốt mùa đông. 

Mặc dù người ta nói nhiều về thành công của Ukraine trong những tháng gần đây, ông cảnh báo rằng Nga đang duy trì lợi thế trong không chiến, trong khi Ukraine lại có lợi hơn ở trên mặt đất.

Ông nói: "Chiến sự sẽ còn diễn biến rất phức tạp. Người Ukraine giành chiến thắng trên mặt đất. Người Nga chiến thắng trên bầu trời".

Ông Stavridis cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột, lưu ý rằng sự mệt mỏi của các lực lượng Nga đang tạo điều kiện thuận lợi.

Ông nói: "Cơ hội đàm phán có thể là sau mùa đông. Người Nga sẽ kiệt sức, thiệt hại lớn về người và thiết bị.... Tất cả chúng ta cần thúc đẩy một cuộc đàm phán vào khoảng giữa năm 2023".

Trong khi Nga có thể nắm giữ lợi thế trên không, lực lượng mặt đất của Ukraine sẽ nhận được những bổ sung lớn, tiêu biểu là xe tăng hạng nhẹ từ Mỹ, Đức và Pháp.

Bradley Bowman, giám đốc cấp cao của Trung tâm Quyền lực Quân sự và Chính trị tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, nói với hãng tin AP rằng những chiếc xe bọc thép này sẽ mang lại cho lực lượng Ukraine những khả năng chiến lược mới, đặc biệt là khi được sử dụng kết hợp với pháo binh tầm xa. 

Ngoài ra, Ukraine cũng chuẩn bị nhận hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất từ Đức, đây là hệ thống đắt nhất mà nước này nhận được từ viện trợ quân sự cho đến nay. Một hệ thống phòng thủ đất đối không sẽ mang lại cho lực lượng Ukraine lợi thế rất lớn khi đối đầu với Nga.

"Chúng tôi chưa bao giờ mong đợi một hệ thống Patriot", đại sứ Ukraine tại Mỹ, ông Vadym Prystaiko nói với Newsweek. "Nghiêm túc mà nói, đây là một hệ thống chống tên lửa đạn đạo hàng đầu".