Cùng với Vườn Quốc gia U Minh Hạ, điểm du lịch hòn Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh Cà Mau chọn làm điểm đến vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc các ngày lễ, Tết. Huyện Trần Văn Thời còn nhiều điểm đến, như cửa biển Sông Ðốc, đầm Thị Tường...
Huyện Trần Văn Thờ (Cà Mau) có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái với nhiều địa danh được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, ý thức của người dân làm du lịch còn hạn chế nên thời gian qua tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả.
Với đặc trưng của hệ sinh thái đa dạng và phong phú, huyện Trần Văn Thời hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách. Với bầu không khí trong lành, hệ sinh thái đa dạng, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, mang nét đặc trưng của vùng đất ngập nước, thời gian qua Vườn Quốc gia U Minh Hạ được nhiều du khách lựa chọn làm điểm đến để tham quan, du lịch.
Ông Nguyễn Hoàng Sang, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Tôi sinh sống ở nơi đô thị đông đúc nên khi đến Vườn Quốc gia U Minh Hạ tôi thấy ở đây rất thoải mái, bầu không khí rất trong lành. Ðến đây, được tận mắt chứng kiến cảnh rừng tràm mênh mông, bát ngát rất đẹp, với nhiều loại cây mà ở thành phố mình không thể nào thấy được. Mặc dù đi xe có mệt, nhưng khi tới nơi này thì thấy khoẻ lại ngay".
Du khách đến trải nghiệm tại Khu Du lịch sinh thái Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Cùng với Vườn Quốc gia U Minh Hạ, điểm du lịch hòn Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, cũng được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh chọn làm điểm đến vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc các ngày lễ, Tết. Chị Châu Thị Xa, du khách đến từ tỉnh Ðồng Nai, cho biết: “Tôi thấy phong cảnh ở đây rất lạ so với những nơi khác, đặc biệt là biển rất đẹp, tôi thấy thích lắm".
Ngoài hai điểm du lịch nói trên, huyện Trần Văn Thời còn nhiều điểm đến để trải nghiệm khác, như cửa biển Sông Ðốc, đầm Thị Tường, Khu di tích Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) và các làng nghề truyền thống khác…
Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây là một trong những điểm du lịch thu hút đông du khách đến tham quan của huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) .
Mặc dù những năm gần đây số lượt khách đến tham quan, du lịch tại huyện Trần Văn Thời không ngừng tăng lên, năm 2022 huyện đón hơn 100.220 lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 20 tỷ đồng, nhưng so với tiềm năng, lợi thế về du lịch của huyện thì con số này vẫn còn khiêm tốn.
Anh Huỳnh Khánh Lập, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, tâm sự: "Quê hương mình được nhiều người biết đến là xứ U Minh Hạ, nhưng đã qua du khách đến đây mà mình chưa có sản phẩm nào bán cho du khách mang về làm quà tặng.
Cho nên, ngoài trồng tràm kết hợp với gác kèo ong, tôi còn tìm tòi, học hỏi và đã sản xuất ra một số loại rượu, như rượu ong mật, rượu ong vò vẽ, rượu trái giác… nhằm đa dạng hoá các sản phẩm từ rừng tràm, phục vụ người tiêu dùng và du khách khi đến tham quan Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Sau này tôi sẽ cố gắng xây dựng trạm dừng chân phục vụ du khách, với một số dịch vụ trải nghiệm rừng tràm".
Nguyên nhân du lịch sinh thái huyện chưa được khai thác hiệu quả là do hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, chưa kết nối được các điểm du lịch trên địa bàn huyện với các làng nghề truyền thống, như làng nghề làm cá khô bổi, làng nghề ép chuối khô...
Từ đó, việc mời gọi đầu tư tại các điểm du lịch, việc hình thành làng văn hoá du lịch, du lịch cộng đồng, các điểm dừng chân còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn người dân sống bằng nghề nông, nuôi và đánh bắt thuỷ sản nên nhận thức về phát triển du lịch còn hạn chế.
Tại các điểm dừng chân của du khách, chủ yếu là phục vụ ăn uống, chưa có dịch vụ vui chơi, giải trí kèm theo, đặc biệt là chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, chưa liên kết, chia sẻ lợi ích giữa các điểm dừng chân với nhau.
Như chia sẻ của chị Châu Thị Xa, mặc dù rất thích phong cảnh thiên nhiên ở hòn Ðá Bạc nhưng chị cũng tiếc nuối: “Nhưng đến đây mình chỉ được nhìn biển thôi chớ không có bãi tắm và không có hoạt động trải nghiệm nào về biển hay để vui chơi, giải trí nên tôi thấy cũng uổng".
Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh du lịch còn mang tính chất tự phát, chưa có phương án kinh doanh, việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng hộ gia đình còn nhiều hạn chế, nên chưa thu hút khách du lịch; còn tư tưởng e dè, chưa dám đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh.
Thời gian tới, huyện tiếp tục kết hợp với các ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.